Đầu năm 2019, khi quy hoạch sân golf VN đến năm 2020 hết hiệu lực, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2020 về đầu tư kinh doanh sân golf. Nghị định 52 được xem “cởi trói” cho việc đầu tư vào lĩnh vực golf với nhiều quy định thông thoáng hơn. Quy hoạch sân golf sẽ được các địa phương lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) của tỉnh, TP. Còn theo luật Quy hoạch, không còn quy hoạch sân golf quốc gia giai đoạn sau năm 2020, địa phương được cấp phép đầu tư sân golf theo nhu cầu, định hướng phát triển KT-XH riêng của từng tỉnh, TP.
Đây là lý do trong hơn 2 năm trở lại đây, trong các quy hoạch phát triển của các địa phương đều quy hoạch số lượng sân golf như Quảng Ninh, Bắc Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình… Đến nay, chưa có thống kê chính xác số lượng sân golf trên cả nước khi số lượng quy hoạch nở rộ, cũng như hàng loạt sân golf mới được các địa phương cấp phép xây dựng theo đề xuất của nhà đầu tư.
“Nóng” đường đua du lịch golf
Được xác định là một trong những sản phẩm đủ sức vực dậy ngành công nghiệp không khói sau cú sốc dịch bệnh, cuộc đua thúc đẩy du lịch golf của các địa phương đang châm ngòi cho một cuộc bùng nổ sân golf từ bắc tới nam.
Tại hội thảo “Hải Phòng – Điểm đến du lịch golf” diễn ra chiều 9.8 vừa qua tại sân Dragon Golf Links (khu du lịch quốc tế Đồi Rồng, Q.Đồ Sơn, Hải Phòng), lãnh đạo UBND TP.Hải Phòng khẳng định du lịch golf là một trong 4 sản phẩm mới mà ngành du lịch TP hoa phượng đỏ xác định sẽ hình thành và phát triển trong giai đoạn tới.
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở VH-TT Hải Phòng, đánh giá một trong những điểm sáng của thể thao Hải Phòng là khu vực thể dục thể thao ngoài công lập phát triển với nhiều loại hình và phương thức hoạt động phong phú. Trong khu vực thể dục thể thao ngoài công lập này, golf chính là môn được xây dựng và phát triển theo chủ trương xã hội hóa tốt. Hiện Hải Phòng có 4 sân golf để phục vụ tập luyện và thi đấu. Hằng ngày có khoảng 1.000 người chơi; vào các ngày cuối tuần, số người chơi tăng đến 1.500 người.
Tuy nhiên, Hải Phòng sẽ phải cạnh tranh rất lớn khi gia nhập đường đua du lịch golf. Hàng loạt địa phương khác tại khu vực phía bắc cũng xác định sẽ gia tăng số lượng sân golf trong vài năm tới.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Trưởng ban Kiểm tra Hội Kiến trúc sư Hà Nội)
Hiện Quảng Ninh có 3 sân golf đang hoạt động, 2 sân golf đang trong giai đoạn thi công và 1 sân đang lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến từ nay đến năm 2025, Quảng Ninh sẽ khởi công thêm 5 sân golf trên địa bàn, hướng tới mục tiêu sở hữu 22 sân golf theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 – 2030. Quảng Ninh với lợi thế “thủ phủ” du lịch phía bắc, đang quyết liệt thể hiện ý đồ chiếm luôn ngôi vị trung tâm du lịch golf của khu vực.
Song ngay khi Quảng Ninh công bố quy hoạch, một “tân binh” chỉ có 2 sân golf đang hoạt động, 3 sân được cấp chủ trương đầu tư, cũng bất ngờ tuyên bố muốn trở thành “thủ phủ du lịch golf”, đó là tỉnh Hòa Bình. Ưu tiên xây dựng sân golf là một trong những giải pháp được Hòa Bình xác định để thúc đẩy ngành du lịch, cũng như động lực thúc đẩy tăng trưởng KT-XH được đề cập trong hồ sơ quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh này đã bổ sung vào quy hoạch 16 sân golf với tổng diện tích 1.755 ha. Định hướng đến năm 2050, Hòa Bình sẽ có thêm 17 dự án. Như vậy, nếu thực hiện đúng kế hoạch phát triển trên, Hòa Bình có thể sở hữu gần 40 sân golf.
Không chịu kém cạnh, khu vực miền Trung có lợi thế về địa hình, cảnh quan, thời tiết để phát triển loại hình du lịch cao cấp này, cũng đang nỗ lực tăng tốc. Vừa tổ chức khai mạc Lễ hội du lịch golf Đà Nẵng 2023 (lần 2) vào ngày 24.8, TP.Đà Nẵng không chỉ tổ chức một sân chơi cho các golf thủ chuyên nghiệp hàng đầu thế giới quần tụ mà còn bổ sung các hoạt động tại khu vực Công viên APEC, để người dân, du khách trải nghiệm bộ môn du lịch golf. Đà Nẵng mong muốn đưa du lịch golf Đà Nẵng vươn tầm quốc tế, củng cố vị trí điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á. Lân cận là tỉnh Quảng Nam cũng định hướng du lịch golf là đột phá trong phát triển sản phẩm du lịch ở tỉnh này những năm tới.
Trong quy hoạch phát triển giai đoạn 2021 – 2030 đã được phê duyệt, tỉnh Thanh Hóa cũng đặt mục tiêu phát triển 13 sân golf gắn với phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái cao cấp. Tương tự, quy hoạch đã được duyệt của tỉnh Hà Tĩnh cũng có 6 dự án sân golf đi kèm dịch vụ khách sạn; khu du lịch nghỉ dưỡng nằm trong danh mục các dự án kêu gọi đầu tư…
Ít được nhắc tới trong bản đồ du lịch golf ở VN, song TP.HCM cũng không đứng ngoài đường đua. Hồi tháng 3, Lễ hội Du lịch golf TP.HCM lần đầu tiên được tổ chức tại sân golf Tân Sơn Nhất, sau khi đón đoàn khách 20 golf thủ quốc tế đầu tiên (chủ yếu là doanh nhân) đến từ Singapore vào tháng 2. Lãnh đạo Sở Du lịch TP.HCM khẳng định: Là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa sầm uất cả nước với hệ thống sân golf hiện đại, đẳng cấp quốc tế, TP.HCM hoàn toàn đủ khả năng thu hút khách đến. Phát triển du lịch golf không những giúp đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh du lịch mà còn thu hút khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày tại TP. Vì thế, thời gian tới, ngành du lịch TP sẽ phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Golf VN tổ chức các giải đấu golf chuyên nghiệp cho khách trong nước và quốc tế tại TP.HCM.
Thu hút khách giàu, siêu giàu
Không phải đến bây giờ, môn thể thao sang chảnh này mới được ngành du lịch quan tâm thúc đẩy. Năm ngoái, VN đã vượt qua các đối thủ rất “nặng ký” trong khu vực gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Malaysia để trở thành “Điểm đến du lịch golf tốt nhất châu Á năm 2022” tại lễ trao giải thưởng Golf thế giới lần thứ 9. Đáng chú ý, sự kiện này đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp chúng ta được công nhận là điểm đến du lịch golf tốt nhất châu lục, kể từ năm 2017.
Chỉ tập trung phát triển golf thuần túy
Cần kiểm soát tình trạng bất động sản núp bóng hoặc “ăn theo” quy hoạch phát triển sân golf. Về nhu cầu thị trường, không có nhiều người muốn sở hữu villa hay bất động sản cạnh sân golf. Khách du lịch sang chơi golf cũng không muốn ở luôn trong đó mà sẽ có nhu cầu khám phá, tận hưởng những trải nghiệm khác bên ngoài. Vì thế, du lịch golf chỉ nên tập trung phát triển các loại hình golf thuần túy và đẳng cấp theo nhu cầu của các golf thủ, không phải theo nhu cầu của các nhà đầu cơ bất động sản. Tránh phát triển hệ thống bất động sản ăn theo rồi trở thành những khu phố “ma”, nhà “ma” gây hình ảnh không tốt.
TS Lương Hoài Nam (thành viên Hội đồng tư vấn du lịch VN)
Ở tầm thế giới, VN cũng đã được tôn vinh là “Điểm đến du lịch golf tốt nhất thế giới” 2 lần vào năm 2019 và 2021. Sau đại dịch, VN đã nỗ lực kết nối lại thị trường, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới nhằm đáp ứng nhu cầu thay đổi đa dạng của du khách. Một trong những loại hình du lịch được chú trọng phát triển trong những năm gần đây và ngành du lịch mong muốn du khách đến VN trải nghiệm, đó chính là du lịch golf.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia, đánh giá địa hình đất nước có nhiều đồi núi, đường bờ biển dài, phong cảnh đẹp là những lợi thế để VN phát triển các sân golf hiện đại, đẳng cấp thế giới. Chúng ta hiện có khoảng 80 sân golf và mục tiêu đến năm 2025 sẽ có khoảng 200 sân golf để phục vụ các golf thủ và du khách.
