Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết năm 2019, có 24.000 hộ gia đình dân tộc thiểu số có nhu cầu về đất ở và 42.000 hộ gia đình cần đất sản xuất.
Tại phiên chất vấn chiều 6/6, nhiều đại biểu đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời về việc thực hiện các chính sách cho đồng bào dân tộc; những khó khăn khiến nhiều hộ “không muốn thoát nghèo”, di canh di cư nhiều nơi.
Nêu thực trạng đồng bào thiếu tư liệu sản xuất, đại biểu Dương Tấn Quân (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) nêu tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến du canh, du cư tự phát, chặt phá rừng. Đây là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Ông đề nghị Bộ trưởng cho biết những thuận lợi, khó khăn và giải pháp trong thời gian tới.
Trả lời, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, việc thiếu đất ở và sản xuất của đồng bào là việc rất lớn. Năm 2019, nhu cầu về đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 24.000 hộ gia đình và 42.000 hộ gia đình cần đất sản xuất. Sau khi tính toán, Ủy ban Dân tộc trình Chính phủ đưa ra mục tiêu đến năm 2025 giải quyết 60% đất ở cho người dân, còn lại giải quyết vào giai đoạn 2026-2030. Giai đoạn đầu sẽ tập trung vào nơi khó khăn nhất, nơi đồng bào chưa được hỗ trợ chính sách.
Về đất sản xuất, thống kê cho thấy nhiều nơi có quỹ đất hỗ trợ xây dựng mô hình sắp xếp dân cư tập trung, nhưng cũng có nơi không còn quỹ đất; các bộ ngành, địa phương chậm triển khai chính sách. “Chúng tôi sẽ rà soát để có quỹ đất cấp cho bà con”, ông Lềnh nói.
Cùng quan tâm, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thiếu và chậm giải quyết. Trong khi đó, đất được giao thường thiếu nước, thiếu hạ tầng nên họ không thể sản xuất được nên phải bỏ. “Có tình trạng lấn chiếm, bán, sang nhượng khi họ được giao đất. Nguyên nhân, trách nhiệm thuộc tổ chức, cá nhân nào? Bộ trưởng dự kiến đưa vào dự án Luật Đất đai những nội dung gì để giải quyết căn cơ tình trạng này?”, ông Khải chất vấn.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết Ủy ban cùng chính quyền các cấp đang tập trung giải quyết cho những hộ dân chưa được cấp đất lần nào và chưa có đất ở. Ông thừa nhận có một số trường hợp đã được cấp đất ở, sản xuất nhưng sau đó chuyển nhượng, mua bán và xảy ra tranh chấp. Các địa phương có trách nhiệm rà soát vấn đề này. “Trung ương ban hành luật, chính sách hỗ trợ, kiểm tra, giám sát, còn địa phương thực hiện và chịu trách nhiệm”, ông Lềnh nói.
Theo ông, trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Ủy ban Dân tộc đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên Môi trường đề nghị có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp thực tế từng vùng; tạo điều kiện để họ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Về việc thực hiện chính sách cho đồng bào, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách) nói qua phần trả lời của Bộ trưởng thì việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về đồng bào dân tộc thiểu số là rất tốt. Nhưng bà Mai cho rằng thực tế không phải như vậy.
Báo cáo của Chính phủ cho thấy hướng dẫn chậm, sai, giải ngân kém, huy động vốn chưa tốt, phải trình Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện. Còn nguyên nhân mà Ủy ban Dân tộc nêu là do thời tiết, Covid-19, biến động quốc tế. “Đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm của Bộ trưởng?”, bà Mai chất vấn.
Theo bà, việc sử dụng vốn chưa ổn khi ngoài giải ngân rất thấp (chỉ đạt 4.600 tỷ đồng, 51%) thì một phần không nhỏ được giải ngân cho hội thảo, tập huấn. Bà Mai dẫn chứng hội thảo bình đẳng giới chi hết 64 tỷ đồng, tư vấn quan hệ hôn nhân tốn 102 tỷ, kiểm tra hội thảo hết 88 tỷ; nhưng xây dựng mạng lưới cơ sở chỉ đạt 38 tỷ. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc thực hiện như vậy có hợp lý hay không?”, bà Mai hỏi.
