Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp xử lý ngân hàng, công ty bảo hiểm vi phạm về sản phẩm liên kết đầu tư.
Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế xã hội và ngân sách sáng 31/5, bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, nêu những bất cập về thị trường bảo hiểm. Trong đó, bà đề cập bảo hiểm nhân thọ và các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư mà khách hàng bị ép mua kèm khoản vay, hoặc bị lừa gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm.
Giải trình sáng 1/6, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận có những tồn tại trong liên kết ngân hàng và công ty bảo hiểm để bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, hưởng hoa hồng. Hợp đồng bảo hiểm dài, chưa rõ ràng nên người mua sẽ bị thua thiệt nếu không đọc kỹ.
“Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đang phối hợp xử lý nghiêm những ngân hàng và công ty bảo hiểm vi phạm”, ông Hồ Đức Phớc nói.
Ông nói thêm, Bộ Tài chính đang xây dựng nghị định và thông tư về kinh doanh bảo hiểm, trong đó đưa ra nguyên tắc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm; hợp đồng bảo hiểm, mức tối đa chi thưởng đại lý bảo hiểm.
“Các quy định về hợp đồng sẽ rõ ràng, ngắn, trọng tâm hơn và làm rõ quyền lợi, thời hạn, nghĩa vụ của các bên. Quy định về thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm cũng được quy định cụ thể”, ông thông tin.
Hiện Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và ông Phớc kỳ vọng được ban hành sớm để tăng cường chất lượng theo hướng bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Tại phiên thảo luận hôm qua, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đề nghị Bộ Tài chính thanh tra toàn diện bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào bảo hiểm liên kết đầu tư. Bộ Công an xác minh làm rõ có hay không dấu hiệu tội lừa đảo, lừa dối khách hàng, nếu có thì đề nghị khởi tố điều tra.
Sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư được nhà bảo hiểm quảng cáo là có ý nghĩa bảo vệ rủi ro và có thêm quyền lợi đầu tư sinh lời. Nhưng trên thực tế, khoản phí bảo hiểm của khách hàng sẽ bị trừ rất nhiều chi phí, trước khi được phân bổ vào quỹ liên kết đầu tư.
Nhà bảo hiểm sẽ thu “khoản phí ban đầu” tương ứng 65% và 50% phí bảo hiểm cơ bản trong hai năm đầu và khoản này không được hoàn lại. Sau khi trừ đi các loại chi phí rủi ro và chi phí khác, khách hàng phải chấp nhận gần như “mất trắng” phí bảo hiểm cơ bản đóng trong năm đầu.
Khoản phí bảo hiểm cơ bản hằng năm sau khi trừ các chi phí ban đầu và chi phí rủi ro, mới bỏ vào các quỹ liên kết đầu tư tương ứng mức độ rủi ro khác nhau, hoặc đầu tư cổ phiếu, trái phiếu hoặc tiền gửi. Với bảo hiểm liên kết đầu tư đơn vị, khách hàng chịu toàn bộ rủi ro đầu tư, tùy thuộc vào biến động thị trường và hiệu quả của danh mục. Do diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi, hiện tại, phần đầu tư liên quan đến quỹ đầu tư cổ phiếu có thể lỗ lên tới vài chục phần trăm hoặc mất trắng.
Cũng tại phiên thảo luận hôm nay, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin, số tiền dự kiến miễn, giảm, giãn hoãn thuế, phí năm nay cho người dân, doanh nghiệp khoảng 195.400 tỷ đồng. Trong đó, 62% là tiền gia hạn thuế, còn lại 30% là giảm thuế, phí.
Liên quan tới khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, ông Phớc nhìn nhận, chủ yếu do tổng cầu giảm sâu. Do đó, các giải pháp đưa ra cần hướng tới tháo gỡ tổng cầu, tức là tăng tiêu dùng, đầu tư tư nhân trong các lĩnh vực bất động sản, điện tái tạo, giải ngân đầu tư công hay xuất, nhập khẩu.
Bộ trưởng Phớc cho rằng, cần phân cấp mạnh hơn cho các địa phương, bộ, ngành với các nhiệm vụ như chi thường xuyên để sửa chữa, nâng cấp công trình công, máy móc thiết bị, hay đánh giá tác động môi trường dự án. Cùng đó, các bộ, ngành cũng cần giải quyết điểm nghẽn về thị trường, cung ứng vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế.
“Doanh nghiệp là tế bào của nền kinh tế, họ phát triển thì mới giải quyết được việc làm, tăng trưởng và thu ngân sách”, ông nói.