Không có kết bài, sai chính tả nhiều, quên giới thiệu tác giả, tác phẩm đều bị trừ điểm nặng trong bài thi tốt nghiệp THPT môn Văn.
Ngày 28/6, hơn một triệu thí sinh sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT với môn thi đầu tiên là Văn. Theo các giáo viên, có bốn lỗi mà nhiều thí sinh mắc phải trong các kỳ thi trước
“Đầu voi đuôi chuột”
Thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên trường THPT Bùi Thị Xuân, TP HCM, cho biết nhiều thí sinh đọc đề xong thường “cắm đầu cắm cổ” viết, không phân chia thời gian cho mỗi câu trong đề, khiến bài văn rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”. Cụ thể, có thí sinh phần đầu viết rất kỹ nhưng đến gần cuối thì sơ sài, qua loa, không đủ ý do đã hết giờ. Cách làm này vừa dễ bị mất điểm do không đủ ý mà còn có thể bị trừ điểm nặng nếu quên hoặc không kịp viết kết bài.
“Bài văn mà không có kết bài thì không chỉ bị trừ điểm nội dung mà còn trừ cả điểm bố cục rất nặng”, thầy Đức Anh nói.
Một tình huống khác có thể dẫn tới lỗi này là nhiều em viết nháp quá dài rồi mới chép lại vào bài làm nên mất thời gian. Do đó, thầy Đức Anh khuyên thí sinh chỉ nên nháp hệ thống luận điểm, các ý chính cần triển khai, không nên nháp quá chi tiết, đầy đủ.
Để tránh lỗi viết “đầu voi đuôi chuột”, theo thầy Phan Thế Hoài, giáo viên trường THPT Bình Hưng Hòa, học sinh cần phân bổ thời gian làm bài sao cho hợp lý, chẳng hạn, dành 10-15 phút làm đọc hiểu, 20-25 phút làm nghị luận xã hội, ưu tiên thời gian cho câu nghị luận văn học và 5-7 phút cuối đọc lại bài làm để sửa chữa lỗi chính tả nếu có. Những học sinh trung bình yếu nên chuẩn bị sẵn kết bài của một số tác phẩm quen thuộc để viết cho nhanh.
Đọc đề không kỹ
Một lỗi khác học sinh dễ mắc phải là đọc, phân tích đề không kỹ dẫn đến lạc đề hoặc viết theo cảm tính. Chẳng hạn, đề yêu cầu viết một đoạn văn nhưng thí sinh lại làm hẳn một bài văn.
Nhiều em còn quên phần yêu cầu phụ của đề. Câu nghị luận văn học ngoài yêu cầu phân tích tác phẩm còn có thể yêu cầu liên hệ thực tế cuộc sống hoặc suy nghĩ, hành động của bản thân. Nhiều thí sinh mải phân tích tác phẩm mà quên hoặc viết sơ sài thì có thể mất trắng điểm hoặc không được điểm trọn vẹn.
Do đó, thầy Đức Anh lưu ý khi đọc đề thí sinh nên gạch chân những từ khóa rồi phân tích kỹ các dữ liệu đề đã cho cũng như yêu cầu của đề bài.
Lỗi chính tả, lỗi bố cục
“Hướng dẫn chấm thi luôn có điểm cho bài làm đúng chính tả, ngữ pháp. Do đó, những từ lạ, không chắc về ngữ nghĩa hoặc chính tả thì thí sinh không nên dùng”, thầy Đức Anh nói.
Để một bài văn đạt điểm cao, cả câu nghị luận xã hội và văn học, thầy Hoài lưu ý thí sinh phải bảo đảm cả về hình thức lẫn nội dung.
Ví dụ, câu nghị luận xã hội yêu cầu viết đoạn văn thì không được viết xuống dòng, không trình bày như một bài văn thu nhỏ. Ở câu nghị luận văn học, thí sinh phải viết rõ bố cục mở bài, thân bài, kết bài. Trong đó, phần thân bài, các em cần chia ra nhiều đoạn nhỏ, mỗi đoạn trình bày một luận điểm rõ ràng, tránh viết từ trên xuống dưới sẽ rất rối.
Quên bối cảnh tác giả, tác phẩm
Ở phần nghị luận văn học, theo thầy Đức Anh, một số lỗi dễ bị trừ điểm như không giới thiệu tác giả, bối cảnh tác phẩm ra đời hay ý nghĩa, đóng góp của nó. Đối với những đề yêu cầu phân tích đoạn thơ hoặc đoạn trích trong truyện, thí sinh cũng hay quên giới thiệu vị trí, thứ tự của trích đoạn đó trong tác phẩm.
Thầy Hoài cho rằng khi làm bài thi, thí sinh nên tập trung viết đúng, viết đủ, không cần cố gồng để viết hay, khác lạ vì phần sáng tạo chỉ chiếm 0,5/5 điểm. Học sinh có năng khiếu văn chương sẽ có cách phân tích, cảm nhận riêng, giám khảo sẽ trân trọng những góc nhìn đó và cho điểm xứng đáng.
Lệ Nguyễn