Trong 2 ngày (27-28/3/2024), Bộ Tài chính phối hợp với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tổ chức chương trình đào tạo chuyên đề về thuế môi trường, thị trường các-bon và trái phiếu xanh. Tham dự chương trình đào tạo có các chuyên gia từ Pháp, đại diện một số đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tài chính.
Toàn cảnh chương trình đào tạo ngày 27/3/2024.
Trong ngày 27/3, các chuyên gia Pháp đã có các bài trình bày về phương pháp luận, các bước triển khai việc thiết kế và thực hiện hệ thống định giá các-bon; các kịch bản định giá các-bon ở Việt Nam và những ưu, nhược điểm của từng phương pháp.
Theo bà Anais Delbosc – chuyên gia Pháp, khi thực hiện định giá các-bon cần đặt ra mục tiêu định giá các-bon, đặc biệt là các mục tiêu liên quan đến giảm phát thải để có thể đưa ra các định hướng chính sách nhằm đạt được mục tiêu đó. Sau đó sẽ xác định công cụ để thực hiện các mục tiêu. Về mục tiêu chính sách, sẽ phải đưa ra các chính sách dài hạn của quốc gia trong giảm phát thải và đặc thù của từng quốc gia. Tại Việt Nam, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc đưa ra mục tiêu để đạt được net zero về phát thải trong chương trình nghị sự. Đây là mục tiêu khá rõ ràng.
Bước hai là đưa ra các định hướng chính sách, những lĩnh vực nào sẽ áp dụng hệ thống định giá các-bon và ảnh hưởng của việc áp dụng hệ thống đó đối với từng lĩnh vực. Trên cơ sở đó, lựa chọn những công cụ để sử dụng. Từ đó, có đánh giá và cải tiến công cụ.
Trong giai đoạn thiết kế, cần phải xác định phạm vi áp thuế, thuế suất; đối tượng chịu thuế; thể chế. Cơ quan thu, cơ quan sử dụng thuế, cơ quan kiểm soát mục tiêu phát thải cũng cần phải rõ ràng. Tiền thu được sử dụng thế nào. Tác động không mong muốn và giải pháp để hạn chế tác động đó ra sao cũng là những nội dung quan trọng.
Đưa ra 6 kịch bản cho 8 ngành phát thải và phân tích các ưu, nhược điểm của từng kịch bản định giá các-bon tại Việt Nam, ông Patrick Criqui – chuyên gia Pháp cho biết, tùy điều kiện của quốc gia mình, Chính phủ cân nhắc áp dụng kịch bản định giá các-bon khác nhau, như: áp dụng 100% thuế các-bon hoặc sử dụng hệ thống mua bán phát thải cho các đơn vị phát thải lớn trong lĩnh vực năng lượng và các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng hoặc thuế các-bon đối với các nhiên liệu trong giao thông vận tải cho hệ thống mua bán phát thải ngành năng lượng và các ngành công nghiệp nặng; áp dụng hệ thống mua bán phát thải năng lượng với thuế các-bon cho tất cả các sản phẩm năng lượng với 100% lượng phát thải từ năng lượng; áp dụng hạn ngạch phát thải không dựa trên giá trị tuyệt đối mà dựa trên các tiêu chuẩn hiệu suất… Tuy nhiên, dù áp dụng công cụ thuế hay hạn ngạch hay kết hợp hai công cụ đều cần xác định ưu, nhược điểm của từng phương pháp để cân nhắc biện pháp nào quan ngại hơn, biện pháp nào có thể chấp nhận được. Đây là vấn đề thực sự khó khăn…
Ông Patrick Criqui – chuyên gia Pháp trình bày tại Chương trình đào tạo.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh việc phát thải trực tiếp rất quan trọng đối với việc điều tiết lượng phát thải thông qua định giá các-bon. Đối với các lĩnh vực chịu sự điều chỉnh của thuế, mức thuế là do Chính phủ lựa chọn. Kết quả của việc điều chỉnh theo số lượng là không chắc chắn và chỉ có thể dự đoán được thông qua lập mô hình kinh tế. Còn đối với các lĩnh vực chịu sự điều chỉnh của hạn ngạch, số lượng hạn ngạch được quyết định bởi các mục tiêu phát thải nhưng lại không chắc chắn về mức giá của hạn ngạch.
Chia sẻ về kinh nghiệm sử dụng doanh thu từ định giá các-bon, các chuyên gia Pháp cho biết, tiền thu được từ định giá các-bon có thể sử dụng cho các mục tiêu khác nhau chứ không nhất thiết phải sử dụng cho một mục tiêu. Doanh thu từ định giá các-bon có thể được sử dụng để hỗ trợ các chính sách khí hậu khác (như: đầu tư vào cơ sở hạ tầng phát thải thấp; khuyến khích ngành công nghiệp đầu tư vào hiệu quả sử dụng năng lượng và công nghệ năng lượng sạch; khuyến khích giảm phát thải trong các lĩnh vực chưa được bao phủ…); nâng cao hiệu quả kinh tế tổng thể (hỗ trợ cải cách tài khóa, giảm nợ Chính phủ); giải quyết các mối quan ngại về phân bổ và tạo ra sự ủng hộ của công chúng đối với việc định giá các-bon.
Chương trình đào tạo là một trong số các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch hành động 2023-2024 của Bộ Tài chính và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) nhằm thực hiện Thỏa thuận hợp tác về tăng cường năng lực xây dựng chính sách tài chính xanh giữa hai bên. Trước đó, trong ngày 26/3, Bộ Tài chính và AFD đã tổ chức Hội thảo tham vấn về thuế môi trường, thị trường các-bon và trái phiếu xanh. Dự kiến trong ngày 28/3, các chuyên gia và đại diện các đơn vị chuyên môn của AFD và Bộ Tài chính sẽ tập trung đào tạo, thảo luận vào chủ đề trái phiếu xanh và phát hành trái phiếu Chính phủ xanh. |
HP – Cổng TTĐT Bộ Tài chính