Khẳng định VN càng có nhiều sân golf càng có lợi, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch VN, cho rằng thực tế đất làm sân golf là những khu vực đồi trọc, đất cát vùng biển, đất trống không làm nông nghiệp được. Không địa phương nào lấy đất nông nghiệp hay chặt phá rừng nguyên sinh để làm sân golf. Vì thế, xét về mặt tài nguyên, xây sân golf không gây tác hại. Bên cạnh đó, môn thể thao golf cũng đã hình thành và phát triển ở khắp nơi trên thế giới, từ châu Âu đến châu Mỹ, châu Á.
Theo TS Nam, các nguyên tắc xử lý về môi trường đã được “nằm lòng” và không phải thứ gì quá mới mẻ hay phức tạp, cần xây dựng tiêu chuẩn mới về việc xử lý tác động tới môi trường. Nếu kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy định thì hệ lụy về môi trường hoàn toàn không phải vấn đề trong chiến lược phát triển mạng lưới sân golf. VN lo ngại 100 – 200 sân golf là nhiều nhưng thực tế Hàn Quốc đã có tới gần 500 sân golf, con số này tại Nhật Bản còn lên tới hàng nghìn. Đây đều là những quốc gia đang đặt mục tiêu phát triển bền vững lên hàng đầu.
Nhiều dự án sân golf biến tướng mục đích sử dụng
Theo Quy hoạch sân golf VN điều chỉnh (năm 2014), đến năm 2020 cả nước có 96 sân golf, được cấp phép xây dựng tại 37 địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, thực tế sau đó Bộ KH-ĐT đánh giá chỉ có khoảng một nửa trong số này được xây dựng và đi vào hoạt động, nhiều dự án sân golf “treo” hoặc biến tướng mục đích sử dụng.
Mặt khác, sân golf lại tạo ra nhiều cơ hội phát triển du lịch. Trong mảng du lịch siêu giàu, du lịch đẳng cấp mà VN còn rất nhiều khoảng trống, du lịch golf là một trong những loại hình đang sở hữu tất cả các điều kiện cần thiết để có thể phát triển. Điều kiện thời tiết của VN, đặc biệt ở phía bắc và miền Trung rất lý tưởng cho phát triển du lịch golf, nhằm vào các thị trường Đông Bắc Á – khu vực bị “dính” mùa đông không thể chơi golf được. Đó là lý do vì sao Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… có rất nhiều sân golf nhưng lượng khách từ các thị trường này đến VN chơi golf ngày càng đông.
Chuyên gia này cũng cho rằng VN là địa điểm lý tưởng vì có thể chơi golf quanh năm. Du lịch golf lại là loại hình mang về mức thu cao hơn nhiều so với các loại hình du lịch khác. Một khách quốc tế tới VN chơi golf có mức chi tiêu cho du lịch cao gấp 2 – 3 lần so với các dòng khách du lịch thông thường. Trung bình mỗi khách du lịch golf đến VN chi tiêu khoảng 40 triệu đồng/5 ngày, chưa gồm vé máy bay. Những khách du lịch chi tiêu trên 60 triệu đồng khi đi du lịch cũng đều là du lịch golf.
Lo ngại sân golf biến tướng
Trước đó đã có nhiều dự án sân golf “treo” được Thanh tra Chính phủ chỉ ra vi phạm chậm xây dựng và hoàn thành nhiều năm so với thời hạn được cấp phép. Tháng 3.2023, sau quá trình điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án để điều tra các sai phạm liên quan dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết (Bình Thuận) của Tập đoàn Rạng Đông.
