Trong hồ sơ dự thảo quyết định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới, thay thế cho Quyết định 28/2014 gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công thương đề xuất 3 phương án về giá điện cho hoạt động sạc xe điện.
Phương án 1: Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho trạm, trụ sạc xe điện được xây dựng trên cơ sở giá điện phản ánh chi phí sản xuất điện mà trạm/trụ sạc xe điện gây ra cho hệ thống điện.
Bộ Công thương cho rằng, ưu điểm của phương án này là cơ cấu biểu giá bán lẻ điện được xây dựng trên cơ sở giá điện phản ánh chi phí sản xuất điện mà trạm/trụ sạc xe điện gây ra cho hệ thống điện nên đảm bảo phân bổ chi phí tới khách hàng sử dụng điện.
Tuy vậy, phương án này phải bổ sung nhóm khách hàng mới trong cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Trong khi đó, các nhóm khách hàng khác vẫn được thực hiện theo lộ trình để giá điện phản ánh chi phí (giá cho sản xuất vẫn thấp hơn so với giá phân bổ phản ánh chi phí; giá cho kinh doanh vẫn cao hơn so với giá phân bổ phản ánh chi phí).
Phương án 2 là áp dụng giá bán điện cho hoạt động sạc xe điện theo giá kinh doanh. Bộ Công thương đánh giá ưu điểm của phương án này là không phải bổ sung đối tượng mới trong cơ cấu biểu giá bán lẻ hiện hành. Tuy nhiên, nhược điểm là có thể tác động tới chính sách phát triển xe điện do làm tăng chi phí sạc điện.
Phương án 3 là theo giá điện sản xuất. Phương án này cũng không phải bổ sung đối tượng mới trong cơ cấu biểu giá bán lẻ hiện hành và có thể tác động tới chính sách phát triển xe điện do làm tăng chi phí sạc điện.
Trước đó, góp ý cho dự thảo quyết định này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực Hà Nội cũng đề xuất nên tính giá điện tại trạm sạc xe điện bằng giá điện kinh doanh; Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đề nghị xem xét quy định tỷ lệ giá bán lẻ điện cho trạm/trụ sạc xe điện bằng với tỷ lệ giá bán lẻ điện cho các hộ kinh doanh khác; Bộ GTVT lại đề xuất áp dụng giá bán lẻ điện cho trạm sạc xe điện tương tự giá bán lẻ điện cho ngành sản xuất nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải…
Góp ý cho dự thảo, Công ty TNHH Kinh doanh thương mại và dịch vụ Vinfast nêu quan điểm, Chính phủ đã ban hành một số chính sách để thúc đẩy sự phát triển của xe điện tại Việt Nam. Xe điện là giải pháp rất cần thiết để góp phần giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện chất lượng không khí, nhằm hướng tới cam kết mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại hội nghị COP26. Và hạ tầng trạm sạc là yếu tố tiên quyết trong chiến lược phát triển xe điện này. Việc ban hành mức giá điện hợp lý cho trạm/trụ sạc xe điện sẽ trực tiếp giảm chi phí vận hành cho người sử dụng xe, làm tăng tính cạnh tranh của xe điện với các dòng xe chạy xăng/dầu nhằm thúc đẩy người sử dụng xe dịch chuyển dần sang phương tiện này. Từ đó, Vinfast đề xuất Bộ nghiên cứu, xem xét điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện cho trạm/trụ sạc xe điện tương đương với giá bán lẻ cho các ngành sản xuất.