(ĐCSVN) – Sau hơn 5 năm triển khai tại Bình Dương, Chương trình OCOP đã đóng góp quan trọng vào phát triển ngành nghề nông thôn, mở rộng thị trường, khơi dậy tiềm năng, lợi thế các vùng, địa phương để phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả và bền vững.
Sản phẩm OCOP tham gia Hội nghị kết nối cung – cầu hàng hóa tỉnh Bình Dương. |
Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Có thể nói, mỗi sản phẩm OCOP đều mang trên mình một vai trò “đại sứ” của từng vùng, miền và chuyển tải những câu chuyện sản xuất mang nhiều tính nhân văn.
Tại Bình Dương, sau hơn 5 năm triển khai, Chương trình OCOP đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, khẳng định hướng đi đúng đắn của một chương trình phát triển kinh tế nông thôn. Chương trình đóng góp quan trọng vào phát triển ngành nghề nông thôn, mở rộng thị trường, khơi dậy tiềm năng, lợi thế các vùng, địa phương để phát triển kinh tế nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả và bền vững.
Đến nay, toàn tỉnh có 219 sản phẩm OCOP của 99 chủ thể, trong đó có 207 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao và 12 sản phẩm 4 sao. Trong số này có 154 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, 29 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, 36 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ, còn lại 3 nhóm sản phẩm chưa có sản phẩm, gồm nhóm dược liệu, nhóm sinh vật cảnh, nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
Trên thực tế, có thể thấy, sự phát triển nhanh sản phẩm OCOP đã góp phần lan tỏa các mô hình sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, giúp thu nhập, đời sống của bà con vùng nông thôn ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, nhiều sản phẩm sau khi được công nhận OCOP đã xây dựng được thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, doanh số bán ra ngày một tăng, góp phần nâng cao lợi nhuận cho các chủ thể.
Những đơn vị có sản phẩm OCOP tiêu biểu trên địa bàn tỉnh có thể kể đến là Hợp tác xã Cây ăn quả Tân Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên) có sản phẩm bưởi da xanh OCOP 4 sao; sản phẩm tổ yến của Công ty TNHH yến Hiếu Hằng, sản phẩm dưa lưới của Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long (huyện Phú Giáo) đều đạt chuẩn OCOP 3 sao… Sản phẩm của các đơn vị này đã khẳng định được thương hiệu, giá trị trên thị trường.
Sản phẩm OCOP từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường. |
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP, trong thời gian qua tỉnh Bình Dương đã có nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP. Đặc biệt, sau khi các chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP, tỉnh Bình Dương phối hợp với Bộ Công thương đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa, hội chợ cấp khu vực… Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm OCOP của tỉnh quảng bá, kết nối với hệ thống siêu thị, nhà phân phối để các chủ thể sản phẩm OCOP ký gửi và tiêu thụ sản phẩm ổn định.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Dương cho biết, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ tiếp tục đưa ra các giải pháp trọng tâm để Chương trình OCOP được triển khai sâu rộng, hiệu quả trong toàn tỉnh. Trong đó, các địa phương trên địa bàn cần bám sát quan điểm, mục tiêu của chương trình theo Quyết định số 919, Quyết định số 148 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP; Quyết định số 1166 của UBND tỉnh về việc phê duyệt đề án Chương trình OCOP tỉnh giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2025; Kế hoạch số 3632 của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP tỉnh giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch số 2976 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình OCOP tỉnh năm 2024 để tham mưu nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm triển khai thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, các chủ thể và các tầng lớp nhân dân để nắm rõ hơn ý nghĩa, quan điểm, mục tiêu của Chương trình OCOP. Các chủ thể cần chú trọng giải pháp phát triển các sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, thiết kế bao bì; hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và lan tỏa thương hiệu trên thị trường.
Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là côn nghệ số, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp của Bình Dương sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý sản phẩm OCOP; xây dựng các điểm giới thiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP; tham gia kết nối cung-cầu, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát sản phẩm sau khi được đánh giá, phân hạng, nhất là về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ phát triển sản phẩm. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng sẽ cũng quan tâm đào tạo, tư vấn, hướng dẫn đối với các nhóm sản phẩm như làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái, sinh vật cảnh và nhóm dược liệu tham gia Chương trình OCOP./..