Bình Định đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 thu hút khoảng 5 triệu lượt du khách vơi quan điểm phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Bình Định phải đáp ứng được mục tiêu phát triển ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và hội nhập khu vực, quốc tế.
Cùng với phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả ở cả khối quản lý nhà nước, nhân lực trực tiếp và gián tiếp hoạt động du lịch và đẩy mạnh liên kết, hợp tác và hội nhập quốc tế tạo sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa “Nhà nước – Nhà trường – Nhà sử dụng lao động” trong quá trình phát triển nhân lực du lịch. Chú trọng phát triển các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.
Đoàn famtrip Hội nghị liên kết, hợp tác và kích cầu phát triển du lịch tham quan thắng cảnh Eo Gió (Nhơn Lý, TP Quy Nhơn). Ảnh: PHẠM PHƯỚC
Đồng thời huy động nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực du lịch. Xã hội hóa để thu hút các nguồn đầu tư của cá nhân, các thành phần xã hội tham gia đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực du lịch. Thông qua hợp tác quốc tế sẽ huy động thêm các nguồn tài trợ bằng tiền, kiến thức, kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ áp dụng trong quá trình phát triển nguồn nhân lực du lịch.
Xuất phát từ định hướng phát triển du lịch và tình hình thực tiễn, việc xây dựng phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh là rất cần thiết, tạo nền tảng cho công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh trong giai đoạn tới. Hoạt động du lịch có bước phát triển khá, Quy Nhơn – Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch của cả nước; nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành du lịch của tỉnh, từ đó nhu cầu tuyển dụng lao động trong ngành du lịch của tỉnh cũng tăng cao, tạo ra nhiều cơ hội việc làm trực tiếp và gián tiếp.
Hệ thống cơ sở đào tạo du lịch các trình độ từ sơ cấp đến đại học tại tỉnh được hình thành và mở rộng. Cơ cấu đa dạng về loại hình sở hữu, cấp đào tạo và ngành nghề đào tạo; phần lớn tập trung ở đô thị, địa bàn đông dân cư, tạo thuận lợi cho người học và gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu khách du lịch.
Với mục tiêu xây dựng đội ngũ nhân lực du lịch đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đảm bảo về chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch nhanh và bền vững, đủ sức cạnh tranh, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Eo Gió địa danh thu hút du khách nhất bình Định thời gian qua (Ảnh: Internet)
Cụ thể đến năm 2025, tổng số lao động du lịch là 70.000 người trong đó lao động trực tiếp đạt 18.000 người; lao động gián tiếp là 52.000 người. Tỷ lệ lao động trình độ sau đại học trong ngành đạt 0,8%; đại học, cao đẳng đạt 15,9%; trung cấp đạt 14%; sơ cấp đạt 23,3%; dưới sơ cấp đạt 46%. Giai đoạn 2026 – 2030: Tốc độ tăng trưởng bình quân nhân lực du lịch đạt 7,45%/năm. Đến năm 2030, tổng số lao động du lịch là 100.000 người, trong đó lao động trực tiếp trong ngành đạt 28.000 người; lao động gián tiếp là 72.000 người. Tỷ lệ lao động trình độ sau đại học trong ngành đạt 0,9%; đại học, cao đẳng đạt 16,8%; trung cấp đạt 15%; sơ cấp đạt 24,3%; dưới sơ cấp đạt 43%.
Đặc biệt, Bình Định cũng đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp chính quyền, các đơn vị kinh doanh du lịch và cộng đồng dân cư về phát triển du lịch, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông bằng nhiều hình thức về các chủ trương, chính sách phát triển du lịch và nguồn nhân lực du lịch của Trung ương và địa phương. Triển khai các hoạt động truyền thông về ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh để hình thành thói quen, hành vi, thái độ, cách ứng xử văn minh lịch sự cho người dân địa phương, các tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch. Xây dựng chương trình quảng bá, giới thiệu các ngành học du lịch nhằm khuyến học và định hướng nghề nghiệp du lịch trong hệ thống cơ sở đào tạo phổ thông.
Phối hợp lồng ghép, đưa các nội dung về du lịch bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, ứng xử văn minh du lịch vào các chương trình đào tạo, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng nghề du lịch đến các đối tượng tham gia tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên địa bàn. Kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng được yêu cầu tổ chức, quản lý các hoạt động du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực hợp lý cho từng năm; phối hợp các sở, ngành, địa phương có liên quan trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý du lịch. Hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành trong việc trao đổi kinh nghiệm và đào tạo, phát triển nhân lực du lịch. Khai thác tối đa các chương trình đào tạo dài hạn, trung hạn, ngắn hạn ở trong và ngoài nước của các cơ quan Trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế có uy tín.
Thường xuyên tổ chức các hoạt động điều tra, khảo sát thực tế về lực lượng lao động phục vụ du lịch trên cơ sở phối hợp với các địa phương, các doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư về du lịch để xác định cụ thể về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực cần thiết phục vụ tại các khu, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch để xây dựng kế hoạch và thông báo các đơn vị liên quan triển khai xây dựng kế hoạch đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nguồn nhân lực du lịch, khuyến khích thực hiện hình thức đào tạo văn bằng thứ hai ngành du lịch.
Khuyến khích các cơ sở đào tạo linh hoạt mở ngành đào tạo nhân lực du lịch theo nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế; khuyến khích sinh viên đã tốt nghiệp các ngành khác được chuyển sang học văn bằng thứ hai các ngành du lịch tại các cơ sở đào tạo du lịch. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng lực lượng lao động phục vụ khách du lịch quốc tế, nhất là các thị trường khách mục tiêu của tỉnh Hàn, Nhật, Nga… như hướng dẫn viên, lễ tân, bàn, bếp, hỗ trợ nguồn tài chính để cơ sở đào tạo đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thực hành nhằm phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Khuyến khích phát triển mô hình liên kết giữa các cơ sở đào tạo du lịch với các doanh nghiệp du lịch, nhất là các doanh nghiệp liên doanh nước ngoài hoặc các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có uy tín, thương hiệu. Các cơ sở đào tạo liên kết đào tạo với doanh nghiệp được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng mở rộng quy mô đối với các ngành đào tạo về du lịch; mở rộng chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 trình độ đại học của các ngành này.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch, việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ quản lý điều hành du lịch, nghiệp vụ hướng dẫn du lịch, nghiệp vụ buồng, bàn, bar, bếp trên địa bàn tỉnh. Phát hiện những điển hình tiên tiến trong quá trình đào tạo nhân lực du lịch để phổ biến nhân rộng mô hình. Nâng cao chất lượng giảng viên tại các cơ sở đào tạo về du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo
Phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm của Hiệp hội Du lịch và doanh nghiệp du lịch trong hoạt động đào tạo: Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và chương trình, giáo trình đào tạo du lịch; tạo cơ sở kiến tập, thực tập cho học sinh và sinh viên; tiếp nhận sinh viên đến thực tập và tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp vào làm việc. Căn cứ nhu cầu nhân lực du lịch qua từng thời kỳ, khung chương trình đào tạo du lịch có sự điều chỉnh phù hợp để đảm bảo sự cân bằng “Cung – Cầu” giữa nguồn nhân lực được đào tạo với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp du lịch./.
Vương Thanh Tú