Để hoàn thành tốt nhiệm vụ còn lại của đợt 2, Bộ Chỉ huy chiến dịch chỉ thị các đơn vị tăng cường xây dựng trận địa tiến công và bao vây địch; khi trận địa ta càng vào gần, vòng vây càng khép chặt, địch sẽ càng ngoan cố đối phó. Do vậy, ta phải có trận địa tốt để bao vây và trụ bám đánh địch phản kích. Bên cạnh đó, ta khống chế không phận Điện Biên Phủ bằng mọi thứ hỏa lực, suốt cả ngày lẫn đêm, tổ chức tranh đoạt dù tiếp tế và tiếp viện đường không, làm mất chỗ dựa chủ yếu còn lại của địch, đẩy chúng vào tình thế ngày càng nguy khốn…
Về phía địch, chúng tăng cường 167 lính nhảy dù cho Điện Biên Phủ; điều hai máy bay C119 trút toàn bộ số đạn pháo mang theo xuống bãi thả dù. Đến sáng 8/4/1954, một đơn vị Pháp được cử ra tận bản Cò Mỵ để thu nhặt thì không còn vết tích gì về số đạn pháo đã thả lạc.
Tại Sài Gòn, Đại tá Gentil, Trưởng ban Kỹ thuật Quân đội Pháp cho biết, sau khi đã tham khảo ý kiến các chuyên gia ở Pháp và đề xuất có thể gây mưa nhân tạo trên đoạn Đường 41 dẫn đến Điện Biên Phủ. Những trận mưa nhân tạo, kết hợp những cơn dông tự nhiên có thể gây khó khăn cho xe ô-tô tải chở vật chất tiếp tế cho bộ đội ta. Dù khả năng đạt kết quả của công trình thử nghiệm này rất yếu, nhưng Navarre đã đồng ý cho huy động các phương tiện để thử nghiệm.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), từ hôm nay, Báo Nhân Dân mở chuyên mục “Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” (vào số báo các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu, chủ nhật hằng tuần, từ ngày 1/5 đăng liên tục) và chuyên mục “Nhật ký chiến sự Điện Biên Phủ” (đăng hằng ngày) để tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.