Việc ưu tiên học sinh có IELTS vào lớp 10 tạo ra sự bất bình đẳng, bởi không phải ai cũng có điều kiện học và thi chứng chỉ này, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Những ngày qua, thông tin một số địa phương cộng điểm hoặc tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ IELTS hoặc tương đương vào lớp 10, thu hút sự quan tâm của dư luận.
VnExpress phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, về việc này.
– Quy chế tuyển sinh THPT do Bộ ban hành không dành ưu tiên nào cho thí sinh có IELTS và các chứng chỉ ngoại ngữ khác. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn tuyển thẳng, cộng điểm khuyến khích cho nhóm này?
– Năm 2014, Bộ ban hành quy chế tuyển sinh THPT, nêu rõ bốn nhóm thí sinh được tuyển thẳng, gồm học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; là người dân tộc rất ít người; học sinh khuyến tật; đạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, khoa học kỹ thuật.
Ba nhóm khác được cộng điểm ưu tiên là: con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học, anh hùng lao động, lực lượng vũ trang, đang sống và học tập ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn….
Ngoài các diện trên, quy chế cho phép Sở Giáo dục và Đào tạo cộng điểm khuyến khích cho một số nhóm học sinh khác. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các quy định về cộng điểm khuyến khích bộc lộ mặt trái, có thể tạo ra sự mất công bằng giữa học sinh.
Vì vậy, Bộ đã điều chỉnh quy chế này vào năm 2018, không còn cho phép địa phương cộng điểm khuyến khích. Các tỉnh, thành được chủ động kế hoạch tuyển sinh, môn thi, hình thức, nhưng tuyển thẳng hay ưu tiên thì phải thực hiện theo yêu cầu của Bộ.
Việc đâu đó có tỉnh đưa thêm đối tượng tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển là không đúng. Các năm trước, Bộ chưa phát hiện. Nhưng năm nay, ngay khi biết có tình trạng này, Bộ đã đề nghị các tỉnh thực hiện đúng.
– Lý do Bộ không cho phép tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên cho thí sinh có IELTS vào lớp 10 là gì?
– Như tôi nói ở trên, năm 2018, khi sửa đổi thông tư, chúng tôi đã bỏ quy định về điểm khuyến khích vì nhận thấy có thể gây mất công bằng. Việc cộng điểm cho học sinh có chứng chỉ IELTS là một ví dụ.
Thực tế ở cùng một địa phương, học sinh ở khu vực trung tâm dễ tiếp cận với việc học và lấy chứng chỉ ngoại ngữ hơn. Ngược lại, ở những địa bàn khó khăn, dù có nỗ lực học tốt ngoại ngữ, việc đi đến địa điểm thi hay chuẩn bị tiền triệu để đóng lệ phí cũng gặp trở ngại. Như vậy, dùng chứng chỉ để tuyển sinh là không công bằng.
Tôi được biết một số tỉnh, thành tiếc nuối khi không được tuyển thẳng hoặc cộng điểm cho thí sinh có IELTS vì sẽ ảnh hưởng phong trào học tiếng Anh. Tôi không nghĩ như vậy.
Việc học ngoại ngữ là nhu cầu tự thân. Học để nắm được ngoại ngữ, dùng làm phương tiện học tập và làm việc, chứ không phải học chỉ để lấy chứng chỉ phục vụ tuyển sinh. Học chỉ vì động lực từ bên ngoài như vậy là không bền vững. Nó có thể khiến học sinh không còn tập trung học ngay sau khi lấy được chứng chỉ. Trong trường hợp này, phong trào học tiếng Anh sẽ theo hướng không tốt.
Các gia đình đã đầu tư cho con học ngoại ngữ và thi lấy chứng chỉ cũng không sao cả. Nếu vừa có chứng chỉ, vừa chăm chỉ học ngoại ngữ, học sinh vẫn có lợi thế thi môn Ngoại ngữ vào lớp 10 nên cũng không cần thiết phải cho điểm khuyến khích.
– Bên cạnh chứng chỉ ngoại ngữ, một số địa phương nhiều lần kiến nghị tuyển thẳng, cộng điểm vào lớp 10 cho học sinh giỏi cấp tỉnh. Quan điểm của Bộ ra sao?
– Trước hết là Bộ chỉ có quy chế thi học sinh giỏi quốc gia dành cho học sinh THPT, không có quy định thi học sinh giỏi cấp THCS, cũng không có trường chuyên cấp THCS.
Chúng ta cần thấy rằng giải học sinh giỏi thì xét theo từng môn, trong khi tuyển sinh lớp 10 gồm nhiều môn. Một học sinh THCS giỏi Toán, cần được khuyến khích phát triển môn này, nhưng không đồng nghĩa bỏ môn khác. Bởi như vậy, các em có thể bỏ lỡ cơ hội để biết mình có năng lực ở các môn khác hay không.
Chưa kể, nếu tuyển thẳng học sinh giỏi cấp tỉnh, các em chỉ tập trung môn đó từ lớp 7, lớp 8, bỏ qua các môn khoa học tự nhiên, xã hội, không biết những môn này hay ra sao, dẫn đến chọn các môn học ở cấp THPT không phù hợp.
Vì vậy, các chính sách cấp THCS hướng tới việc phát triển toàn diện năng lực, kiến thức nền tảng. Đây cũng là lý do không có trường chuyên ở bậc THCS.
– 2025 là năm đầu tiên lứa học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 chuyển cấp. Bộ dự kiến thay đổi quy chế tuyển sinh THCS, THPT như thế nào?
– Chúng tôi đã có kế hoạch ban hành thông tư mới về tuyển sinh cấp THCS, THPT sao cho phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 – chương trình định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Việc này đang ở giai đoạn dự thảo.
Trước kiến nghị của các địa phương về việc cộng điểm ưu tiên, khuyến khích, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đánh giá cụ thể, nhưng rất khó có chuyện tuyển thẳng không kèm điều kiện khác với thí sinh chỉ có IELTS. Thay vào đó, Bộ sẽ tính đến những thứ ghi nhận kết quả của học sinh một cách bền vững, giúp các em học thật, hình thành năng lực thật.
Tôi nhấn mạnh lần nữa là việc này phải nghiên cứu kỹ vì khuyến khích không đúng sẽ gây lãng phí thời gian, tiền bạc, đồng thời khiến các em mất kiến thức nền tảng, bị lệch lạc trong lựa chọn hướng đi.
Thanh Hằng – Dương Tâm