“Thời gian nửa năm đó có thăng hoa cảm xúc, cũng có lúc tâm lý tuột xuống đáy bởi tính toán không kỹ lộ trình rời đi và xây dựng cuộc sống ở nơi mới”, Phương cho biết về hành trình bỏ phố về biển của cô.
Phạm Thu Phương (25 tuổi) hiện là một freelancer điều hành một nhóm làm content marketing (khoảng 10 người) về mảng du lịch, sức khỏe, giáo dục. Thời gian này, Phương hỗ trợ vận hành 4 – 5 homestay ở thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên – nơi cô đang sống.
Hành trình… tùy hứng
Trước khi rời thủ đô, Phương đã lên lộ trình đi cơ bản và chuẩn bị sẵn một khoản dự phòng đi đường 6 tháng, bao gồm tiền định kỳ gửi về cho mẹ khám chữa bệnh. “Khoản này mình lên kế hoạch là 100 triệu, mà mới tới 60 triệu thì đã cạn sức khỏe, không thể tiếp tục đi làm tại Hà Nội nữa”, Phương nói.
Nhận mình là người sống cảm xúc, do đó dù đã lên kế hoạch, song các gạch đầu dòng này đều bị cô gạt đi. Nghỉ việc xong, cô ở nhà hai tuần rồi bắt đầu hành trình vào Phú Yên sống dài hạn sau khi thử ở đây vài tuần.
Tháng đầu tiên đi khỏi phố và tới được nơi mình muốn, Phương cảm nhận chuyến đi như honeymooon và gọi đây là trăng mật ngọt ngào cho tấm thân vất vả.
Cô nàng “thả trôi” tuyệt đối, tiền tiêu xông xênh hơn trước, muốn bù đắp cho bản thân sau thời gian “cày cuốc như trâu”. “Mình thuê nhà dài hạn ở Tuy Hòa giá tương đối cao, nhưng hứng lên cái là bỏ đi mấy tỉnh khác liên tục.
Mất tiền thuê nhà ở nhiều nơi, mà cũng không có trải nghiệm đặc biệt ở nơi khác”, Phương gọi đây là chuyến đi tùy hứng bởi “chỉ đi chứ có biết đang tìm gì đâu”. Sau 2 – 3 tháng, cô chuyển vào Đông Hòa.
Bên cạnh đó, Phương thừa nhận bản thân không quản lý chi tiêu chặt chẽ, chủ quan có việc làm online thu nhập tốt nên cứ “thích là đi, thích là tiêu”.
Mang theo khoản tích cóp mấy chục triệu rời phố, nghe thì có vẻ hòm hòm, song cô cho hay chưa đầy 3 tháng, số tiền này đã hết veo. “Người thân ốm, làm ăn khó khăn, gọi điện là mình vội vàng gửi tiền về, nên chỉ vài tháng, tiền mình chạm đáy. Sự thiếu thốn về tiền bạc làm mình khủng hoảng tinh thần”, Phương chia sẻ.
May mắn, cô đã chủ động công việc trước nên chưa túng thiếu đến mức phải quay về thành phố. Cô tâm sự: “Mình khủng hoảng vì không còn tiền để dành, nhưng vẫn có công việc dự phòng và bạn bè cho vay khi thực sự cần. Mình hơi tiếc vì chuẩn bị không kỹ, còn hối hận khi bỏ việc ở phố về biển sống thì không”.
Sau khi trải qua khoảng thời gian sống tùy hứng, cô gái 25 tuổi nhận ra bài học nặng nề. Tại một diễn đàn trên Facebook, bài chia sẻ thật lòng của Phương có tựa đề “Những sai lầm mình lỡ khi mới bỏ phố về biển” dành cho những ai đang đối mặt khó khăn ở phố, nghĩ bỏ về biển là sẽ an yên mọi thứ, thu hút nhiều sự chú ý.
Đúc kết từ bài học khá đau
Theo cô nàng, người trẻ nếu muốn rời phố dài hạn nên chuẩn bị lộ trình kỹ hơn, tránh đi vội vì cảm xúc rồi lỡ làng như cô.
Đầu tiên, Phương cho hay đừng đi chỉ vì cảm xúc nhất thời, mà hãy lên một số gạch đầu dòng về điều muốn nhận được khi đi đâu đó. Chẳng hạn học hỏi dân địa phương, ngắm cảnh đẹp, khám phá ẩm thực, văn hóa… hay chỉ nghỉ ngơi.
Những điều này cần làm rõ trước khi đi để không lạc lõng ở thành phố đông đúc hay u uất nơi quê vắng, lại thêm tốn thời gian, tiền của mà không cảm nhận, không học được gì.
Tiếp đến, cần quản lý chi tiêu chắc tay để tránh rơi vào bẫy nuông chiều bản thân sau khi làm vất vả. Có một điều khó nhìn ra, nhất là với những ai mới tìm ra nơi định ở dài hạn, như sắm đồ nội thất, sửa nhà vội vàng.
“Phải nói là tốn tiền kinh khủng. Mình chỉ nghĩ giờ ở dài hạn rồi thì cũng phải sắm sửa chút xíu đồ, đâu để bản thân khổ quá được, dù là về quê.
Nhưng không chỉ tốn tiền, nếu trong quá trình ở không hợp thì chuyển đi cũng rất mất công, vướng bận thêm”, Phương nói.
Trước khi đi, phải tìm hiểu kỹ về địa phương đó rồi mới đến sống dài hạn, tránh tình trạng người nơi này mà tâm nơi khác rồi chạy đi lòng vòng. Chọn nhà thuê nên để ý cơ sở vật chất trong nhà, môi trường sống xung quanh có thể đáp ứng được các mùa trong năm không, đừng chỉ cảm nhận trong ngắn hạn.
Phương đưa ví dụ, tới vào mùa mưa thì phải để ý nhà này, khu này vào mùa hè thế nào, có ít cây quá không, sát biển hao mòn đồ, có nóng nực hay hướng gió lớn.
Một điều quan trọng là không nên chủ quan dù có thể làm online, bởi việc có thể mất bất cứ lúc nào, còn việc offline tại địa phương cũng không nhanh để tìm được. “Nên tìm hiểu trước trong các hội nhóm để có dự phòng.
Ví dụ, tại Phú Yên chỉ tuyển nhiều các công việc phục vụ, giao vận, sale… thì phải tính tới nếu mất việc online thì có làm được các công việc đó không. Nếu không, mình phải quay về thành phố”, Phương nói và cho hay hiện tại, cô vẫn sống và làm việc tại xứ nẫu.
Khủng hoảng tinh thần là điều sẽ xảy ra khi bỏ phố về biển, bởi không phải lúc nào điều này cũng màu hồng. “Mình nghĩ sẽ tùy thuộc vào giai đoạn và độ hình dung, độ chấp nhận của cá nhân về cuộc sống tại nơi đó.
Chẳng hạn như mình sẽ dễ nổi điên vì ruồi mùa hè, tiếng karaoke đàn áp liên tục, hay thậm chí là độ soi mói, bàn tán của người dân địa phương”, Phương nói.
Phương chia sẻ thêm cô không đồng ý với quan điểm “người lớn” trách móc Gen Z là sơ hở đòi đi chữa lành. “Mỗi thời thế mỗi nỗi đau, không ai khổ hơn ai”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/bo-pho-ve-bien-nua-nam-gen-z-nhan-ra-bai-hoc-cay-dang-20240529134257753.htm