Theo Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán không bị giới hạn bởi chủng loại, rẻ hay đắt, nội hay ngoại.
“Thuốc được chọn để bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán căn cứ vào mô hình bệnh tật, nhu cầu bệnh nhân và khả năng chi trả của quỹ”, bà Lan nói khi giải trình tại phiên thảo luận kinh tế xã hội tại Quốc hội, sáng 1/11.
Lãnh đạo ngành Y tế cho biết từ 2014 đến nay, Bộ đã 5 lần cập nhật danh mục thuốc BHYT; rà soát danh mục hiện hành để loại thuốc hiệu quả thấp; đánh giá khả năng cân đối quỹ BHYT. Việt Nam được đánh giá là một trong số ít nước có danh mục thuốc tương đối đầy đủ với hơn 1.000 hoạt chất, và không phải thuốc nào mới phát minh đều nghiễm nhiên được đưa vào danh mục thuốc BHYT”.
Bà Lan thừa nhận việc thiếu thuốc, vật tư y tế không mới, xảy ra ở nhiều quốc gia và đặc biệt nghiêm trọng sau đại dịch Covid. Các thuốc bị thiếu chủ yếu dùng cho hệ thần kinh, tim mạch, chống nhiễm trùng, ung thư, chống độc, tiêu hóa, vaccine và thuốc chế biến từ huyết tương, máu người.
Nguyên nhân chủ yếu là nguồn cung nguyên liệu, hoạt chất sử dụng để sản xuất khan hiếm, giá cả biến động, lạm phát, khủng hoảng năng lượng; chuỗi cung ứng gián đoạn do xung đột quân sự, chi phí đầu vào tăng cao. Các công ty thiếu động lực sản xuất thuốc do đem lại ít lợi nhuận.
Theo Bộ trưởng Lan, đấu thầu thuốc hiện nay thực hiện ở cả ba cấp trung ương, địa phương và cơ sở y tế. Việc thiếu thuốc, vật tư y tế do hệ thống văn bản còn bất cập, tổ chức mua sắm đấu thầu vướng mắc, công tác phối hợp chưa kịp thời, có nơi còn tâm lý e ngại, sợ sai.
Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi quy định trong Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Khám bệnh chữa bệnh và các nghị quyết của Quốc hội, thông tư của bộ, ngành, để tạo hành lang pháp lý. “Luật Đấu thầu sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2024 sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong đảm bảo nguồn cung và mua sắm thuốc, thiết bị y tế”, bà Lan nói.
Trước đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho biết khó khăn của bệnh viện hiện nay là không mua được hàng chất lượng tốt, phát triển kỹ thuật mới. Nhiều hãng vật tư y tế sẵn sàng sửa thông tin sản phẩm, mời thầu giá rẻ để lách qua khe cửa hẹp trúng thầu tại các bệnh viện. Mua bán vật tư y tế “rất rối” với quá nhiều quy định pháp luật, khó đưa ra quyết định mua sắm đáp ứng quy định của nhiều bộ, ngành.
Để ngăn chặn tình trạng này, bác sĩ Lân Hiếu đề xuất giải pháp đẩy mạnh tiêu chí bảo hành, chuyển giao kỹ thuật, phân nhóm khi đấu thầu vật tư y tế. Chỉ những hãng chất lượng tốt mới chấp nhận bảo hành, bảo trì lên đến 5 năm kèm điều kiện đào tạo, chuyển giao. Nếu các tiêu chí này được quy định trong văn bản cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành y tế.
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng nêu thực trạng nhiều năm nay việc cấp phép nhập khẩu, cho phép sử dụng dụng cụ mới ở Việt Nam đang bế tắc. “Bản thân tôi cũng phải đưa bệnh nhân ra nước ngoài để chữa vì không có dụng cụ nhập khẩu. Các hãng lớn thấy quy định về trình tự, thủ tục, thời gian để được cấp phép đều lắc đầu ngao ngán, thậm chí rút khỏi Việt Nam”, ông Hiếu cho hay.
Việc mua sắm ở bệnh viện tỉnh theo ông Hiếu còn khó khăn hơn vì quá nhiều khâu phê duyệt, kiểm tra. Việc mua sắm phụ thuộc vào Sở Y tế, Tài chính, UBND cấp tỉnh. Sợ trách nhiệm dẫn đến tâm lý trì hoãn, hồ sơ để trên bàn không đọc, hết hạn thì tìm vài lỗi nhỏ để trả về cơ sở. Vì vậy, ông đề nghị giao trách nhiệm mua sắm chính cho người sử dụng sản phẩm đấu thầu, giao cho bệnh viện quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật, người bệnh.
Vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế cũng được nhiều đại biểu đặt câu hỏi cho lãnh đạo ngành Y tế tại phiên thảo luận chiều 31/10. Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Phó đoàn Bình Dương) đề nghị Chính phủ có cơ chế trả lại kinh phí cho người dân phải tự mua thuốc, vật tư y tế bên ngoài dù những loại này có trong danh mục được thanh toán BHYT.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM) cho rằng vấn đề này đã được đại biểu đưa ra từ các kỳ họp trước song trong báo cáo của Chính phủ còn sơ sài về hướng xử lý. Việc cập nhật danh mục thuốc cho bệnh nhân ở Việt Nam cũng rất chậm so với các nước. Đơn cử, Nhật Bản chỉ mất khoảng 3 tháng, Pháp 15 tháng, Hàn Quốc 18 tháng, nhưng Việt Nam mất trung bình từ 2 đến 4 năm để đưa một loại thuốc mới vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế.
Nữ đại biểu cho rằng như vậy mất quyền lợi của người dân hưởng BHYT và đề nghị làm rõ trách nhiệm của cơ quan này trong việc chi trả tiền người dân phải tự bỏ ra để mua thuốc.