Năm Giáp Thìn đã gõ cửa, chào đón mùa xuân mới, chúng ta hãy cùng tìm hiểu câu chuyện lý thú về chín người con của rồng. Đồng thời, bài viết nhấn mạnh vào sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, tư duy thẩm mỹ, tín ngưỡng và tôn giáo đã dẫn tới sự tương đồng và khác biệt trong biểu đạt của biểu tượng rồng của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực.
Chín người con của rồng
“Hoài Nam Tử”, một cuốn sách của Lưu An (179 Trước Công nguyên – 122 Trước Công nguyên) là tư liệu thành văn sớm giới thiệu về nhiều loại rồng: Phi long, ứng long, giao long và tiên long. Các hình tượng rồng này mang nhiều đặc trưng của động vật thực như chim, cá. Sau đó, hình tượng rồng được tạo tác với quy định về “chín điểm tương đồng”, gồm: Sừng hươu, đầu lạc đà, mắt quỷ, cổ rắn, bụng con trai/sò, vảy cá chép, vuốt diều hâu, chân hổ và tai bò. Trên đầu rồng có thứ giống như một u nổi, nếu con rồng không có u nổi này thì con rồng không thể bay lên được. Để hỗ trợ cho khả năng bay, đôi cánh đã được thêm vào; tương tự đó là bờm và râu.
Không chỉ biểu tượng rồng mà trong lịch sử, chín người con của rồng (long sinh cửu tử) cũng được Việt Nam và các quốc gia Đông Bắc Á, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc ưa chuộng. Hình tượng về “gia đình” rồng này được khắc họa dựa trên sự kết hợp giữa sinh vật huyền thoại – rồng và các động vật trong thế giới thực.
Truyền thuyết về việc rồng sinh con có từ lâu, được nhắc tới trong văn hiến như: “Tiên Tần Lưỡng Hán” hay trong “Sử ký”. Nhưng phải tới đời Minh mới có những ghi chép đáng chú ý: “Hoài lộc đường tập” của Lý Đông Dương (1447 – 1516), “Thục viên tạp ký” của Lục Dung (1436 – 1494), “Thăng am ngoại tập” của Như Dương Thận (1488 – 1559), “Ngũ tạp trở” của Tạ Triệu Chiết (1567 – 1624).
Các ghi chép về những đứa con của rồng rất phong phú, nội dung cũng có những chỗ khác biệt, nhưng căn bản có thể khái quát rằng: Rồng sinh được chín người con mà không con nào là rồng cả, chúng chỉ mang một vài đặc trưng của rồng. Có hai thuyết chính về những đứa con của rồng, với thứ tự các con khác nhau. Thuyết thứ nhất, thứ tự chín con của rồng là: Con trưởng Tù Ngưu, Nhai Tệ, Trào Phong, Bồ Lao, Toan Nghê, Bá Hạ, Bệ Ngạn, Phụ Hí, và con thứ chín là Xi Vẫn. Thuyết khác lại cho rằng thứ tự chín con của rồng là: Con trưởng Bá Hạ, Xi Vẫn, Bồ Lao, Bệ Ngạn, Thao Thiết, Công Phúc, Nhai Tệ, Toan Nghê, và Tiêu Đồ. Tựu chung lại, có mười hai hình tượng được cho là những người con của rồng.
Bởi vì rồng là con vật linh nên những đứa con của nó cũng mang linh khí ấy, đem lại những điều may mắn, tốt lành ở những nơi nó xuất hiện. Tùy vào tính cách của mỗi con mà người ta dùng hình tượng của chúng trang trí ở những nơi khác nhau như cánh cửa, đồ dùng, vũ khí, nhạc cụ:
– Tù Ngưu có hình dạng rồng nhỏ, màu vàng, có sừng như sừng lân. Loài này rất mê âm nhạc nên thường chọn đầu cây đàn để ngự, cũng vì thế, người xưa thường dùng hình tượng Tù Ngưu để trang trí cho các loại đàn.
