Việc Mỹ liên tiếp có các động thái thúc đẩy giải quyết xung đột ở Ukraine mà không có sự tham gia của châu Âu khiến các quốc gia ở "lục địa già" hoang mang.
Xung đột Nga-Ukraine đang đứng trước bước ngoặt lớn với những hành động rốt ráo từ Mỹ. (Nguồn: Getty) |
Trong bối cảnh có thông tin Nga-Mỹ sẽ đàm phán về Ukraine tại Riyadh (Saudi Arabia) trong ngày 18/2, mới đây, kênh truyền hình NBC dẫn lời các quan chức Mỹ tiếp tục tiết lộ, nước này có ý định tổ chức các cuộc đàm phán song phương riêng rẽ với Moscow và Kiev, sau đó sẽ tiến hành đàm phán chung.
Động thái diễn ra sau cuộc điện đàm kéo dài gần một tiếng rưỡi giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 12/2, thảo luận về các vấn đề liên quan trao đổi công dân giữa hai nước cũng như giải quyết vấn đề Ukraine.
Ông Trump sau đó thông báo kế hoạch gặp ông Putin tại Saudi Arabia.
Những hành động rốt ráo của Mỹ nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine này dường như không hề có chỗ cho châu Âu. Ngày 17/2, tờ Daily Telegraph đưa tin, cuộc điện đàm giữa Trump-Putin đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu rơi vào tình trạng "hoang mang".
Theo tờ báo này, các nhà lãnh đạo châu Âu "đang nỗ lực tìm hiểu xem động thái của ông Trump sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tương lai của Ukraine, các đồng minh của nước này và cả châu lục".
Đáng chú ý, tại Hội nghị An ninh Munich, diễn ra từ ngày 14-16/2 ở Đức, Mỹ tiếp tục khiến châu Âu sửng sốt khi Phó Tổng thống nước này J.D Vance không hề đề cập Ukraine dù chỉ một lần, cũng như không đả động đến bất kỳ vấn đề nào về an ninh và chính sách đối ngoại, trong bài phát biểu.
Theo bài phân tích trên trang mạng Eurasia Review, điều khiến châu Âu lo lắng nhất chính là động thái nhanh chóng của Tổng thống Trump đối với Tổng thống Putin và nỗi sợ bị gạt ra ngoài các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột quân sự tại Ukraine.
Hàng loạt thông điệp từ khắp châu Âu nhấn mạnh rằng, lục địa này cùng với Ukraine phải có mặt trên bàn đàm phán và không thể đưa ra bất kỳ quyết định nào mà không có sự tham gia của Kiev. Mới đây, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố, Liên minh châu Âu (EU) phải tham gia các cuộc đàm phán giải quyết xung đột ở Ukraine và không cho phép ai đồng ý với việc phi quân sự hóa Ukraine.
Trong khi đó, Quốc vụ khanh Pháp Manuel Valls nhấn mạnh, châu Âu đang ở bước ngoặt trong quan hệ với Mỹ và tình thế này "buộc chúng ta phải ủng hộ quốc phòng cho Ukraine, tăng ngân sách chi tiêu quốc phòng và phải đi đầu hơn bao giờ hết”.
Lo ngại về nguy cơ sẽ bị loại khỏi tiến trình đàm phán về các điều khoản hòa bình ở Ukraine, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời các nhà lãnh đạo châu Âu tham dự Hội nghị bất thường tổ chức ở Paris vào chiều nay, 17/2 (giờ địa phương). Ông Macron cho rằng, các quốc gia châu Âu cần nỗ lực hơn nữa và tăng cường phối hợp trong việc bảo vệ an ninh chung.
Nguồn: https://baoquocte.vn/bi-my-gay-bat-ngo-khi-dam-phan-song-phuong-voi-nga-chau-au-hoang-mang-phap-khang-dinh-can-bao-ve-ukraine-hon-bao-gio-het-304649.html
Bình luận (0)