“3 năm liên tục vượt thu ngân sách nhà nước (2021-2023) trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, Bộ Tài chính đã có những sáng tạo, sáng kiến để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước được giao. Nhờ đó, có nguồn lực, dư địa hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua một loạt các gói hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí. Ngành Tài chính đã khẳng định vai trò rường cột của kinh tế nước nhà”. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Hữu Thọ
Các giải pháp về thuế, phí được trông đợi nhất
PV: Thưa Bộ trưởng, thu ngân sách nhà nước (NSNN) 4 tháng đầu năm vẫn bám sát tiến độ dự toán. Việc đạt kết quả thu ngân sách tích cực có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh kinh tế – xã hội hiện nay, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Bước vào năm 2024, mặc dù nền kinh tế nước ta đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng với nỗ lực, quyết tâm cao, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã quản lý, điều hành tài khóa đạt nhiều kết quả tích cực.
Số thu 4 tháng đầu năm đạt khá so với dự toán. Lũy kế 4 tháng thu NSNN ước đạt 733,4 nghìn tỷ đồng, bằng 43,1% dự toán, tăng 10,1% so cùng kỳ năm 2023 (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 46,5% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 39,7% dự toán).
Về số thu trên địa bàn, ước tính có 25/63 địa phương thực hiện thu nội địa 4 tháng đạt trên 40% dự toán; 54/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ. 4 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành Thuế quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, vừa “khoan sức dân” bằng chính sách giãn thuế, nhưng kiên quyết không để trốn thuế, tránh thuế làm thất thu NSNN. Ngành Thuế đã thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử, áp dụng AI (trí tuệ nhân tạo) phân tích dữ liệu thuế, thu thuế sàn thương mại điện tử xuyên biên giới và trong nước, kết nối máy khởi tạo tính tiền với cơ quan thuế, đồng bộ mã số thuế với số căn cước công dân…
Kết quả thu ngân sách khả quan sẽ tạo điều kiện tích cực cho điều hành chính sách tài khóa, đảm bảo các nhiệm vụ chi phòng chống dịch bệnh, thiên tai, chi an sinh xã hội, cũng như giúp củng cố dư địa chính sách tài khóa, giảm áp lực tăng lạm phát; góp phần hỗ trợ tích cực cho cân đối NSNN thêm vững chắc, bù đắp được số giảm thu do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; tạo dư địa ổn định chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô.
PV: Hơn 3 năm qua, trước những tác động tiêu cực về nhiều mặt từ đại dịch Covid-19, chính sách tài khóa một lần nữa lại khẳng định là trụ cột cho sự phát triển kinh tế – xã hội thông qua việc miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Thời gian tới, đây vẫn là những giải pháp được trông đợi nhất, Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm về điều này?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Hơn nửa nhiệm kỳ đã qua, đất nước đã vượt qua nhiều sóng gió, thách thức và đang sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới. Kết quả đó có sự đóng góp rất quan trọng của công tác quản trị ngân sách và thực thi chính sách tài khóa.
Chúng ta vừa trải qua những năm khó khăn sau đại dịch Covid-19. Khi mà nền kinh tế, doanh nghiệp khó khăn, Chính phủ đã kiên định, nhất quán trong mục tiêu điều hành là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn. Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng thông qua việc miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, với số tiền khoảng 700 nghìn tỷ đồng.
Thời gian tới, nhận thấy tình hình còn chưa hết khó khăn, thách thức, trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được của giải pháp giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% theo Nghị quyết số 110/2023/QH15, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%, trong 6 tháng cuối năm 2024.
Ngoài ra, hiện nay Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2024; nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước theo trình tự, thủ tục rút gọn, để chính sách sớm đi vào cuộc sống.
Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 ở mức từ 5 – 6%. Tuy nhiên, các mức dự báo này thấp hơn mục tiêu Quốc hội giao. Do đó tôi cho rằng, bên cạnh các giải pháp về thuế, phí, vẫn cần tổng hòa, đồng bộ các giải pháp, từ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục; hỗ trợ về vốn, lãi suất, tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế; đặc biệt thúc đẩy đầu tư công, thị trường bất động sản, phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu là những giải pháp cần tập trung quyết liệt.
