Morocco“Thời của chúng tôi đã hết”, Erguibi, người kể chuyện rong trên quảng trường Jemaa el-Fnaa tại Marrakesh nói sau khi châm một điếu thuốc.
Trung tâm lịch sử của thành phố Marrakesh, nơi được UNESCO công nhận là di sản thế giới, hứng chịu hậu quả nặng nề từ trận động đất hôm 8/9 khiến hơn 2.100 người ở Morocco thiệt mạng. Hàng chục tòa nhà ở khu phố cổ Medina có tường thành bao quanh và một ngọn tháp mang tính biểu tượng ở quảng trường Jemaa el-Fnaa bị sập. Nhiều người lo lắng Morocco không còn hấp dẫn du khách như trước, khi các di sản bị phá hủy.
Nhưng trước khi động đất xảy ra, một di sản văn hóa khác nổi tiếng không kém các công trình ở Marrakesh, cũng đối diện nguy cơ biến mất. Đó là hikayat hay truyền thống kể chuyện cổ xưa được lưu truyền theo thời gian qua những người kể chuyện (story tellers). Truyền thống này dần bị mai một khi du khách nay dành phần lớn thời gian chụp ảnh “sống ảo” hoặc hầu như chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” khi khám phá điểm đến.
Trước đây, ở quảng trường Jemaa el-Fnaa, du khách dễ dàng bắt gặp những người kể những câu chuyện cổ tích, thần thoại hay lịch sử. Một đám đông vây quanh, hứng thú trong yên tĩnh lắng nghe. Những câu chuyện thường được kể nhiều nhất là các tác phẩm trong Nghìn lẻ một đêm.
Kể chuyện truyền khẩu ở Morocco từ xa xưa được coi là một cách giải trí, cũng là hình thức để người lớn dạy dỗ con cháu. Việc này diễn ra trong không gian thân mật, gần gũi, giản dị. Dù tại quảng trường hay quán cà phê, người nghe đều tụ tập xung quanh người kể chuyện để nắm bắt từng lời nói, cử chỉ.
Tại Jamaa el-Fna, bạn vẫn có thể bắt gặp nhiều bậc thầy hiền triết thực hiện “phép thuật” thông qua giọng điệu, lối kể chuyện hấp dẫn đám đông. Người kể chuyện thường làm việc hằng đêm tại quảng trường. Các câu chuyện được kể bằng tiếng Arab và theo thông lệ, người ta thường tip cho người kể vài đồng dirham (1 dirham bằng gần 2.400 đồng).
“Hai cô gái lớn lên cùng một khu phố, kết hôn cùng ngày. Chẳng bao lâu, họ sinh con cùng ngày”, Mohamed Sghir Erguibi, 70 tuổi, mặc áo choàng truyền thống, bắt đầu câu chuyện vào ngày trước khi động đất xảy ra tại quảng trường Jemaa el-Fnaa. Cạnh đó là các nhạc sĩ, ca sĩ hát rong, nhóm nhào lộn, thầy bói và người dụ rắn. Phía xa là các quán cà phê, cửa hàng phục vụ du khách. Lời Erguibi gần như bị át đi bởi tiếng ồn ào tại quảng trường.
Hiện giờ, quảng trường trở nên tĩnh lặng hơn bao giờ hết. Điểm đến hút khách bậc nhất thành phố trở thành “ký túc xá ngoài trời” cho hàng trăm gia đình mất nhà sau trận động đất tá túc.
Marrakesh là điểm du lịch nổi tiếng nhất nước. Theo AFP, 6 tháng đầu năm có khoảng 6,5 triệu lượt khách du lịch đến Morocco, tăng 92% so với cùng kỳ 2022. Riêng Marrakesh thu hút hơn 4,3 triệu lượt. Nhưng Erguibi, nghệ nhân kỳ cựu có giấy chứng nhận của chính phủ, nói “không còn ai ngồi nghe chuyện tôi kể ở quảng trường, họ không còn hứng thú với các câu chuyện cổ”. Những người như Erguibi phần lớn kiếm sống dựa vào việc kể các câu chuyện ngắn phục vụ du khách trong khách sạn và trong các lễ hội.
Hanae Jerjou, phụ trách Bảo tàng Di sản Văn hóa Phi vật thể Marrakesh, cho biết: “Chỉ còn lại 7 người kể chuyện truyền thống trước công chúng (thế hệ cũ). Tất cả đều gần 80 tuổi”. Trước dịch, du khách có thể tìm thấy hơn 10 người ngồi kể chuyện trên quảng trường.
Trong những năm gần đây, thế hệ trẻ ở Morocco đang cố gắng khôi phục di sản kể chuyện truyền thống. Zouhair Jaznaoui, 25 tuổi, điều hành nhóm kể chuyện nghệ thuật Fanus (đèn dầu) ở Marrakesh là một người kể chuyện trẻ, tiếp nối thế hệ cha anh. “Tôi duy trì mối quan hệ thân thiết với những người kể chuyện cũ” anh giải thích khi ở thị trấn mới, cách xa quảng trường Jemaa el-Fnaa mà ngày nay anh coi là trung tâm kinh doanh nhiều hơn là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống. Anh không tin truyền thống kể chuyện truyền khẩu và những người kể chuyện sẽ “chết dần”. “Họ đang thích nghi. Khách du lịch vẫn sẽ tiếp tục đổ đến Marrakesh. Họ đến vì Jemaa el-Fnaa. Nhưng nếu chúng ta chấm dứt không gian văn hóa truyền miệng ở nơi này, còn ai sẽ đến quảng trường nữa”, anh nói.
Hình ảnh nhiều du khách nhớ về người kể chuyện trẻ tuổi này là cách anh hát du dương vài ca từ nào đó, mặc trang phục truyền thống và đứng lên một chỗ cao ở giữa một không gian rộng. Sau đó, anh bắt đầu công việc. Khán giả tròn mắt thích thú với câu chuyện mà Jaznaoui kể, về một vị vua ích kỷ, nữ hoàng độc ác hay một người nông dân may mắn nào đó.
Dù vậy, sau trận động đất khiến trung tâm thành phố trở nên vắng vẻ, những người kể chuyện xưa vẫn chưa quay trở lại quảng trường.
“Thời của chúng tôi đã hết”, Erguibi châm một điếu thuốc và nói. Ông cho biết chính quyền đã hứa hẹn xây dựng một sân khấu nhỏ ở nơi tránh xa tiếng ồn để những người kể chuyện có thể kể câu chuyện của mình. Nhưng giới trẻ ngày nay không còn kể chuyện ở quảng trường. Họ đến các quán cà phê, khách sạn vì được nhiều tiền hơn.
Anh Minh (Theo El Pais)