Trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động, kinh tế Việt Nam năm nay vẫn duy trì triển vọng tăng trưởng ổn định, nhờ vào đà phục hồi mạnh mẽ từ năm ngoái.
Thông tin trên là nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại buổi họp báo, công bố về Triển vọng phát triển châu Á năm 2025 diễn ra vào sáng 9/4.
Những tháng đầu năm chứng kiến biến động thương mại toàn cầu, để củng cố nội lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc Ngân hàng Nhà nước xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 500 nghìn tỷ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược. Đây được coi là động lực dẫn dắt tăng trưởng trong thời gian tới.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển châu Á đánh giá cao hành động kịp thời của Việt Nam sau khi Nhà Trắng công bố chính sách áp thuế. Nhìn về dài hạn, chính phủ Việt Nam đã có những cải cách thể chế sâu rộng và hiệu quả, để đem lại tăng trưởng kinh tế bền vững trong thời gian tới.
Một trong những mục tiêu quan trọng bây giờ là Việt Nam nâng cao giá trị gia tăng của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết: "Chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với những doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam đem đến cơ hội để chúng ta đa dạng hoá nhu cầu bên ngoài, trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu bị thu hẹp lại. Chúng ta chưa thể đoán biết được tương lai cũng như kết quả cuối cùng của chính sách thuế quan, nhưng Ngân hàng ADB sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong chặng đường phía trước".
Các chuyên gia của ADB cho rằng, hiện chưa thể định lượng được những hệ quả đến từ xung đột thương mại và căng thẳng thuế quan. Song, Việt Nam cũng cần triển khai nhanh các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho khối doanh nghiệp dự kiến chịu ảnh hưởng.
Nguồn
Bình luận (0)