TP HCMÔng Lĩnh, 63 tuổi, đi khám bệnh phổi bất ngờ phát hiện bướu cổ lớn sa xuống phía dưới ngực chèn mạch máu và các cơ quan khác.
Ông Lĩnh hút thuốc lá hơn 30 năm, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Tháng 2, ông mệt, khó thở nhiều, dùng thuốc theo toa cũ không giảm. Ông đi khám phổi, bất ngờ phát hiện bướu giáp thùy bên trái lớn (kích thước 7,6 x 6 x 6 cm, nặng 0,7 kg). Khối bướu lớn thòng xuống ngực, đẩy khí quản lệch nhẹ sang phải, chèn ép mạch máu, cơ quan xung quanh.
Ông chưa từng bị bướu cổ trước đây, không có triệu chứng của bệnh lý tuyến giáp như hồi hộp, vã mồ hôi, lồi mắt. Bề ngoài cổ không thấy sưng, to bất thường.
Ngày 21/3, ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng, khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch TP HCM, cho biết nếu không phát hiện và điều trị, bướu tăng kích cỡ, đẩy khí quản, thực quản lệch sang một bên, chèn ép các cơ quan quan trọng xung quanh khiến bệnh nhân khó thở, nuốt nghẹn, khó phẫu thuật.
ThS.BS Trần Thúc Khang, khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch TP HCM, đánh giá khối bướu quá lớn, nằm ngay trước động mạch chủ, dính chặt các mô và cơ quan lân cận nên khả năng cao phải rạch xương ức để lấy bướu ra. Ê kíp tiếp cận khối u từ đường cổ như thông thường, nếu thất bại mới chẻ xương ức.
Bác sĩ mở đường mổ 6 cm ở cổ, cẩn thận bóc tách bướu để tránh làm thủng khí quản, thực quản, không làm rách mạch máu lớn, giảm nguy cơ mất máu, nhiễm trùng.
Sau gần 4 giờ, toàn bộ khối u được lấy ra mà không cần mở đường ngực. Kết quả giải phẫu bệnh xác định u lành tính. Ông xuất viện ba ngày sau đó, không gặp các biến chứng thường thấy sau mổ bướu giáp như chảy máu, khó thở, nhiễm trùng, thay đổi giọng nói, tê tay chân, suy giáp.
Bướu cổ là tình trạng tuyến giáp phì đại, thường lành tính, ảnh hưởng đến nhiều người. Tuyến giáp thường phát triển về phía trước hoặc phía bên cổ. Nếu tuyến giáp phát triển phía dưới và đi qua lỗ ngực vào khoang ngực được gọi là bướu cổ thòng trung thất hoặc bướu cổ dưới xương ức.
Bướu cổ thòng trung thất thường chẩn đoán sau 50 tuổi và phổ biến hơn ở nữ giới gấp 4 lần so với nam giới, theo bác sĩ Hằng. Đa số trường hợp không biểu hiện triệu chứng. Khi bướu lớn dần, chèn ép đẩy lệch khí quản làm thu hẹp đường thở mới gây khó thở khi gắng sức, nghẹt thở, ho, thở rít. Dấu hiệu này dễ gây nhầm lẫn với bệnh lý hô hấp. Nếu bệnh nhân không được chỉ định chụp X-quang hay CT ngực phổi, khó phát hiện khối u.
Sau ca mổ loại bỏ bướu cổ, người bệnh cần lưu ý vệ sinh vết mổ đúng cách để tránh nhiễm trùng, hạn chế nói chuyện, tránh nói to để không gây tổn thương dây thanh quản. Người bệnh không mang vác vật nặng hoặc thực hiện động tác mạnh làm gia tăng áp lực lên vùng cổ nơi có vết mổ, ăn thực phẩm mềm và dễ nuốt, kiêng thức ăn chua, cay, cứng khó tiêu. Tuân thủ lịch tái khám để kiểm tra vết mổ, nồng độ hormone và tình trạng sức khỏe. Nếu xuất hiện các dấu hiệu như sốt cao, rỉ dịch, chảy máu nhiều, vết mổ đau nhiều…, người bệnh cần đến bệnh viện sớm để kiểm tra.
Hầu hết trường hợp bướu cổ lành tính đều có thể phòng ngừa bằng chế độ ăn đầy đủ iốt. Mỗi người nên tăng cường ăn cá biển, nước mắm, muối iốt… và tránh dùng rau bắp cải, cải thảo, cần tây (những thực phẩm có tính kháng giáp, ngăn chặn tuyến giáp hấp thụ iốt); tuân thủ lối sống lành mạnh (không thức khuya, hạn chế uống rượu, bia, không hút thuốc lá, tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày).
Thu Hà
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |