Jenny-Wanda Barkmann, lính canh trại tập trung phát xít ở Ba Lan, được khen ngợi là có ngoại hình xinh đẹp nhưng khét tiếng về sự tàn ác.
Jenny-Wanda Barkmann sinh ngày 30/5/1922 tại Hamburg, Đức, trải qua tuổi thơ bình thường như bao người khác trước khi chủ nghĩa phát xít trỗi dậy.
Ngay trước khi Barkmann tròn 11 tuổi, Adolf Hitler trở thành thủ tướng Đức. Khi Barkmann tròn 16, nhà cửa, doanh nghiệp và giáo đường của người Do Thái trở thành mục tiêu tấn công trong cuộc tàn sát Kristallnacht (Đêm kính vỡ) vào tháng 11/1938. Không lâu sau, Hitler tấn công Ba Lan và Thế chiến II bắt đầu.
Barkmann ban đầu hy vọng có thể tận dụng vẻ ngoài xinh đẹp để trở thành người mẫu. Song chiến tranh kéo dài đã khiến Barkmann thay đổi suy nghĩ. Năm 1944, cô gái 21 tuổi khi đó quyết định trở thành Aufseherin (nữ lính canh) tại trại tập trung Stutthof ở Gdansk, Ba Lan.
Bảo tàng Tưởng niệm Holocaust Mỹ cho biết trong suốt Thế chiến II, có tới 100.000 người đã bị đưa tới Stutthof và khoảng 60.000 chết tại đó. Nhiều người chết vì bệnh dịch như sốt phát ban, song nhiều người khác bị lính canh đưa tới các phòng hơi ngạt hành quyết.
Barkmann là một trong 3.700 nữ lính canh trong các trại tập trung của Đức Quốc xã, với tổng số lính canh lên tới 55.000 người. Cô ta nhanh chóng được biết đến như một trong những người phụ nữ tàn bạo nhất của trại Stutthof.
Barkmann không ngần ngại đánh đập tù nhân đến chết và thường xuyên đưa phụ nữ và trẻ em, những người không đủ sức làm việc, tới phòng hơi ngạt. Jenny-Wanda Barkmann được đặt biệt danh là “bóng ma xinh đẹp”.
Khi Barkmann trở thành cái tên gây ám ảnh ở Stutthof, Thế chiến II dần đến hồi kết. Tháng 4/1945, Adolf Hitler tự sát tại Berlin. Một tháng sau, Đức đầu hàng. Barkmann chạy trốn khỏi Stutthof và trở thành một trong những tội phạm Đức Quốc xã bị truy nã gắt gao nhất. Cô ta đã lẩn trốn suốt 4 tháng trước khi bị bắt tại nhà ga Gdansk ở Ba Lan.
Trong quá trình thẩm vấn, Barkmann khẳng định luôn đối xử tốt với tù nhân Do Thái, thậm chí nói rằng từng cứu sống một số người. Tuy nhiên, hàng chục tù nhân sống sót ở Stutthof đã làm nhân chứng chống lại Barkmann trước tòa, mô tả sự tàn bạo mà cô ta đã gây ra. Ngay cả luật sư biện hộ cũng thừa nhận Barkmann có tội, nhưng lập luận rằng đó là do cô ta mắc bệnh tâm thần. Ông nói không ai tỉnh táo có thể làm những hành động tàn bạo như vậy ở trại tập trung Stutthof.
Trong khi đó, Barkmann không có bất kỳ lời biện hộ nào trước tòa. Đối mặt với những cáo buộc giết người và hành động tàn bạo, cô ta chỉ đáp lại bằng nụ cười khinh miệt. Barkmann không cầu xin tha thứ, cũng không rơi nước mắt hay tỏ ra hối hận.
Khi bị kết án tử, Jenny-Wanda Barkmann nói “cuộc sống thực sự là niềm vui lớn và niềm vui thường không kéo dài”.
Ngày 4/7/1946, Jenny-Wanda Barkmann và những tội phạm chiến tranh khác bị đưa tới đồi Biskup gần Gdansk để xử tử công khai bằng biện pháp treo cổ. Có tới 200.000 người đến theo dõi buổi hành quyết và họ thể hiện rõ sự căm ghét với Barkmann. Nữ lính canh chết ở tuổi 24. Vì lý do nhân đạo, giới chức sau đó ngừng tổ chức các buổi xử tử công khai.
Thanh Tâm (Theo ATI)