Tối 6-4, sau khi lễ khai mạc Liên hoan phim quốc tế TP.HCM (HIFF) diễn ra tại Nhà hát TP.HCM, bộ phim mang cái tên rất thân thuộc – Bolero – đã được công chiếu lần đầu tiên tại Việt Nam nói riêng và toàn châu Á nói chung.
Đây là “phát súng xuất phát” của tuần lễ điện ảnh kéo dài 8 ngày tại “thành phố không ngủ”.
Bolero cũng là bộ phim đại diện nước Pháp tham gia hạng mục Giao lộ điện ảnh (Cinematic Crossroads) của HIFF – nơi tôn vinh nền điện ảnh của một quốc gia hoặc thành phố có những thành tựu, ảnh hưởng nổi bật và có mối quan hệ văn hóa, ngoại giao, nghệ thuật đặc biệt đối với TP.HCM.
Bản nhạc bất hủ Bolero
Phim lấy bối cảnh những năm đầu thế kỷ 20, kể về công cuộc sáng tạo nghệ thuật đầy trớ trêu của nhạc công Maurice Ravel. Ở trên đỉnh cao sự nghiệp, Ravel bỗng thấy lạc lõng vì âm nhạc đã rời bỏ mình.
Bản thân ông cũng không chắc sau một đời gắn bó, ông có còn “yêu” nó như ban đầu không.
Tuy nhiên, sau nhiều sự kiện diễn ra và được tiếp thêm cảm hứng từ những người phụ nữ trong đời, ông vẫn sáng tác ra khúc giao hưởng bất hủ Bolero – một tác phẩm vượt xa ra khỏi biên giới Pháp và được phổ biến rộng rãi đến tận ngày nay.
Xuyên suốt bộ phim, từng thanh âm nhà soạn nhạc vô tình nghe thấy hay từng cử chỉ thân mật ông dành cho những người ông quý mến đều góp phần truyền cảm hứng cho 17 phút của bản Bolero.
Từ tiếng dồn dập của công xưởng cơ khí những cảnh đầu phim cho đến những giai âm jazz trong một quán bar nhỏ nằm giữa New York thập niên 1980 hay thậm chí là tiếng vải satin trượt trên làn da một người phụ nữ.
Sở dĩ Bolero vượt qua kỳ vọng của Maurice Ravel, trở thành một tác phẩm âm nhạc bất hủ là bởi ông đã vô tình bỏ đi sự hà khắc về tiêu chuẩn của ông dành cho nhạc lý.
Trong giai đoạn sườn dốc của sự nghiệp, ông vô tình để lạc mình trong những khoái cảm trần tục nhưng đẹp đẽ và chân thực của nhân gian.
Bolero cũng vì thế giao tiếp với khán giả trên toàn thế giới bằng một thứ ngôn ngữ chung, trở thành một bản ca vũ gửi đến toàn nhân loại.
Có một tuyên bố vô cùng ấn tượng ở kết phim là: “Cứ mỗi 15 phút trôi qua lại có một người trên thế giới đang nghe bản Bolero do Ravel sáng tác”.
Phim dành được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ các khản giả tham dự HIFF ở cả hai lần chiếu những ngày đầu liên hoan phim.
Lời giãi bày của gã nghệ sĩ cô đơn
Chiều 7-4, đạo diễn Anne Fontaine và diễn viên đóng vai nhạc công Ravel – Raphaël Personnaz đã có buổi tọa đàm nho nhỏ sau khi Bolero một lần nữa chiếu tại trung tâm thương mại Thiso Mall.
Tại đây, bà Anne Fontaine đã có nhiều thời gian hơn để tâm tình với khán giả, giải đáp những thắc mắc xuyên suốt bộ phim cũng như chia sẻ về quá trình làm phim.
Nam diễn viên Raphaël Personnaz có dịp chia sẻ cách anh hóa thân vào nhân vật có nội tâm phức tạp này.
Trong phim, nhạc công Maurice Ravel được khắc họa là một người trầm tính, khó gần, ngại giao tiếp và chỉ bày tỏ cảm xúc của mình với những người anh gần gũi và quý mến.
Raphaël Personnaz chia sẻ rằng tâm thế của một người nhạc trưởng thiên tài không thể được khắc họa một cách hời hợt, chính vì lẽ đó, anh đã bỏ ra một năm để học cách chỉ huy dàn nhạc cũng như nghiên cứu âm nhạc của Ravel.
Anh cho rằng đây là cách tốt nhất để gắn kết với nhân vật mà anh thể hiện.
“Cuộc đời ông Ravel rất kín đáo, chính vì vậy cách tốt nhất để hiểu ông là thông qua âm nhạc.
Nhờ âm nhạc, ta cảm thấy được sự nhạy cảm trong tâm hồn Ravel, đối với ông thì đó là cách ông giãi bày con người của mình” – Raphaël Personnaz chia sẻ thêm.
Raphaël Personnaz bén duyên với điện ảnh Việt trong khuôn khổ Liên hoan phim Cannes 2023, anh là giám khảo hạng mục Caméra d’or, giải thưởng trao cho nhà làm phim trẻ Phạm Thiên Ân với phim Bên trong vỏ kén vàng.
Nữ đạo diễn Anne Fontaine nổi tiếng với phong cách làm phim táo bạo và phá cách. Bà cũng sở hữu phức cảm sâu sắc dành cho những mối quan hệ nam nữ, vượt xa những tiêu chuẩn thông thường về tình yêu trên màn ảnh.
Anne Fontaine là cái tên yêu thích của giới phê bình và phòng vé vào những năm 1990 và 2000 nhờ những bộ phim tình cảm phức tạp và táo bạo như: Dry Cleaning (1997), Coco Before Chanel (2009) và Adore (2013).
Bolero là tác phẩm mới nhất của bà mới công chiếu hồi tháng 3 tại Pháp.