Bộ Tài chính đang dự thảo giảm 50% lệ phí trước bạ với ôtô trong nước song dự đoán hiệu quả kích cầu có thể kém hơn giai đoạn trước.
Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ với ôtô, rơ moóc và các loại xe tương tự được sản xuất, lắp ráp trong nước. Chính sách này dự kiến có hiệu lực từ ngày ký Nghị định đến hết 2023.
Giảm phí trước bạ được đánh giá giúp góp phần kích thích tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, việc giảm phí lần này, theo Bộ Tài chính, sẽ có ảnh hưởng khác so với các lần giảm trước đây.
Năm 2020 và 2022, nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của ngành sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước là đứt gẫy chuỗi cung ứng dẫn đến gián đoạn nguồn cung. Do đó, việc giảm phí ở hai lần này, đã khuyến khích các hãng nối lại chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu mua xe của người dân để được hưởng ưu đãi của chính sách.
Cụ thể, vào lần áp dụng giảm phí trước bạ trong 6 tháng cuối năm 2020, số xe trong nước đăng ký trước bạ lần đầu bình quân mỗi tháng là 34.900, tăng gấp hai lần so với nửa đầu năm. Còn với lần giảm phí từ tháng 12/2021 đến hết tháng 5/2022, số xe sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trong 5 tháng đầu năm 2022 cũng tăng từ 1,2 đến 2 lần so với cùng kỳ 2021.
Số lượng xe tiêu thụ tăng mạnh, theo đó giúp tăng nguồn thu ngân sách từ lệ phí trước bạ, tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT), bù đắp được phần giảm 50% lệ phí trước bạ.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đánh giá sức mua và tiêu dùng hiện nay khác so với giai đoạn năm 2020-2022. Nhu cầu mua xe của người dân có thể thấp hơn giai đoạn trước, dù được giảm phí trước bạ. Do đó, nguồn thu từ các loại thuế gồm VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt có thể không đủ bù đắp cho việc giảm phí trước bạ. Chính sách này có thể làm giảm 8.000-9.000 tỷ đồng thu ngân sách từ khoản này.
Hiện nay, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất khẩu bị ảnh hưởng, về dài hạn có thể tác động tiêu cực đến đời sống của người dân. Tình hình lạm phát cao và tăng trưởng thấp kéo dài, nguy cơ suy thoái kinh tế ở các nước cũng sẽ tác động đến tình hình trong nước.
Ngoài ra, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tác động đến cân đối thu ngân sách nhà nước của các địa phương. Theo quy định, khoản thu lệ phí trước bạ thuộc ngân sách địa phương.
Tuy nhiên, thực tế số thu thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ tập trung ở 8 địa phương là Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, TP HCM (là nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước). Và số thu lệ phí trước bạ chỉ tăng ở 11 địa phương, 52 địa phương còn lại đều giảm thu từ chính sách này. Các địa phương đã có yêu cầu ngân sách trung ương cấp bù khoản hụt thu này để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.
Quỳnh Trang