(Bài dự thi cuộc thi “Cảm tưởng về cà phê – trà Việt” thuộc chương trình “Tôn vinh cà phê – trà Việt” lần 2, năm 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức).
Ba có bộ “đồ chơi” trà đạo thuộc hàng hiếm: 1 cái lò xô nhỏ; 1 bình đun nước có vòi, tay cầm; 1 bộ tách 4 cái chun bằng men, đặc biệt cái ấm trà bằng đất nung đồ cổ Trung Quốc chính hiệu.
Thời kinh tế khó khăn thập niên 1980, những tay buôn đồ cổ cứ đòi mua cái ấm trà với giá 5 chỉ vàng 24k. May là ba không bán để ngày nay tôi có được một kỷ vật quý!
Ba kể năm 1955, trong một lần sang Nam Vang (Campuchia), ba mua cái ấm trà từ một người Hoa gặp khó khăn về tài chính đành bán đi vật gia bảo.
Mỗi lần dùng trà thì việc trước tiên là mỗi người xăm soi, thưởng ngoạn cái ấm trà. Nhất là những dòng chữ minh chứng cho xuất xứ và giá trị của nó.
Các cụ tự châm dầu, nấu nước, pha trà, xúc rửa ấm trà, ly tách… đều rất gọn gàng, điệu nghệ nhưng cũng lắm công phu.
Ấm trà sau khi trụng qua 2 lần nước sôi mới để trà vào. Lượng trà để vào phải đầy ấm cộng với nước sôi châm vào cũng đầy, ủ 5 phút, rót ra vừa đúng 4 tách trà! Thêm 2 lần châm nước sôi nữa là phải thay trà mới.
Dù lớn tuổi, chậm chạp nhưng “sản phẩm” các cụ làm ra vô cùng ấn tượng. Mùi thơm nồng nàn, lan tỏa khắp gian phòng. Nhìn các cụ cầm tách trà nóng hổi trên tay đưa vào miệng trông hết sức điệu nghệ, cùng vẻ mặt, ánh mắt hài lòng, mãn nguyện.
Bất giác tôi cảm thấy hạnh phúc, vui cùng các cụ. Có lẽ cái thú vui tao nhã của trà đạo chính là niềm vui của tuổi già, tình bạn; là an nhàn thụ hưởng dư vị cuộc sống mà có lẽ mọi người con nên tạo dựng cho các bậc sinh thành với tấm lòng cũng… thanh tao như trà đạo vậy!