Những thứ này có thể làm nản lòng những nhà báo tự do và ảnh hưởng đến chất lượng công việc của họ. Tuy nhiên, may mắn thay, có những cách để giảm thiểu chúng.
Dưới đây là 6 lời khuyên dành cho các nhà báo tự do để kiểm soát sự lo lắng và cân bằng giữa công việc và cuộc sống mà họ mong muốn.
Đối mặt với nỗi sợ hãi
Làm việc tự do được ví như chuyến đi tàu lượn siêu tốc với những thăng trầm. Hợp đồng với một công ty truyền thông có thể kết thúc, hoặc một bài viết có thể bị từ chối. Bạn có thể lo lắng liệu các bài viết trong tương lai có được chấp nhận hay không. Khi bạn đặc biệt chán nản, bạn có thể tự hỏi liệu nghề báo tự do có phải là con đường phù hợp với mình hay không.
Đối mặt trực tiếp với những nỗi sợ hãi này là điều quan trọng đầu tiên để vượt qua những khó khăn trong nghề báo tự do.
Tiến sĩ Mitchell Schare, giáo sư tâm lý học lâm sàng tại Đại học Hofstra, cho biết: “Chúng ta càng tránh né [nỗi sợ hãi], chúng ta càng tin rằng ‘Tôi không thể làm được điều đó’. Hãy tiếp tục gửi bài và nếu nó không hiệu quả, hãy thử gửi cho nơi khác”.
“Hãy coi việc bị từ chối là nguồn phát triển, chứ không phải thất bại”, Schare tiếp tục. “Hãy yêu cầu nhận xét cho tác phẩm của bạn để sửa lại trước khi gửi nó đến nơi khác”.
Đặt ra các mục tiêu tài chính chiến lược
Áp lực tài chính của nghề tự do có thể khiến bạn cảm thấy chán nản. Mặc dù bạn có thể yêu thích công việc của mình, nhưng việc kiếm được thu nhập ổn định và đủ để trang trải chi phí sinh hoạt có thể là một thách thức. Cách để kiểm soát vấn đề này là đặt mục tiêu tài chính cụ thể, thực tế.
Hãy cân nhắc việc làm thêm ngoài báo chí hoặc công việc liên quan đến báo chí, như quản lý phương tiện truyền thông xã hội và trợ lý hành chính, để bổ sung thêm thu nhập. Điều này có thể giúp bạn có thời gian để khẳng định mình trên thị trường và đàm phán mức lương tốt hơn.
Hãy cứ viết
Có những lúc bạn không thể bắt mình viết. Chẳng hạn như khi không thể viết gì đó sáng tạo, bạn sẽ cảm thấy cực kỳ căng thẳng, đặc biệt nếu thời hạn gửi bài đang dần đến phút chót.
Khi thời hạn đến gần, Schare khuyên rằng chỉ cần viết ra một vài từ, sau đó mới dần dần thêm các từ khác. Điều này giúp não bạn tạo ra ý tưởng cho bài viết của mình.
Viết nhật ký cũng có lợi vì nó giúp xử lý suy nghĩ và cảm xúc đồng thời kích thích sự sáng tạo.
Đọc lại tác phẩm trước đây cũng có thể giúp kích thích sự sáng tạo. Schare cho biết: “Đôi khi bị bí ý tưởng, hãy nghĩ về những thành công của mình và thỉnh thoảng quay lại đọc một bài bạn đã viết”.
Tham gia nhóm hỗ trợ
Làm báo tự do có thể cô đơn. Nghề nghiệp của bạn có thể khó được bạn bè và gia đình ghi nhận. Hơn nữa, bạn có thể nghi ngờ chính bản thân mình khi chứng kiến người khác thăng tiến trong sự nghiệp. Nếu không có người quản lý hoặc đồng nghiệp chỉ đạo và tư vấn, bạn có thể cảm thấy mất động lực.
Trong những tình huống này, việc có một nhóm bạn bè mà bạn có thể nhờ đến là rất quan trọng. Ví dụ, Hiệp hội các nhà báo chuyên nghiệp (SPJ) tổ chức các sự kiện và chương trình để hỗ trợ nhà báo tự do.
Schare cho biết: “Khi gặp bế tắc trong việc viết lách, khi cảm thấy chán nản vì bị từ chối, hoặc khi căng thẳng vì vấn đề tài chính, điều hữu ích nhất là có những người bạn đồng hành mà bạn có thể chia sẻ vì họ hiểu điều đó”.
Tạo một thói quen
Việc có một thói quen, ngay cả khi chỉ là thói quen đơn giản, cũng có thể giúp bạn kiểm soát căng thẳng.
Tiến sĩ Tara Quinn-Cirillo, một nhà tâm lý học tư vấn tại Vương quốc Anh cho biết: “Hãy dành thời gian chăm sóc bản thân thường xuyên, duy trì thói quen ngủ lành mạnh, theo dõi chế độ dinh dưỡng và nước uống, đồng thời tham gia các hoạt động vận động và tập thể dục thường xuyên. Hãy tạo ra ranh giới tốt giữa công việc và cuộc sống gia đình”.
Nghỉ giải lao
Trong thế giới báo chí bận rộn, luôn có áp lực phải làm việc nhiều hơn mức bình thường. Nhưng nghỉ ngơi cũng là điều quan trọng.
“Khi bạn làm việc chăm chỉ với một thứ gì đó, bạn cần phải gác nó lại ít nhất một ngày. Hãy tránh xa nó, để nó nằm đó và chuyển sự chú ý của bạn sang thứ khác; hãy làm điều gì đó thú vị. Sau đó, hãy bình tĩnh đọc lại bài viết của bạn”, Schare khuyên.
“Việc hoàn thành nhiều nhiệm vụ cùng một lúc không bao giờ có ích và có thể dẫn đến kiệt sức”, Quinn-Cirillo lưu ý.
Cảm thấy lo lắng là điều bình thường, nhưng nếu bạn cảm thấy quá tải, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm lý để giải quyết mối lo lắng của bạn, nhận lời khuyên hữu ích và thảo luận về các lựa chọn điều trị nếu cần.
Với chiến lược đúng đắn, bạn có thể phát triển sự nghiệp với tư cách là một nhà báo tự do.
Ngọc Ánh (theo IJNet)
Nguồn: https://www.congluan.vn/nhung-cach-giam-ap-luc-hieu-qua-cho-cac-nha-bao-tu-do-post312191.html