Số hoá công tác quản lý thuế góp phần tăng thu ngân sách
PV: Bộ Tài chính là một trong những bộ, ngành chuyển đổi số mạnh mẽ nhất, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý, được đong đếm bằng những con số cụ thể. Như Bộ trưởng từng chia sẻ, đây chính là giải pháp căn cơ góp phần tăng thu ngân sách trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế không đạt như kỳ vọng. Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về điều này?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Ngành Tài chính đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật nhờ số hoá công tác quản lý thuế được ghi nhận trong việc mở rộng triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT), quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Cơ quan thuế đã triển khai HĐĐT, HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Và mới đây triển khai xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu…
Về triển khai HĐĐT, tính từ khi triển khai đến hết 21/4/2024, số lượng HĐĐT cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý ước đạt 7,48 tỷ hóa đơn. Có 53.424 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, số lượng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền là hơn 328,6 triệu hóa đơn. Về triển khai xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, đến nay, toàn quốc đã có 15.935 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng, đạt trên 100% tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Vận hành thành công Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, đã có 94 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký và được cấp mã số thuế qua cổng thông tin điện tử, tăng 9 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký mới so với tháng trước. 4 tháng đầu năm thu được khoảng 3.900 tỷ đồng.
Thực hiện trên môi trường điện tử sẽ góp phần tăng cường kiểm soát, quản lý doanh thu, đảm bảo thu thuế, môi trường kinh doanh minh bạch nhằm tăng thu NSNN.
PV: Dù tăng trưởng kinh tế quý I khả quan nhưng dự báo thời gian tới còn nhiều khó khăn. Nếu tăng trưởng kinh tế không đạt dự kiến thì sẽ gây khó như thế nào tới công tác thu NSNN, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thu NSNN tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế. Việc thu ngân sách tốt gắn liền với sức sống của nền kinh tế, “sức khỏe” của doanh nghiệp. Tất nhiên, tăng trưởng thấp cũng ảnh hưởng đến thu NSNN, nhưng ngành Tài chính luôn nỗ lực để “nuôi dưỡng nguồn thu”, “khoan sức dân” và cũng không để lọt các khoản thu theo quy định.
Mặc dù mỗi năm, Chính phủ đề xuất giảm thuế và miễn giảm tiền thuê đất cho người dân và doanh nghiệp, trung bình khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách vẫn đạt tiến độ và đạt được kế hoạch đề ra. Điều này thể hiện việc quản lý, điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ một cách linh hoạt, mở rộng; đồng thời, tăng các khoản chi, như chi đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, chi phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Phải khẳng định rằng, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo Bộ Tài chính và ngành Thuế hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách. Ngành Tài chính đã có nhiều sáng kiến trong công tác thu thuế, đã đưa ra nhiều giải pháp, từ vấn đề hóa đơn điện tử cho đến xây dựng trung tâm dữ liệu thuế, xây dựng cổng thông tin điện tử xuyên biên giới.
Ngoài ra, ngành Tài chính đã triển khai thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kê khai đúng giá chuyển nhượng bất động sản, nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo nguồn thu ngân sách… Những giải pháp này vừa hỗ trợ cho các doanh nghiệp, khoan sức dân vừa thu được những khoản thu tiềm năng mà lâu nay chưa thu được, đảm bảo cho một nguồn lực để thực hiện chi cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và chi phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Tôi cho rằng, hoàn thành nhiệm vụ tài chính – ngân sách đòi hỏi phải có nỗ lực cao, sáng tạo và linh hoạt. Tất nhiên, đạt được nhiệm vụ đó nếu chỉ một mình ngành Tài chính thì không đủ mà nhiệm vụ này còn là kết quả của sự quyết tâm rất cao từ các cấp, các ngành, các địa phương và đặc biệt là nỗ lực vượt qua khó khăn của người dân, doanh nghiệp.
Xây dựng các kịch bản điều hành công tác tài chính – ngân sách nhà nước hiệu quả
PV: Dù vậy, từ nay tới cuối năm, dự báo vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, Bộ Tài chính có giải pháp gì để chủ động trong điều hành chính sách tài khóa, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Bộ Tài chính hiện đang xây dựng các kịch bản để tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội điều hành công tác tài chính- NSNN hiệu quả.