Đáp lại, ông Hầu A Lềnh nói “đã từng nhận trách nhiệm trước Chính phủ” về triển khai chậm văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, ông Lềnh giải thích từ tháng 2/2021 các bộ ngành mới xây dựng các văn bản hướng dẫn. Đến cuối năm 2022 văn bản mới cơ bản hoàn thành. Quá trình triển khai cũng có công việc chậm. “Năm ngoái, Chính phủ đã nhận trách nhiệm trước Quốc hội, sau đó chỉ đạo các bộ ngành tích cực tập trung thực hiện, đến nay cơ bản hoàn thành”, ông Lềnh nói.
Phần chất vấn của bà Mai về việc giải ngân thấp chưa được ông Lềnh giải đáp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị ông Lềnh nói rõ về vấn đề này.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết các hội thảo mà bà Mai phản ánh thuộc chương trình truyền thông do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì. “Chúng tôi sẽ cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ đánh giá lại và báo cáo đại biểu”, ông Lềnh cho hay.
Chưa hài lòng, bà Mai giơ biển tranh luận. Bà nói, Bộ trưởng trả lời đến hết năm 2022 đã hoàn thành ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai chương trình mục tiêu quốc gia “nhưng thực tế không phải như vậy”.
Bà dẫn báo cáo tháng 4/2023 của Chính phủ nêu, Ủy ban Dân tộc chưa hoàn thành ban hành văn bản về thuộc chương trình phát triển kinh tế – xã hội đồng bào dân tộc thiểu số; một số nội dung hướng dẫn trái Luật Đầu tư công. “Bộ trưởng cần sâu sát hơn khi đưa ra thông tin cho cử tri và đại biểu được biết”, bà Mai đề nghị.
Bà cũng nói Quốc hội yêu cầu tăng chi đầu tư, giảm chi thường xuyên trong đó có hội thảo, hội nghị, bởi nguồn lực có hạn. “Mong Bộ trưởng quan tâm để làm sao trong lúc nguồn lực có hạn, các sản phẩm đến được đồng bào dân tộc thiểu số còn đang rất khó khăn”, bà Mai nói.
Có cùng mối lo ngại, đại biểu Mai Văn Hải (Phó đoàn Thanh Hóa) nói việc thực hiện một số dự án, giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn nhiều khó khăn, vướng mắc. “Lý do của thực trạng này là gì và giải pháp ra sao?”, ông đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết điều ông Hải hỏi cũng là trăn trở của nhiều đại biểu bởi chương trình lớn, nằm ở nhiều địa bàn khó khăn, một số chính sách từ thời gian trước vẫn còn hiệu lực. “Lo nhất là quá trình triển khai trên thực địa, bởi có dự án cần triển khai đến từng thôn bản, hộ gia đình”, ông Hầu A Lềnh nói. Vì vậy, các văn bản lần này sẽ phân cấp tối đa cho địa phương quyết, các cơ quan trung ương sẽ đôn đốc, kiểm tra.
Ông Hầu A Lềnh cho biết, từ năm 2017, Ủy ban Dân tộc đã trình đề nghị xây dựng Luật Dân tộc. Sau 2 nhiệm kỳ, Ủy ban đã tổ chức nhiều hội thảo, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13. Tuy nhiên, lĩnh vực dân tộc liên quan nhiều lĩnh vực khác nhau nên để đảm bảo xây dựng luật phù hợp, thống nhất, không chồng chéo luật khác thì cần thời gian nghiên cứu.
“Luật sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng chính sách. Tuy nhiên, để xây dựng cần nghiên cứu căn cơ, đầy đủ vì lĩnh vực này không phải pháp luật chuyên ngành”, ông Hầu A Lềnh nói.
