Viêm đường hô hấp trên như viêm xoang, viêm thanh quản nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phế quản và viêm phổi.
Biến chứng của bệnh lý hô hấp nếu không được điều trị kịp thời
Viêm đường hô hấp trên như viêm xoang, viêm thanh quản nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phế quản và viêm phổi.
Các bệnh lý đường hô hấp trên thường gặp như viêm mũi xoang, viêm họng, viêm thanh quản… có triệu chứng điển hình như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, ho và đau họng. Tuy nhiên, nhiều người bệnh thường chủ quan và tự mua thuốc điều trị tại nhà mà không đi khám bác sĩ, khiến bệnh tình không được xử lý triệt để.
Đường hô hấp trên bao gồm các cơ quan như mũi, xoang, hầu họng và thanh quản, vốn là các bộ phận tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài.
Do đó, chúng rất dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn hay nấm. Hệ hô hấp trên và dưới có sự liên thông, nên nếu không được điều trị đúng cách, các tác nhân gây bệnh có thể lan xuống các cơ quan dưới, gây viêm phế quản, viêm phổi và những biến chứng nghiêm trọng khác.
Những người có cơ địa suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh nền như đái tháo đường, ung thư, hen phế quản hay bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dễ gặp phải các biến chứng như suy hô hấp, viêm xoang biến chứng ổ mắt, tắc mạch xoang hang, áp xe họng hay nhiễm trùng huyết.
Thời tiết lạnh của cuối năm tại TP.HCM, cộng với hệ miễn dịch suy yếu, đang tạo điều kiện cho bệnh viêm đường hô hấp trên bùng phát mạnh. Nhiều người bệnh chủ quan và tự điều trị, khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng.
Một trường hợp điển hình là chị P.K.G. (22 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM), người đã bị sốt, đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi và ho kéo dài trong hai tuần khi thời tiết chuyển lạnh.
Mặc dù tự mua thuốc uống, các triệu chứng của chị không cải thiện mà ngày càng nặng hơn. Chị bị sốt cao không hạ, khó thở, tức ngực và ho kéo dài, đặc biệt là vào ban đêm.
Sau khi đến khám tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, bác sĩ Hữu đã chẩn đoán chị G. bị viêm mũi xoang, viêm vòm mủ, viêm họng sung huyết và viêm amidan hốc mủ.
Sau khi làm xét nghiệm máu và chụp X-quang, kết quả cho thấy chị bị viêm phổi do biến chứng từ viêm mũi họng không được điều trị đúng cách. Sau khi tuân thủ điều trị đúng chỉ định, tình trạng của chị G. đã cải thiện và hồi phục hoàn toàn sau hai tuần.
Tương tự, bé N.M.N. (7 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) đã phải nhập viện điều trị viêm phế quản cấp sau khi viêm mũi họng không được điều trị đúng cách.
Bé bị ho, sốt cao và thở khò khè sau khi bị cảm lạnh. Dù đã được điều trị tại nhà, tình trạng của bé ngày càng nghiêm trọng. Nội soi tai mũi họng và chụp X-quang cho thấy bé bị viêm phế quản cấp. Bé đã được điều trị tại bệnh viện và phục hồi sau thời gian nhập viện.
Ths.Hồ Văn Hữu, Trung tâm Tai mũi họng cảnh báo, nếu viêm đường hô hấp trên không được điều trị triệt để, có thể gây ra các biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi.
Đặc biệt, viêm phế quản mạn tính có thể dẫn đến tắc nghẽn phổi và suy hô hấp. Các biến chứng khác như áp xe phổi, tràn dịch màng phổi hay tử vong cũng có thể xảy ra nếu không được can thiệp kịp thời, nhất là ở những người có bệnh nền hoặc hệ miễn dịch yếu như người già, trẻ nhỏ và bệnh nhân mắc bệnh mạn tính.
Việc phát hiện và xử lý kịp thời các triệu chứng ban đầu rất quan trọng. Người bệnh cần lưu ý các dấu hiệu sau: sốt cao kéo dài không giảm khi dùng thuốc hạ sốt; ho khan chuyển sang ho có đờm màu xanh hoặc vàng; khó thở, đau ngực, mệt mỏi nghiêm trọng; trẻ em có biểu hiện quấy khóc, biếng ăn, tím tái.
Để giảm nguy cơ biến chứng, bác sĩ Hữu khuyến cáo người bệnh nên đến khám bác sĩ ngay khi các triệu chứng viêm đường hô hấp trên không cải thiện sau 3-5 ngày.
Người bệnh cũng nên tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ và không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh. Bên cạnh đó, duy trì môi trường sống sạch sẽ, tránh khói bụi, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ và giữ ấm cơ thể cũng là cách giúp tăng cường hệ miễn dịch. Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày và tiêm vaccine phòng cúm cũng là các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Còn theo bác sỹ Nguyễn Thái Sơn, Trưởng Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), hiện số lượng bệnh nhân khám các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp trên đang tăng mạnh, đặc biệt là viêm mũi xoang và viêm họng.
Việc thay đổi đột ngột của thời tiết kết hợp với độ ẩm cao và sự phát tán mạnh của vi khuẩn, virus trong không khí chính là nguyên nhân khiến bệnh lý này bùng phát.
Theo các bác sỹ tại đây, mức độ phổ biến của bệnh lý này ngày càng cao, đặc biệt là khi môi trường sống ô nhiễm, bụi mịn trong không khí tăng cao. Thời tiết lạnh kết hợp với ô nhiễm không khí làm trầm trọng thêm tình trạng viêm mũi xoang.
Các bác sỹ cũng cảnh báo một sai lầm phổ biến là bệnh nhân thường tự ý mua thuốc mà không đi khám, dẫn đến việc sử dụng thuốc không đúng, kháng thuốc và bệnh ngày càng nặng hơn. Việc tự điều trị không đúng cách có thể gây ra tác dụng phụ nguy hiểm và khiến bệnh ngày càng khó chữa.
Để phòng ngừa các bệnh lý về đường hô hấp trong mùa lạnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên giữ ấm cơ thể khi ra ngoài, đặc biệt là vùng cổ, ngực và tay chân.
Đồng thời, cần đeo khẩu trang khi ra ngoài để bảo vệ đường hô hấp khỏi bụi bẩn và ô nhiễm. Ngoài ra, duy trì thói quen vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, rửa mũi bằng nước muối sinh lý và nâng cao sức đề kháng qua chế độ ăn uống và tập luyện đều đặn. Nếu có các triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi kéo dài, người dân cần đi khám kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm.
Nguồn: https://baodautu.vn/bien-chung-cua-benh-ly-ho-hap-neu-khong-duoc-dieu-tri-kip-thoi-d241082.html