Nguyên nhân sai phạm bắt nguồn từ việc tháng 11.2013, tỉnh Bình Thuận cho chuyển nhượng vốn tại dự án và chủ đầu tư mới là Công ty CP Rạng Đông với mục tiêu xây dựng và kinh doanh sân golf đạt chuẩn quốc tế và công trình phục vụ kèm theo. Tuy nhiên, sau đó Công ty CP Rạng Đông đã có văn bản và được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận cho chuyển đổi đất sân golf sang đất ở đô thị để “đầu tư xây dựng và kinh doanh biệt thự, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng và các công trình hạ tầng phụ trợ”. Khu đất sân golf được HĐND tỉnh Bình Thuận quyết định chuyển sang đất đô thị có diện tích hơn 620.000 m2 nằm ở vị trí đắc địa tại TP.Phan Thiết.
Du khách đến VN chơi golf tăng mạnh
Theo số liệu của Hiệp hội Du lịch VN, 4 tháng đầu năm 2023, trong 3,7 triệu lượt khách quốc tế đến VN, chiếm đến 30 – 40% là khách chơi golf. Thời điểm trước dịch (năm 2019), Hàn Quốc có 5 triệu khách đến VN thì hơn 1 triệu khách du lịch đến để đánh golf, đóng góp cho doanh thu ngành du lịch nước ta từ 2 – 3 tỉ USD. Lĩnh vực golf đang thu hút khoảng 50.000 người VN; 20.000 người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở VN.
VN hiện có khoảng 80 sân golf đang hoạt động, trong đó ít nhất 1/3 đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc tế và có kết nối với các khu nghỉ dưỡng cao cấp. Tổng số sân golf dự kiến sẽ tăng lên 200 vào năm 2025, đủ điều kiện phục vụ ít nhất 300.000 người chơi, bao gồm cả khách VN, người nước ngoài và khách du lịch đến tham quan.
Từng phản đối việc nở rộ sân golf cách đây nhiều năm, đến nay kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Trưởng ban Kiểm tra Hội Kiến trúc sư Hà Nội, vẫn bảo lưu quan điểm này của mình. Theo ông, tiềm năng du lịch golf của VN là có nhưng không thể nói suông. Phải có số liệu chính xác các sân golf đóng góp bao nhiêu thuế cho ngân sách, tạo được bao nhiêu việc làm, cũng như góp phần vào phát triển KT-XH của từng địa phương ra sao.
Đặt vấn đề lo ngại với chất lượng quy hoạch của các địa phương, kiến trúc sư Trần Huy Ánh cũng chỉ rõ nhiều điểm bất cập trong quy hoạch tỉnh Bắc Giang. Theo ông, quy hoạch của tỉnh dù rất dày, nhưng lại không có bản đồ thể hiện rõ các vùng trũng thấp, nên rất khó bố trí đất công mặt nước hay bán ngập trữ nước mùa khô, kết hợp phát triển giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu sản xuất nông công nghiệp, sinh hoạt… Song ở khía cạnh ngược lại, quy hoạch tỉnh lại mô tả chi tiết các dự án thu hồi đất công giao cho tư nhân đầu tư. Trong đó, quy hoạch 12 khu chức năng tổng hợp sân golf và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí với diện tích khoảng 4.500 ha, trong đó bố trí 13 sân golf với diện tích 1.752 ha.
“Để đầu tư duy trì sân golf tốn rất nhiều nước tưới cho cỏ, làm cho vùng đó ngày càng khô hạn. Hóa chất để diệt sâu, bảo vệ cỏ rất độc. Nhưng chưa thấy có một báo cáo nào ghi nhận sự thu gom, xử lý nước tưới cỏ ngấm xuống hay chảy đi đâu”, ông Ánh nêu.
Chuyên gia này cũng cho rằng, hiệu quả kinh doanh sân golf thấp, nhiều sân đang ế ẩm, kể cả kinh doanh bất động sản cũng không ăn thua gì. Bài toán lợi nhuận ngay từ đầu đã thiếu cơ sở. Đặc biệt, với việc các địa phương lân cận nhau đều quy hoạch số lượng lớn sân golf cũng như đặt mục tiêu phát triển du lịch golf sẽ dẫn tới bài toán cung – cầu dư thừa.
Theo ông Ánh, các sân golf tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan hay Malaysia đang cạnh tranh hạ giá quyết liệt. Nếu các địa phương ồ ạt cấp phép xây dựng sân golf mà không tính toán kỹ lợi ích mang lại cho KT-XH địa phương thì nguy cơ trước mắt là lãng phí đất, trong khi hiệu quả kinh tế thu lại rất thấp.