– Nhai Tệ có ngoại hình giống chó sói, mang sừng rồng, sừng mọc dọc dài về phía lưng. Loài này có ánh mắt dữ dằn, tính khí hung hăng và ham sát sinh. Dựa theo tính chất này, Nhai Tệ thường được lựa chọn để khắc lên các loại binh khí, vừa để trang trí vừa để tăng tính uy hiếp sát thương.
– Trào Phong thường ưa mạo hiểm, thích leo trèo và nhìn ra xa. Vì thế, loài này hay được chạm khắc trên đầu cột, góc mái của ngôi nhà hoặc một số điểm cao trên công trình kiến trúc với ý nghĩa chống hỏa hoạn, đuổi yêu ma.
– Bồ Lao vốn sống ở gần biển, nhưng lại rất sợ cá kình. Mỗi lần gặp cá kình, Bồ Lao thường kêu la rất to. Do đó, Bồ Lao thường được đúc phía trên chuông, ngụ ý muốn tiếng chuông đánh ra được vang xa.
– Toan Nghê có mình sư tử, đầu rồng. Thế nhưng khác với những người anh em thích ồn ào của mình, Toan Nghê lại sống khá trầm lặng. Loài này chỉ thích sự tĩnh lặng và thường ngồi yên ngắm cảnh khói hương tỏa lên nghi ngút. Do đó, Toan Nghê thường được chạm khắc phía trên các dụng cụ đốt hương trầm.
– Bá Hạ mang hình dáng mình rùa, đầu rồng. Bá Hạ rất thích cõng các vật nặng nên thường được trang trí ở chân cột hoặc chân bia đá.
– Bệ Ngạn có hình dáng giống hổ, răng nanh dài và sắc, có sức thị uy lớn. Bệ Ngạn tính tình rất khẳng khái, trượng nghĩa, yêu lẽ phải và hay cãi lý đòi sự công bằng. Vì vậy, Bệ Ngạn thường được trang trí ở cửa nhà ngục, nha môn… hoặc những chốn liên quan đến lao lý, xét xử.
– Phụ Hí có hình dạng giống rồng, song dáng vẻ thanh nhã, thường nằm cuộn mình trên đá. Phụ Hí rất thích ngắm chữ khắc trên văn bia, thường nằm ngắm chữ. Do sở thích kỳ lạ này mà Phụ Hí thường được khắc thành đôi, cân đối trên các văn bia.
– Xi Vẫn sống ở biển, có đầu giống như đầu rồng, đuôi, vây, miệng rộng và thân ngắn. Mỗi khi nó đập đuôi xuống nước thì nước bắn lên tận trời và mù mịt cả trời đất. Tương truyền Xi Vẫn thích ngắm cảnh và thường giúp dân diệt hỏa hoạn nên được chạm khắc làm vật trang trí trên nóc các cung điện cổ, chùa chiền, đền đài… ngụ ý cầu trấn hỏa, đề phòng hỏa hoạn.
– Thao Thiết có đôi mắt to, miệng rộng, dáng vẻ kỳ lạ. Linh vật này tham ăn vô độ. Vì vậy, được đúc trên các đồ dùng trong ăn uống như ngụ ý nhắc nhở người ăn đừng háo ăn mà trở nên bất lịch sự.
– Công Phúc thích nước nên được khắc làm vật trang trí ở các công trình hay phương tiện giao thông đường thủy như: cầu, rãnh dẫn nước, đập nước, bến tàu, thuyền bè… với mong muốn Công Phúc luôn tiếp xúc, cai quản, trông coi lượng nước phục vụ nhân dân.
– Tiêu Đồ thích sự kín đáo, thường cuộn tròn lại thành con ốc và không thích người khác xâm nhập lãnh địa của mình. Tiêu Đồ hay được khắc hình trên cửa ra vào hoặc trang trí cho tay nắm mở cửa, ngụ ý phải kín đáo cũng như giữ an toàn cho chủ nhà.
