Mẹ tôi 46 tuổi, gần đây đường ruột yếu, ăn tối hơi no hay ăn các món canh chua, mắm thì bụng đau, khó chịu. Mẹ tôi có nên nội soi dạ dày không? (Hải Hà, Long An)
Trả lời:
Nội soi dạ dày là thủ thuật đưa ống soi mềm qua miệng vào bên trong đường tiêu hóa nhằm kiểm tra, quan sát các cơ quan của đường tiêu hóa bao gồm thực quản, dạ dày, hành tá tràng và tá tràng. Phương pháp này an toàn, dễ phát hiện, nhận định các tổn thương của đường tiêu hóa trên.
Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể sử dụng một số dụng cụ để cắt polyp, sinh thiết, cầm máu, lấy dị vật trong ống tiêu hóa, nong những phần bị hẹp, thắt tĩnh mạch thực quản…
Bác sĩ thường chỉ định nội soi dạ dày trong trường hợp người bệnh có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh đường tiêu hóa trên gây khó nuốt, đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua, chán ăn, khó tiêu, chướng bụng, buồn nôn, đi ngoài phân đen.
Người cần lấy mẫu mô chẩn đoán (sinh thiết), điều trị một số tình trạng nhất định thông qua nội soi dạ dày như giãn thực quản, cắt bỏ polyp, loại bỏ dị vật, đánh giá lại kết quả sau khi đã điều trị các bệnh thực quản – dạ dày – tá tràng, cũng được chỉ định phương pháp này.
Ngoài ra, nội soi dạ dày được khuyến nghị với những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc các bệnh đường tiêu hóa. Cụ thể là người có tiền sử gia đình mắc ung thư đường tiêu hóa, có các dấu hiệu như bất thường (nuốt nghẹn, ói ra máu, thiếu máu không rõ nguyên nhân, khối u sờ được trên bụng…).
Bên cạnh trường hợp được chỉ định trên, người khỏe mạnh, không có triệu chứng cũng có thể đăng ký nội soi dạ dày để tầm soát, phát hiện sớm bất thường hệ tiêu hóa.
Tùy theo tình trạng sức khỏe, bác sĩ tư vấn về khoảng cách giữa hai lần nội soi dạ dày khác nhau. Bệnh nhân có chuyển sản ruột niêm mạc dạ dày cần nội soi định kỳ một lần mỗi năm. Bệnh nhân xuất huyết dạ dày có thể được chỉ định nội soi can thiệp nhiều lần trong ngày hoặc kiểm tra sau can thiệp vài ngày bởi đây là biến chứng nguy hiểm cần theo dõi để điều trị phù hợp.
Mẹ bạn 46 tuổi nằm trong độ tuổi cần nội soi để tầm soát các bệnh lý đường ruột kể cả ung thư. Hiện, mẹ bạn có đường ruột yếu, chỉ cần ăn canh chua hay uống nước dừa đều khó chịu và đau bụng có thể do nhiều nguyên nhân như chứng khó tiêu, trào ngược dạ dày thực quản (GERD), viêm tụy, dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm…
Để biết chính xác, mẹ bạn nên đi khám, có thể nội soi dạ dày và đại tràng để kiểm tra sức khỏe đường ruột.
BS.CKI Đặng Lê Bích Ngọc
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi Tiêu hóa
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |