Trong bối cảnh địa chính trị ngày càng phức tạp, các kế hoạch đầy tham vọng của Nga nhằm tăng quy mô xuất khẩu khí đốt, đặc biệt là về phương Đông và dưới dạng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), đang gặp phải những trở ngại to lớn, bao gồm sự đình trệ trong đàm phán về đường ống mới vận chuyển khí đốt sang Trung Quốc và đòn trừng phạt của Mỹ nhắm vào dự án Artic LNG 2.
Sẽ mất nhiều năm nữa
Sự “xoay trục” của Nga sang Trung Quốc nhằm bù đắp phần nào thị phần khí đốt đã mất ở châu Âu theo sau chiến dịch quân sự ở Ukraine đang tỏ ra là một nỗ lực đầy thách thức.
Dự án đường ống Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2) được hình thành từ hơn một thập kỷ trước để giúp Nga “hướng Đông”, với việc khí đốt Nga từ Bán đảo Yamal ở Tây Siberia được vận chuyển qua lãnh thổ Mông Cổ tới Đông Bắc Trung Quốc.
Kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine và thương mại Nga-châu Âu sụp đổ khiến khí đốt Nga bị mắc kẹt, Power of Siberia 2 được khoác lên mình một tầm quan trọng và sự cấp bách mới.
Trở ngại đối với Moscow là Bắc Kinh – một đối tác kinh tế ngày càng quan trọng kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng phát – dường như không vội vàng tham gia. Các cuộc đàm phán xung quanh dự án mới nhất này vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển, chủ yếu do bất đồng về giá cả.
Hiện tại, Tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga đang cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia – chạy thẳng vào Trung Quốc qua biên giới phía Bắc của nước này với Nga, đi vào hoạt động vào năm 2019 và dự kiến sẽ đạt công suất tối đa 38 tỷ m3 mỗi năm vào năm 2024.
Nguồn cung cho Trung Quốc vào năm 2023 dự kiến đạt 23,2 tỷ m3, vượt kế hoạch được đặt ra trước đó, ông Alexey Miller, CEO của Gazprom, nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tuần trước. Vị CEO cũng cho biết rằng khối lượng khí đốt được “hướng Đông” vào năm 2025 sẽ vẫn ổn định ở mức 38 tỷ m3.
Mặc dù tự hào về việc tăng cường dòng chảy sang Trung Quốc, xuất khẩu khí đốt của Nga nói chung đã giảm kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, và Moscow sẽ phải mất nhiều năm để bù đắp khối lượng xuất khẩu qua đường ống sang châu Âu trước đó bằng nguồn cung cao hơn cho các thị trường khác.
Trước xung đột, Nga cung cấp khoảng 1/3 tổng lượng khí đốt cho châu Âu. Các nhà phân tích nghi ngờ rằng Moscow có thể tăng khối lượng xuất khẩu sang Trung Quốc lên mức như vậy trong ít nhất 7 năm nữa.
Chưa phải điều tệ nhất
Là nhà sản xuất LNG lớn thứ 4 thế giới sau Mỹ, Qatar và Australia, Nga có tham vọng tăng thị phần toàn cầu lên khoảng 1/5 từ mức 8% hiện nay bằng cách tăng gấp 3 sản lượng lên hơn 100 triệu tấn vào năm 2030-2035.
Với việc thiếu các đường ống mới cho phép dòng chảy khí đốt “hướng Đông”, Nga đã đặt cược vào việc tăng doanh số bán LNG mà châu Âu nhập khẩu với số lượng lớn.
EU là khách hàng mua LNG lớn nhất của Nga kể từ khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với dầu Nga có hiệu lực vào cuối năm ngoái, theo dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA).
Nhập khẩu khí đốt từ Nga, không giống như dầu và các sản phẩm dầu mỏ, không bị EU cấm, ít nhất là chưa cấm. Nhưng EU vẫn đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn khí đốt Nga vào năm 2027.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt gần đây của Mỹ đối với dự án LNG mới nhất của Nga ở Bắc Cực, gọi là Arctic LNG 2, có khả năng phá vỡ chiến lược LNG của Điện Kremlin và “vùi dập” tham vọng trở thành người chơi lớn trên thị trường LNG toàn cầu của gã khổng lồ Á-Âu.
Đây chưa phải điều tệ nhất. Điều tệ hơn nữa là các lệnh trừng phạt cũng đã khiến số phận các hợp đồng đóng tàu chở LNG chịu băng – cực kỳ quan trọng đối với dự án LNG của Nga ở Bắc Cực – trở nên bất định.
Với 3 dây chuyền xử lý, Arctic LNG 2 có công suất 19,8 triệu tấn mỗi năm và 1,6 triệu tấn khí ngưng tụ ổn định mỗi năm. Điều đó khiến dự án này trở thành trọng tâm trong kế hoạch của Nga nhằm tăng doanh thu từ năng lượng sau khi xuất khẩu khí đốt qua đường ống sang châu Âu sụt giảm nghiêm trọng. Điện Kremlin phụ thuộc vào doanh số bán năng lượng, vốn chiếm 57% tổng doanh thu xuất khẩu của Nga và 27% tổng sản phẩm quốc nội trong năm ngoái.
“Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Artic LNG 2 đã trở thành bóng ma đe dọa toàn bộ chiến lược LNG của Nga”, ông Sergei Kapitonov, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Chuyển đổi Năng lượng và ESG của Dự án Skoltech có trụ sở tại Moscow, nói với hãng tư vấn Energy Intelligence.
Còn theo ông Alexey Belogoryev, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển của Viện Năng lượng và Tài chính có trụ sở tại Moscow, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với LNG 2 ở Bắc Cực đã tạo ra những bất ổn lớn trong tương lai.
Novatek, nhà xuất khẩu LNG hàng đầu của Nga đang phát triển dự án, “sẽ buộc phải chuyển sang các tàu của Nga và các tàu chở hàng lỏng treo cờ của quốc gia khác nhưng thu được lợi ích từ Nga thông qua một chuỗi các công ty”, ông Belogoryev nói.
“Vấn đề tàu chở hàng là vấn đề then chốt. Tình hình sẽ trở nên đặc biệt tồi tệ hơn nếu EU theo chân Mỹ áp lệnh cấm vận đối với LNG của Nga. Và điều này hoàn toàn có thể xảy ra sau năm 2026”, vị chuyên gia bổ sung.
Minh Đức (Theo BNN Breaking, Oil Price, Euractiv)