So sánh rồng Việt Nam và các quốc gia Đông Bắc Á
Hình tượng rồng ở Trung Quốc khi truyền bá vào các nước Việt Nam, Hàn Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản đã phát triển và được sử dụng khác nhau theo các diễn ngôn khác nhau để phù hợp với thị hiếu và tầng lớp tinh hoa xã hội. Nguyên nhân dẫn đến những khác biệt này chính là bối cảnh điều kiện tự nhiên, xã hội khác nhau của các nước.
Hình tượng con rồng ban đầu được sử dụng để thể hiện tư duy thẩm mỹ và tư tưởng của mỗi nghệ sĩ điêu khắc hay họa sĩ nhưng sau đó đã được phủ một bộ giá trị, được thể hiện dưới nhiều vai trò, hình dạng và màu sắc khác nhau. Từ đó, dẫn đến những biểu tượng rồng có thể khác nhau giữa Việt Nam và các nước Đông Bắc Á.
Mặc dù, chịu ảnh hưởng của Nho giáo nhưng ở các quốc gia ngoài Trung Quốc vẫn tồn tại những đặc trưng riêng trong vai trò và ý nghĩa biểu tượng rồng. Trong khi ở Trung Quốc từng có lệnh cấm của nhà vua về sự thờ phụng rồng trong dân gian, thì ở Việt Nam là sự phổ biến của hình tượng rồng trang trí trong nhiều đình, chùa ở địa phương.
Về vai trò, một trong những điểm chung ở hầu hết các nước, rồng đóng vai trò bảo vệ, che chở cho con người – đây là một trong số các vai trò lâu dài nhất và sớm nhất của nó. Trong chương Thiên văn huấn của sách “Hoài Nam tử trình bày vũ trụ” được chia thành bốn hướng và vùng trung tâm. Mỗi khu vực này đại diện cho một nguyên tố (mộc, hỏa, thổ, kim và thủy) và có một vị thần phương hướng bao gồm thanh long/hoàng long, chim Chu Tước, hổ, chiến binh. Những hình tượng này giúp bảo vệ con người khỏi cái ác và chúng thường được sử dụng để trang trí cung điện và công trình kiến trúc. Trong lịch sử, rồng được cho là có mối liên hệ, là một trong những vị thần phương hướng cai quản phương Đông.
Giống như hình tượng rồng ở các quốc gia khác, rồng Việt Nam thường được hiểu là vị thần bảo vệ, mang lại hạnh phúc, bình an bằng cách kiểm soát lượng mưa, giúp người dân có cuộc sống ấm no. Nhưng trong một số trường hợp, rồng Nhật Bản còn được coi là biểu tượng của sự hủy diệt, mang đến nhiều tai ương.
Bên cạnh đó, rồng ở các nước Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc chiếm vị trí quan trọng nhất trong đời sống khi luôn luôn là biểu tượng tốt lành thì ở Nhật Bản điều này lại không rõ ràng. Trang trí họa tiết rồng Nhật Bản chỉ là một trong những hình ảnh phổ biến trong văn hóa nghệ thuật Nhật Bản sau các biểu tượng kirin, rùa và phượng hoàng.
Về hình dạng, có sự khác biệt lớn trong miêu tả về rồng trong nghệ thuật, mỹ thuật Việt Nam và các nước Đông Bắc Á. Nếu thời Lý – Trần ở Việt Nam, rồng trang trí trên cung điện hay vật dụng của vua, chân thường có từ ba, bốn hoặc năm móng tùy thuộc vào dạng thức trang trí là tượng tròn hay phù điêu. Nhưng tới thời Lê lại hoàn toàn khác, hình tượng rồng luôn luôn có năm móng sắc nhọn ở chân. Trong điển chế của triều Nguyễn quy định, rồng năm móng là dành cho nhà vua, hoàng thái tử sử dụng hình tượng rồng bốn móng, rồng ba móng dành cho dân gian.