Bộ trưởng cho biết thực hiện Kết luận 65 của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội giao nhiệm vụ nghiên cứu Luật Dân tộc trong khoá này, do Hội đồng Dân tộc chủ trì nghiên cứu. Ủy ban Dân tộc sẽ chuyển hồ sơ nghiên cứu trước đây để phối hợp thực hiện.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Phó chủ tịch Hội luật gia Đồng Tháp) đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp của tình trạng đồng bào dân tộc không muốn thoát nghèo? “Dù được địa phương tạo điều kiện về đất sản xuất, nhà ở, hỗ trợ đời sống để người dân bám đất, giữ nhà nhưng chưa hiệu quả. Đâu là giải pháp để giữ đồng bào, hạn chế di cư tự do?”, ông Hòa đặt vấn đề.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho hay có nhiều cộng đồng dân cư điều kiện rất tốt, được bố trí tái định cư nhưng họ vẫn đi. Nguyên nhân chủ yếu do kinh tế, tập quán.
Chưa hài lòng, ông Hòa bấm nút tranh luận, đề nghị Bộ trưởng nói rõ về tâm lý không muốn thoát nghèo của đồng bào dân tộc, bởi việc này xảy ra ở nhiều nơi. Di cư dẫn đến chặt phá rừng sản xuất, gây hậu quả rất lớn. “Ngoài cấp đất, cấp nhà, tuyên truyền còn có giải pháp nào nữa không, bởi nhiều gia đình đồng bào dân tộc dù được cấp đất, cấp nhà nhưng vẫn di cư tự do, đến nơi mới dù không được hưởng chính sách hỗ trợ gì họ vẫn đi”, ông Hòa nói.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói Ủy ban Dân tộc không phải cơ quan đánh giá chính thức nguyên nhân này, nhưng “hiện tượng không muốn thoát nghèo này có thật”. Nguyên nhân là do họ thoát nghèo nhưng cuộc sống thực tế rất khó khăn. Thoát nghèo theo tiêu chí mới là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người mỗi tháng 1,5 triệu đồng, cận nghèo là 1,6 triệu. Người dân lo sợ khi thoát nghèo sẽ không được hưởng các chính sách an sinh xã hội.
“Cần giúp đồng bào yên tâm hơn, hiểu chính sách của Đảng, Nhà nước, tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo”, ông Lềnh nói, cho rằng hệ thống tiêu chí giảm nghèo phụ thuộc vào điều kiện đất nước, cần tính toán phù hợp hơn để người thoát nghèo yên tâm không tái nghèo và có thể sống được.
Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) nói trong các chuyến đi ông gặp nhiều đồng bào dân tộc tái mù chữ. “Ủy ban Dân tộc có khảo sát nào về tình trạng này và có phương án nào để giải quyết”, ông Hiếu đặt câu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Hầu A Lềnh thừa nhận người dân tộc thiểu số chưa nói thông viết thạo tiếng Việt khoảng 15%, dù Đảng, nhà nước đã có nhiều chính sách. Trong số này có cả những người tái mù, chưa được đi học. “Đây là điều rất trăn trở”, ông Lềnh chia sẻ và cho biết sẽ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo để xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc.
Đại biểu Dương Tấn Quân (bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa – Vũng Tàu) đề nghị Bộ trưởng cho biết khó khăn trong phân loại xã, thôn đồng bào dân tộc miền núi, nhất là khi 2,4 triệu người dân không còn thuộc diện nhà nước mua bảo hiểm mua bảo hiểm y tế.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết việc phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện trong 2 giai đoạn, giai đoạn đầu theo vùng núi và vùng cao, giai đoạn sau theo trình độ phát triển. Từ năm 1996 đến nay, các chính sách đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện theo ba khu vực phát triển và nghị quyết 120 giao Chính phủ xác định tiêu chí cụ thể.
“Có 2,1 triệu người không được Nhà nước tiếp tục hỗ trợ bảo hiểm. Đây là vấn đề rất lớn, Chính phủ đã giao Bộ Y tế sửa quy định, bổ sung các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn được tiếp tục được hưởng chính sách Nhà nước mua bảo hiểm y tế”, ông Lềnh nói. Riêng chính sách giáo dục, y tế, nông nghiệp, lao động việc làm, các bộ ngành đang sửa để trình Chính phủ.
Sau khi một số đại biểu chất vấn, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chuẩn bị nội dung, trả lời đại biểu vào phiên làm việc sáng mai.
Xem diễn biến chính