Trường đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) tăng cường hợp tác, nâng cấp chương trình đào tạo, cơ sở vật chất… để đáp ứng nhu cầu nhân sự chất lượng cao cho ngành game.
Cuối năm 2023, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) đã cùng Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) trao đổi Biên bản Ghi nhớ về việc hợp tác chiến lược nhằm phát triển ngành game Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực như thúc đẩy quá trình trao đổi kiến thức và học tập, cộng tác trong các dự án nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, đồng thời, tăng cường vai trò của trường trong hệ sinh thái phát triển trò chơi công nghệ NIC.
BUV cũng quyết định thành lập BUV GamePad – Trung tâm Đổi mới, Đầu tư và Ươm tạo Khởi nghiệp cho các Dự án về Lập trình – Thiết kế – Đồ họa Game (BUV GamePad – the Innovation, Investment, and Entrepreneurship Centre for Computer Games Programming, Art, and Design). Đơn vị kỳ vọng dự án trở thành bệ phóng cho những tài năng trẻ, thu hút, đào tạo qua mô hình nuôi dưỡng và định hướng phát triển cho những nhà phát triển, lập trình, thiết kế.
Trường đã bắt đầu giảng dạy chương trình Cử nhân Thiết kế và Lập trình Game từ năm 2018 và tiếp tục tuyển sinh Cử nhân Đồ họa Game (Games Art) cho năm học 2024 – 2025. Cả hai chương trình đào tạo được cấp bằng bởi Đại học Staffordshire (Anh Quốc), ngôi trường top 7 thế giới về đào tạo Thiết kế và Phát triển Game năm 2023, theo The Rookies.
BUV trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức chính quy và các kỹ năng thực tiễn. Song song, trường xây dựng Game Studio, với cơ sở vật chất hiện đại nhằm tối ưu hiệu quả thực hành. Nơi đây bao gồm phòng máy tính (Computer Lab) với dàn máy tính phiên bản mới, cấu hình cao; phòng thiết kế và lập trình game (CGDP Room) được trang bị thiết bị màn hình 27 inch, có thể tùy chỉnh độ cao, xoay để phù hợp với từng nhu cầu sử dụng; phòng ghi hình chuyển động (Motion Capture Studio) có phông nền xanh, bộ đồ ghi hình chuyển động cho lập trình game, máy quay chuyên dụng, kính thực tế ảo (VR)…
Bên cạnh đó, tất cả cử nhân đào tạo về chương trình game tại BUV có cơ hội tham gia vào các dự án sáng tạo phát triển game dưới sự đánh giá và dẫn dắt của giảng viên và chuyên gia đầu ngành. Trường cũng thực hiện các chương trình, cuộc thi về lĩnh vực này nhằm tạo điều kiện cho sinh viên trải nghiệm môi trường làm game thực tế. Trong đó, cuộc thi Game Jam là sân chơi thử thách tạo lập game trong 44 giờ liên tục. Nhờ những hoạt động này, các bạn có thể rèn giũa khả năng “thực chiến”, trau dồi hiểu biết về quy trình làm game thực tế.
Lý giải thêm về việc đầu tư mở rộng đào tạo ngành Game, đại diện BUV cho biết Bộ Thông tin Truyền thông đặt mục tiêu sau 5 năm, doanh thu ngành game tăng từ 600 triệu USD lên một tỷ USD và trở thành một trong những ngành phát triển mũi nhọn của cả nước. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp, đơn vị giáo dục cũng tập trung phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ngành nhận được sự chú ý và đầu tư như vậy nhờ vào tiềm năng lớn trong những năm gần đây. Doanh thu ngành đạt hơn 600 triệu USD, xếp thứ tư trong khu vực Đông Nam Á. Với lượng người dùng đạt 54,6 triệu và tốc độ tăng trưởng 9% mỗi năm, cao hơn trung bình của khu vực (8,2%), Việt Nam được các chuyên gia đánh giá cao.
Hãng tin Bloomberg đánh giá Việt Nam là một cường quốc về game, nằm trong top 5 các quốc gia sản xuất game trên di động (mobile game) hàng đầu thế giới, tính theo lượt tải xuống trong sáu tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, khoảng cách với nhóm đầu thế giới vẫn còn xa nếu xét theo tiêu chí về độ phức tạp, chất lượng cảm giác game, đồ họa. Trong khi đó, đào tạo để nâng cao chuyên môn cho đội ngũ nhân sự là một giải pháp tích cực cho bài toán này.
Theo đại diện trường, khi ngành game đang ngày càng chứng tỏ được chỗ đứng, Chính phủ, các đơn vị tư nhân, cơ sở đào tạo cũng đang ngày càng tích cực đóng góp cho sự phát triển chung của ngành.
“Khi các đơn vị giáo dục có những bước đi tiên phong và sự đầu tư bài bản, kỹ lưỡng, các bạn trẻ sẽ có thêm nhiều lựa chọn chương trình đào tạo, gia nhập đội ngũ nhân sự lành nghề cho ngành game Việt trong thời gian tới”, vị đại diện nói thêm.
Nhật Lệ