Còn ở Trung Quốc, rồng năm móng tượng trưng cho quyền lực và hoàng gia, bốn móng tượng trưng cho các quyền năng siêu nhiên (thần, Phật) và tầng lớp quan lại, ba móng là dùng cho dân gian. Tuy nhiên, ở Nhật Bản hầu hết hình tượng rồng đều chỉ có ba móng. Đây chính là khác biệt theo quan niệm của mỗi nước về số lượng móng chân của rồng Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc.
Về màu sắc, khác với rồng của Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên và Hàn Quốc được sơn nhiều màu sắc khác nhau, thì rồng Nhật Bản có hai màu chính là xanh lam và đen. Rồng màu xanh lam tượng trưng cho vẻ đẹp, sự cao quý; trong khi, rồng màu đen tượng trưng cho may mắn vì mọi người tin rằng, rồng màu đen có thể giúp tạo ra mưa và mang lại sự thịnh vượng.
Ở Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên và Hàn Quốc, rồng có thể khác nhau trong các triều đại phong kiến, tuy nhiên hình tượng rồng Nhật Bản cho thấy sự đồng nhất trong hình dạng (ba móng vuốt, màu xanh lam và màu đen) và ý nghĩa (biểu tượng tốt lành và biểu tượng của sự hủy diệt). Bởi vì, Nhật Bản có môi trường đặc biệt của các đảo, điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhưng lại có được sự thống nhất gần như tuyệt đối giữa dân tộc và văn hóa. Do đó, con rồng Nhật Bản cũng thể hiện sự nhất quán trong hình dạng và ý nghĩa.
Nét riêng của biểu tượng rồng Việt Nam
Rồng Việt Nam đã thể hiện những nét đặc trưng của sự đa dạng về địa lý theo vùng miền. Ở một mức độ nhất định, rồng ở các quốc gia Đông Bắc Á là biểu tượng của quyền lực; trong khi con rồng Việt Nam còn là đại diện của đấng siêu nhiên giúp ích cho dân nghèo. Con rồng ở Việt Nam cũng được phổ biến rộng rãi hơn và gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt, thế giới tín ngưỡng dân gian của người Việt qua những hình tượng được chạm khắc ở đình làng.
Người Việt Nam dường như phục tùng con rồng và sức mạnh của nó. Vai trò và ý nghĩa của rồng Việt Nam thể hiện rõ ràng trong thành ngữ và tục ngữ Việt Nam khi thường miêu tả con rồng như một hình ảnh thánh thiện hoặc cao quý. Ví dụ, khi phân biệt sự khác biệt giữa các tầng lớp xã hội, người Việt thường có câu “Trứng rồng lại nở ra rồng, liu diu lại nở ra bầy liu diu”.
Ở một mức độ nào đó, con rồng Việt Nam khác biệt với rồng các nước Đông Bắc Á khi đã bị nữ tính hóa do truyền thống trọng phụ nữ trong lịch sử xã hội Việt Nam. Mặt khác, con rồng Việt hấp thụ yếu tố phương Nam hài hòa với rắn thần Naga trong văn hóa Đông Nam Á. Lịch sử miền Trung và miền Nam Việt Nam có mối tương tác mạnh mẽ với các quốc gia “Ấn Độ hóa” trong lịch sử do đó, hình tượng rồng gắn bó chặt chẽ với biểu tượng rắn thần Naga bắt nguồn từ Bà La Môn giáo.
Hình tượng con rồng Việt Nam vẫn đang trong quá trình hình thành, phát triển và chưa kết thúc. Nó thể hiện bản chất quan trọng của tư tưởng và bản sắc văn hóa Việt Nam: Tính mở, dung hòa và tích hợp những yếu tố mới vào trong mình, tựa như “con rồng Việt Nam” đang cựa mình, trỗi dậy trong thời đại khoa học, công nghệ, hướng tới một tương lai tươi sáng.
Laodong.vn