Thị trường vàng trong nước tuần qua biến động khi vàng miếng SJC tiếp tục tăng, tiến sát mức gần 80 triệu đồng/lượng. Ở chiều mua vào, mức giá thu hẹp so với bán ra là 1,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng trong nước tăng trong bối cảnh vàng thế giới tăng mạnh. Đáng chú ý, phiên 1/8, giá vàng miếng SJC tăng 800.000 đồng lên mức 79,8 triệu đồng/lượng. Tương tự, vàng nhẫn SJC tăng 350.000 đồng, lên mức 77,65 triệu đồng/lượng.
Theo báo cáo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), nhà đầu tư Việt Nam vẫn tiếp tục tìm đến vàng miếng. Vàng trang sức trong quý II giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung nửa đầu năm nay, nhu cầu vàng trang sức của Việt Nam giảm chỉ còn 7 tấn, mức thấp nhất so với các cùng kỳ từ năm 2022 đến nay.
Thị trường vàng thế giới tuần qua tăng mạnh vào giữa tuần, khi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phát đi tín hiệu Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Thêm vào đó, sự bất ổn địa chính trị ở Trung Đông và dữ liệu kinh tế đáng thất vọng, đẩy giá vàng lên mức trên 2.500 USD/ounce.
Giá vàng hạ nhiệt vào phiên cuối tuần sau báo cáo việc làm của Mỹ. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 7/2024 đã tăng tháng thứ tư liên tiếp lên mức 4,3%, từ mức 4,1% của tháng 6. Vàng thế giới kết thúc tuần ở mức 2.441 USD/ounce.
Phillip Streible, chiến lược gia trưởng thị trường tại Blue Line Futures, cho biết một nguyên nhân khiến giá vàng lao dốc do nhà đầu tư bán tháo mạnh ở mức giá đỉnh, để luân chuyển tài chính sang các lĩnh vực đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.
Nỗi lo suy thoái kinh tế gây ra làn sóng bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán yếu hơn tạo ra nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang đi ngược với xu hướng thông thường khi họ buộc phải bán các tài sản có lợi nhuận, trong đó có vàng, để bù đắp khoản lỗ vốn tại thị trường chứng khoán.
Theo Chris Vecchio, Giám đốc Chiến lược tại Tastylive, “bóng ma” suy thoái kinh tế trở nên đỉnh điểm vào thứ 6 tuần trước (2/8). Các nhà kinh tế giải thích, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đã kích hoạt chỉ báo suy thoái Sahm (tỷ lệ thất nghiệp bình quân 3 tháng).
Theo quy định, thời điểm bắt đầu suy thoái có thể được xác định khi tỷ lệ thất nghiệp quốc gia trung bình trong 3 tháng tăng 0,5% trở lên so với mức trung bình tối thiểu của 3 tháng trước đó.
Dữ liệu việc làm đáng thất vọng còn cho thấy Fed mắc sai lầm về chính sách tiền tệ khi chờ đợi quá lâu để cắt giảm lãi suất.
Robert Minter, Giám đốc Chiến lược Đầu tư tại Abrdn, cho biết sau số liệu việc làm tiêu cực, Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ đẩy nhanh việc cắt giảm lãi suất. Ông cho rằng, thị trường việc làm rất quan trọng, chỉ một yếu tố nhỏ có thể ảnh hưởng trực tiếp tới chi tiêu của người dân. Dó đó, thị trường việc làm suy yếu, có thể dẫn đến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Trong một bình luận với Kitco News, Naeem Aslam, Giám đốc đầu tư tại Zaye Capital Markets, nói rằng, ông lạc quan về vàng. Theo ông, những sai lầm về chính sách tiền tệ của Fed hiện rất rõ ràng khi ngân hàng quyền lực nhất thế giới đang chậm chân trong việc cắt giảm lãi suất, khiến nền kinh tế nguy cơ suy thoái. Đây là một tin tốt lành với thị trường vàng.
Trong khi đó, bà Michele Schneider, Giám đốc chiến lược của MarketGauge, dự báo vàng có thể sẽ tăng với mức 8% trong thời gian tới. Vàng giữ được mức 2.450 USD/ounce thì có thể đạt mức 2.650-2.700 USD/ounce.
Còn Chris Vecchio khuyên rằng, trường hợp giá vàng giảm trong thời gian tới thì các nhà đầu tư nên cho đây là cơ hội để mua vào. Bởi vàng chắc chắn sẽ tăng giá khi nền kinh tế Mỹ đang rơi vào suy thoái.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/bong-ma-suy-thoai-de-doa-kinh-te-my-co-hoi-cho-vang-but-pha-2308543.html