Nghi vấn các di tích kiểm đếm thiếu tiền công đức được Bộ Tài chính đặt ra khi Yên Tử – nơi mỗi năm đón 2 triệu lượt khách – thu 4 tỷ còn Chùa Ba Vàng “không báo cáo”.
Bộ Tài chính ngày 21/7 báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Lê Minh Khái kết quả thí điểm kiểm tra quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử – văn hóa, đình chùa Quảng Ninh năm 2022. Đoàn kiểm tra gồm đại diện Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tôn giáo Chính phủ thuộc Bộ nội vụ.
Đến hết tháng 4, Quảng Ninh có 450 di tích lịch sử – văn hoá. Trong 5 khu di tích quốc gia đặc biệt tại Quảng Ninh, Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử là điểm nổi tiếng, mỗi năm đón trên 2 triệu lượt du khách, báo cáo cả năm 2022, thu 3,7 tỷ đồng công đức.
Theo đoàn kiểm tra, số thu báo cáo tại Yên Tử chỉ tương đương Khu di tích lịch sử Bạch Đằng (3,3 tỷ đồng), thấp hơn tại đền Thánh Mẫu hay di tích cấp tỉnh ở phường Trà Cổ, Móng Cái và chưa bằng 20% số thu tại đền Cửa ông (20 tỷ).
“Điều này không tránh khỏi băn khoăn về tính khách quan trong việc tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức tại Yên Tử”, văn bản của Bộ Tài chính cho biết.
Theo Bộ Tài chính, đa số di tích có nhà sư trụ trì chỉ báo cáo nguồn thu từ khoản tiền trong hòm công đức. Trong khi đó, một số khoản công đức dưới hình thức đặt lễ, chuyển khoản, theo đánh giá của người dân vốn cao hơn tiền bỏ hòm công đức, lại không được đề cập.
Như tại Yên Tử, theo số liệu do Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, từ 2007 đến tháng 4/2023, tổng thu tiền hòm công đức là 287 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với tổng chi là 638 tỷ đồng.
Tổng thu của các di tích ở Quảng Ninh năm 2022 là gần 71 tỷ đồng, không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng, chỉ bằng 40-60% của năm 2019, trước khi xảy ra dịch Covid-19. Còn trong 4 tháng đầu năm nay, tổng số thu là 61 tỷ đồng, gần bằng số thu cả năm 2022. Tổng số chi là hơn 29 tỷ đồng.
Một vài di tích có số thu trong 4 tháng đầu năm trên 1 tỷ đồng, như Đền Cửa Ông – Cặp Tiên (gần 20 tỷ đồng, chiếm trên 30% tổng số tại các di tích trên tỉnh Quảng Ninh).
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết mới chỉ tổng hợp từ báo cáo của chưa đến một nửa thuộc diện cần kiểm tra. Sau khi loại trừ số địa điểm không có công đức, vẫn còn trên 50 di tích “không có số liệu báo cáo thu chi, trong đó có chùa Ba Vàng ở Uông Bí”. Đây là di tích cấp tỉnh, được đánh giá có số thu tốt.
Dựa trên số thực thu 4 tháng là 61 tỷ đồng, cộng với việc báo cáo chưa đầy đủ, Bộ Tài chính ước tính tổng công đức tài trợ tại các di tích ở Quảng Ninh năm 2023 dự kiến trên 180 tỷ đồng.
Thực tế tại Quảng Ninh cho thấy, người dân có nhu cầu rất lớn trong việc công đức, tài trợ cho di tích và xã hội. Tuy nhiên, đến nay chưa có báo cáo đánh giá tổng thể về hoạt động này trên cả nước. Vì vậy, việc kiểm tra tổng thể về quản lý tiền công đức tại các di tích, đình chùa cả nước, theo Bộ Tài chính, là cần thiết để đánh giá đầy đủ về hoạt động này.
Hiện cả nước có trên 54.000 di tích, mỗi năm tổ chức khoảng 9.000 loại lễ hội.
Quỳnh Trang