Bất kể ngang cấp nhưng việc đồng nghiệp quyền lực hơn là không hiếm và bạn có thể cân bằng mối quan hệ này qua một số cách ứng xử.
Dù thừa nhận hay không, trong quan hệ đồng nghiệp luôn có khác biệt về quyền lực. Điều này thường dựa trên địa vị, đặc thù nhiệm vụ mỗi người và ai có nhiều quyền kiểm soát hơn trong những thời điểm nhất định.
Ví dụ, trưởng nhóm kỹ sư sẽ ra quyết định cuối cùng về thời gian ra sản phẩm mới. Người này khả năng nhiều quyền lực hơn trưởng nhóm bán hàng. Kết quả, có thể cùng cấp bậc nhưng quyền lực phân hóa, khiến nhân sự cấp bậc thấp hơn khó chịu. Do đó, sự cân bằng là điều cần phát triển để đạt được sự tôn trọng lẫn nhau trong mối quan hệ với đồng nghiệp ở công sở.
Về cơ bản, đó là quá trình khẳng định bản thân, kết hợp với rèn luyện quyền tự quyết, đặc biệt là vào thời điểm bị bỏ rơi hoặc phụ thuộc. Sau đây là 4 cách triển khai cụ thể.
Biết cách từ chối yêu cầu
Rất khó từ chối yêu cầu từ đồng nghiệp có quyền hơn. Tuy nhiên, quyền lực gồm nhiều yếu tố và mang tính tình huống. Trong một mối quan hệ nó không chỉ là khả năng ảnh hưởng đến người khác, còn có thể chống lại ảnh hưởng của người khác mạnh hơn.
Vì thế, trước đây bạn luôn đồng ý mọi yêu cầu thì thỉnh thoảng nên từ chối một cách lịch sự. Khi đồng nghiệp áp đặt bạn quá mức, như đưa ra thêm yêu cầu vào phút cuối, bạn không nên dừng những việc đang làm để ưu tiên giải quyết.
Hãy tham khảo trả lời theo cách này: “Tôi đã nhận được yêu cầu của bạn và sẵn lòng giúp, nhưng có những việc khác phải giải quyết lúc này. Trong thời gian chờ đợi, vui lòng gửi thêm thông tin phòng khi tôi có thể đưa ra giải pháp khác”.
Theo cách lý tưởng, cần đưa thông điệp rằng bạn hy vọng họ cũng đầu tư vào mối quan hệ này. Nếu họ tuân theo đề nghị tối thiểu bạn đưa ra, bạn có thể tự tin giữ vững lập trường với tư cách là cộng sự bình đẳng.
Kết nối họ với người đánh giá cao bạn
Một cách khác để thay đổi quyền lực trong mối quan hệ là nhắc nhở họ về giá trị của bạn một cách tinh tế. Theo đó, có thể kết nối họ với những người đánh giá cao bạn mà họ cũng tôn trọng.
Điều này mang đến 3 lợi ích. Thứ nhất, là bằng chứng xã hội cho việc những người họ ngưỡng mộ cũng nhận ra sự quan trọng của bạn. Thứ hai, thay đổi cán cân trong quan hệ do bạn có được quyền lợi từ người mà họ tôn trọng. Cuối cùng, thể hiện bạn cũng có quyền lợi nổi trội.
Ví dụ một quản lý cấp trung luôn nỗ lực được thừa nhận là nhà điều hành chiến lược trong công ty, nhưng liên tục bị bộ phận nhân sự đánh giá thấp trong các cuộc họp tiến cử. Để phá vỡ rào cản, quản lý này bắt đầu phát triển mối quan hệ với các lãnh đạo cấp cao khác và đóng góp vào các sáng kiến chung hữu ích cho công ty. Sau đó, người này kết nối các quản lý cấp cao với vài đồng nghiệp trong bộ phận nhân sự để họ có thêm những đánh giá đa chiều, khách quan. Nhờ đó, người quản lý cấp trung có nhiều cơ hội thăng tiến hơn.
Hỗ trợ họ nhận ra điểm mù bản thân
Ngay cả những người quyền lực nhất cũng không thể nhận thức bản thân chính xác theo cách người khác nhìn nhận về họ. Nói cách khác, họ cũng có những điểm mù nhất định. Và khi giúp họ nhận ra chúng, họ có thể bắt đầu xem bạn như một cộng sự đáng tin cậy, chứ không phải đồng nghiệp yếu thế.
Bằng cách bước ra khỏi vùng an toàn một cách tế nhị và quyết đoán chỉ ra điều mà người có quyền lực không nhận thấy, bạn sẽ được tôn trọng và có sức ảnh hưởng với họ.
Khiến họ hành động để bạn chú ý
Chiến lược thứ tư để đạt được sự tôn trọng từ đồng nghiệp có quyền lực hơn là tạo điều kiện cho họ “bán” giá trị bản thân cho bạn. Chẳng hạn, nhân sự phải làm phỏng vấn ứng tuyển lại khi công ty tiến hành tái cơ cấu hay sáp nhận. Trước tình huống này, nhiều người thường chuẩn bị khá kỹ những câu hỏi họ nghĩ sẽ được hỏi và cố trả lời để làm hài lòng đồng nghiệp tuyển dụng lại mình. Điều này có vẻ an toàn nhưng thực tế lại đặt họ ở vị trí tầm thường và không được xem trọng trong mắt đối phương.
Thay vào đó, hãy trả lời thoải mái và đừng ngại đặt những câu hỏi ngược lại. Khi đồng nghiệp hỏi: “Tại sao chúng tôi nên thuê bạn cho công việc này?”, câu trả lời thường là chứng minh giá trị bản thân.
Nhưng hãy cân nhắc ngừng lại giây lát và nói điều gì đó như: “Thực ra, tôi không chắc bạn có nên thuê tôi không. Tôi muốn biết liệu kinh nghiệm và tầm nhìn của chúng ta có phù hợp nhau không. Bất cứ điều gì bạn chia sẻ về cách quản lý của mình cũng sẽ hữu ích khi tôi hoạch định bước tiếp theo”.
Bằng cách áp dụng các chiến lược này, bạn có thể xoay chuyển một cách sáng tạo, định hình mối quan hệ theo hướng đáng được nhận.
Phiên An (theo Harvard Business Review)