Ghi nhận của Thanh Niên vào chiều 31.7 cho thấy, tại khu vực được khảo cổ, nhiều diện tích đã được đào xuống lòng đất gần 1m. Qua đó đã phát hiện, thu thập nhiều mảnh sành sứ, gạch gồ… và bắt đầu lộ ra các dấu tích của phần nền móng cũ công trình điện Cần Chánh.
Đến nay, việc khảo cổ di tích điện Cần Chánh đã diễn ra hơn 20 ngày, do Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam chủ trì phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thực hiện. Công tác khảo cổ sẽ kéo dài đến hết tuần này, với diện tích trên 200m².
Đại diện Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, việc khảo cổ điện Cần Chánh là cơ sở quan trọng để xây dựng phương án tu bổ, phục hồi di tích. Trong quá trình khai quật, khảo cổ, Trung tâm sẽ tiếp tục tổng hợp các hình ảnh, tư liệu về điện Cần Chánh qua nhiều nguồn lưu trữ, trong đó có những bức ảnh của người Pháp đã chụp khi điện còn nguyên vẹn.
Trước đó, dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo điện Cần Chánh đã được HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế khóa 8 (nhiệm kỳ 2021 – 2026) phê duyệt chủ trương, đầu tư kinh phí gần 200 tỉ đồng.
Điện Cần Chánh được xây dựng vào giai đoạn đầu của triều Nguyễn – năm Gia Long thứ 3 (1804), là 1 trong 3 ngôi điện quan trọng của Hoàng thành Huế.
Công trình nằm trên trục thần đạo của Hoàng thành Huế, cùng với các công trình quan trọng như: Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Đại Cung môn, điện Càn Thành, điện Khôn Thái, điện Kiến Trung… Dưới thời nhà Nguyễn, điện Cần Chánh là nơi làm việc của các vua và tổ chức các tiệc, lễ quan trọng. Năm 1947, do chiến tranh, di tích này đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại phần nền móng.
Theo giới nghiên cứu kiến trúc cung đình, ngôi điện gồm 2 tòa nhà ghép nối với nhau được đặt trên cùng một nền móng, quy mô của điện Cần Chánh không thua kém so với các ngôi điện của nhiều triều đại khu vực châu Á.