Trong điều hành công tác tài chính – ngân sách thực tế chưa bao giờ vơi hết những khó khăn, nhất là trong 3 năm nay “khó chồng khó”. Tuy nhiên, Bộ Tài chính tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất để vừa đảm bảo nhiệm vụ thu – chi ngân sách, vừa đảm bảo công tác tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi kinh tế một cách hiệu quả nhất.
Cùng với các chính sách tài khóa thông qua miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo, áp dựng chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đồng bộ chính sách pháp luật về tài chính… để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, tiếp tục phát triển, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển của đất nước.
Chúng tôi cho rằng, hỗ trợ về thuế “nuôi dưỡng nguồn thu”, “khoan thư sức dân” rất cần thiết, nhưng đồng thời tập trung hoàn thiện chính sách pháp luật, giải phóng nguồn lực, tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường, pháp lý… cho doanh nghiệp phát triển là cực kỳ quan trọng và là nền tảng vững bền cho phát triển bền vững.
PV: Lành mạnh hóa thị trường tài chính, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế luôn được Chính phủ đặc biệt ưu tiên. Theo Bộ trưởng, thời gian tới cần còn giải pháp gì để thị trường tài chính ổn định, bền vững hơn?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thị trường tài chính, trong đó có thị trường chứng khoán, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bảo hiểm đã chịu tác động rất lớn từ biến động của kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của trung ương, Quốc hội và sự chỉ đạo trực tiếp từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như nỗ lực của cơ quan quản lý các cấp, các thị trường tài chính đã dần ổn định trở lại và hồi phục dần.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn, thanh khoản và đang chuyển biến tích cực theo hướng ngày càng minh bạch, lành mạnh hơn. Thể thế, khung khổ pháp lý đang được rà soát, cập nhật, sửa đổi cho phù hợp hơn với bối cảnh mới. Chất lượng hàng hóa trên sàn đang được kiểm soát chặt chẽ hơn theo hướng nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý đang rất nỗ lực trong việc thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sau khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP, cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được Chính phủ đẩy mạnh đang có nhiều tín hiệu ấm dần trở lại. Bên cạnh việc thị trường trái phiếu sơ cấp dần lấy lại niềm tin khi có nhiều doanh nghiệp phát hành minh bạch hơn, thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ thứ cấp được vận hành với thanh khoản khá và thông tin minh bạch, tin cậy hơn.
Thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ dù còn nhiều khó khăn nhưng đến nay đã hoạt động quy củ, chất lượng, minh bạch hơn sau sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý và nhiều đơn vị liên quan. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để có các giải pháp thúc đẩy thị trường tài chính phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững, đóng góp thực chất hơn nữa vào kinh tế đất nước với phương châm doanh nghiệp mạnh thì thị trường phát triển tốt, bền vững.
PV: Đâu là các giải pháp mà ngành Tài chính sẽ thực hiện để đóng góp tốt hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn cho nền kinh tế đất nước trong thời gian tới, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Ngành Tài chính sẽ tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm đề ra, thu – chi NSNN hiệu quả, phát triển thị trường tài chính, hoàn thiện chính sách tài chính, thúc đẩy kinh tế phát triển. Bộ Tài chính xây dựng giải pháp ứng phó chủ động, có hiệu quả kể cả các tình hình cấp bách, bất ngờ xảy ra.
Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để chủ động thực hiện linh hoạt, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, chi ngân sách hiệu quả, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chúng tôi tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm trong ngắn hạn và thực hiện chính sách tài chính bền vững trong dài hạn; triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách tài khóa, tài chính.
Đồng thời, Bộ Tài chính vẫn kiên định mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu các cấp các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Song song với đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số sâu rộng, cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, tập trung giải ngân đầu tư công, xây dựng công trình hạ tầng nhanh, hiệu quả. Hoàn thiện pháp luật tài chính, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là bất động sản, đầu tư công, thu hút FDI.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Trần Thắng – Cổng TTĐT Bộ Tài chính
Nguồn: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/btcvn/pages_r/l/tin-bo-tai-chinh?dDocName=MOFUCM313029