Lời cảnh tỉnh về một thế giới đổi khác

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế20/02/2025

Năm nay, Hội nghị An ninh Munich, sự kiện về an ninh quan trọng nhất toàn cầu, diễn ra từ ngày 14-17/2 tại thành phố Munich, Đức. Hơn sáu thập niên qua, đây là nơi định hình các tư duy và xu thế chính trị - an ninh lớn của thế giới do phương Tây dẫn dắt.


Hội nghị An ninh Munich 2025: Lời cảnh tỉnh về một thế giới đổi khác
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 61, ngày 14/2. (Nguồn: Reuters)

Thế giới đa cực hoá

Nếu năm 2024, Hội nghị đánh giá thế giới đang trong trạng thái “cùng thua” vì cạnh tranh chiến lược thì năm nay, các đại biểu tham dự nhận định thế giới trong trạng thái “đa cực hóa”, hàm ý thế giới chưa phải là đa cực, nhưng đang chuyển hoá theo hướng đó.

Tuy nhiên, theo điều tra xã hội học của Hội nghị, chỉ một phần ba người phản hồi cho rằng thế giới là đa cực; một phần ba vẫn nhìn nhận thế giới lưỡng cực, còn một phần ba xem thế giới là đơn cực. Một số chuyên gia cho rằng thế giới chỉ bị “phân cực” (polarised) hoặc tồn tại nhiều trật tự song song.

Câu hỏi lớn nhất là trật tự thế giới mới sẽ có luật lệ như thế nào? Trật tự “dân chủ tự do” mà Mỹ và phương Tây xây dựng sau Thế chiến II liệu có còn không, nhất là sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai. Nếu trong báo cáo năm 2024, cụm từ “trật tự dựa trên luật lệ” được nhắc đến bảy lần thì năm nay, cụm từ này chỉ được nhắc tới một lần.

Triển vọng giải quyết xung đột Nga-Ukraine

Tâm điểm chú ý tại Hội nghị lần này là cuộc gặp Ngày Valentine giữa Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhưng lại mang tới nỗi thất vọng. Bài phát biểu của ông Vance tại Hội nghị không có một câu nào về Ukraine, trong khi lại chỉ trích nặng nề các nước châu Âu về dân chủ, nhân quyền và tự do ngôn luận, và cho rằng châu Âu đang đánh mất giá trị căn bản của mình. Điều này khiến Bộ trưởng Quốc phòng Đức, nước đồng minh thân cận và cũng là chủ nhà Hội nghị phải thốt lên “không thể chấp nhận được”!

Hàng loạt câu hỏi lớn chưa được giải đáp: Liệu có “thoả thuận tiềm tàng” giữa ông Trump và người đồng cấp Vladimir Putin? Ukraine có phải nhượng bộ lãnh thổ? Ukraine, châu Âu có được tham gia đàm phán hay không? Ai sẽ bảo đảm an ninh cho Kiev sau khi đạt thoả thuận?

Tổng thống Zelensky tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ thoả thuận nào mà không có Ukraine tham gia, đồng thời cảnh báo rằng Nga chuẩn bị cho các đợt tấn công mới qua Belarus. Ông Zelensky kêu gọi châu Âu lập quân đội riêng và quân đội Ukraine phải là một phần trong đó bởi là đội quân duy nhất có kinh nghiệm chiến trường ở châu Âu, cũng là quân đội tinh nhuệ và hiện đại nhất hiện nay, với năng lực sản xuất 1,5 triệu drone mỗi năm.

Lãnh đạo các nước châu Âu phản ứng mạnh mẽ. Chủ tịch EU cảnh báo, nếu Ukraine suy yếu thì châu Âu và Mỹ sẽ suy yếu.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức khẳng định, không thể đòi hỏi châu Âu thực thi thoả thuận mà lại không cho châu Âu cùng vào bàn đàm phán. Tổng thống Đức cảnh báo Mỹ nếu chỉ tìm cách đạt thoả thuận rồi bỏ đi thì sẽ làm cả châu Âu và Mỹ suy yếu.

Thủ tướng Thuỵ Điển cho rằng châu Âu không còn tình trạng hoà bình nữa. Các hạ tầng chiến lược ở đáy biển Baltic “bỗng dưng” gặp sự cố liên tục không phải ngẫu nhiên, đó là hình thức chiến tranh mới!

Thủ tướng Đan Mạch cảnh báo chính sách “nhún nhường” (appeasement) sẽ không mang lại hoà bình cho châu Âu, nhắc lại bài học tại Munich năm 1938, Anh, Pháp và Italy đã nhượng bộ Hitler khiến chiến tranh càng đến sớm.

Chia sẻ trách nhiệm và chi tiêu quốc phòng

Đòi hỏi lớn nhất của Mỹ với châu Âu là phải tăng ngân sách quốc phòng, cụ thể là tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng lên 5% GDP. Đây là thách thức rất lớn khi chật vật mãi châu Âu mới chỉ gần đạt chỉ tiêu 2%.

Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Đức khẳng định nhất định châu Âu phải tăng ngân sách quốc phòng lên 5%, trong khi Chủ tịch châu Âu lại dè dặt cho rằng cần đánh giá kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Câu chuyện bảo vệ Ukraine sau khi có thoả thuận hoà bình hoặc thoả thuận ngừng bắn tiếp tục được bàn thảo nhiều. Thủ tướng Đan Mạch đề xuất kết nạp Ukraine vào NATO nhưng nghị sĩ Lindsey Graham, Ủy ban ngân sách Hạ viện Mỹ cho rằng việc này chưa khả thi, chỉ nên dùng tư cách thành viên NATO làm vũ khí răn đe: “Nếu Nga tấn công Ukraine lần nữa, chúng tôi sẽ tự động kết nạp Ukraine vào NATO”!

Tổng thư ký NATO Mark Rutte kêu gọi châu Âu ngừng phàn nàn mà phải đưa ra sáng kiến cụ thể, bao gồm tái công nghiệp hoá quốc phòng.

Một số ý kiến cho rằng bảo vệ Ukraine phải bằng cả sức mạnh kinh tế, phải liên kết và xây dựng một Ukraine vững mạnh về kinh tế để làm thành trì cho châu Âu.

Chủ tịch Đảng CDU của Đức, ông Frederic Merz, người được dự báo trở thành Thủ tướng Đức sau bầu cử tuần tới, cho rằng châu Âu cần đàm phán trên thế mạnh và khẳng định Đức sẵn sàng đảm nhiệm vai trò lãnh đạo châu Âu do vị trí địa chiến lược, địa kinh tế đặc biệt của mình.

Nhìn sang châu Á

Trong khi quan hệ Mỹ - châu Âu nhiều diễn biến phức tạp, sự chú ý đổ dồn vào Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có phải lựa chọn giữa đầu tư vào châu Âu hay châu Á? Washington có thể thỏa thuận với Bắc Kinh như đã làm với Moscow?

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản cho rằng, cách thức xử lý vấn đề Ukraine sẽ tác động trực tiếp tới châu Á, xung đột này phải có kết cục đúng đắn.

Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc tin rằng quan hệ liên minh Hàn - Mỹ vẫn rất bền chặt nhưng Hàn Quốc cần cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Phó Tổng thư ký NATO cho rằng an ninh châu Âu và châu Á là liên thông và gắn bó mật thiết, do vậy NATO quan tâm các nước đối tác tại khu vực này.

Về Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore so sánh chiến lược của Trung Quốc với Học thuyết Monroe ở châu Á mà Mỹ đã thực thi hồi đầu thế kỷ thứ XIX, khi muốn ngăn chặn ảnh hưởng các cường quốc bên ngoài. Ông cho rằng Trung Quốc đang thực hiện chính sách này, vừa thể hiện sức mạnh với Mỹ, vừa xoa dịu các láng giềng. Mục tiêu kép đó không dễ thực thi.

Khoảnh khắc Helsinki hay Yalta?

Hội nghị năm nay diễn ra đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp ước Helsinki (1975), 80 năm Hội nghị Yalta (1945). Châu Âu và thế giới đang đứng trước câu hỏi quan trọng: Đi theo hướng Helsinki (tôn trọng độc lập; chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ) hay rẽ theo hướng Yalta (các nước lớn xác lập vùng ảnh hưởng, phân chia lại thế giới).

Tổng thống Phần Lan khẳng định thế giới đang ở khoảnh khắc Helsinki, phải khẳng định lại ba nguyên tắc căn bản: độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Ông nhắc lại, sau Thế chiến II, Phần Lan đã giữ được độc lập, giữ được chủ quyền nhưng mất 10% lãnh thổ. Đấy là bài học châu Âu và thế giới cần phải nhớ.

Thủ tướng Croatia đặt câu hỏi, khi chính các nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an phá luật, tổ chức Liên hợp quốc có tê liệt? Hệ thống luật pháp quốc tế cần được cải cách (repair) hay thanh lý (retire)?

Nhiều ý kiến tranh luận ai là “tội đồ” phá hoại hệ thống luật pháp quốc tế trước, Nga hay Mỹ. Một số chỉ trích Mỹ vì cuộc chiến Iraq và Libya, trong khi một số người ám chỉ Trung Quốc hỗ trợ Nga trong xung đột Ukraine và các vấn đề ở Biển Đông.

Các ý kiến lạc quan hơn cho rằng Liên hợp quốc có thể duy trì nhưng cần phải “đại tu”, vì thế giới đa cực nhưng hệ thống quốc tế không đa cực một cách tương ứng và cơ quan cần cải tổ đầu tiên là Hội đồng Bảo an.

* * *

Rõ ràng, cục diện thế giới đang xoay chuyển một cách “vô tiền khoáng hậu” trong những ngày gần đây. Các câu hỏi đặt ra là: Liệu châu Âu có duy trì được đoàn kết, tìm được quốc gia và nhà lãnh đạo đủ tầm, vượt qua được các khó khăn rạn nứt bên trong để duy trì ảnh hưởng của một “cực” quan trọng trong cục diện đa cực sắp tới?

Liệu Mỹ có tiếp tục thúc đẩy chính sách “Nước Mỹ trước hết” lên cao hơn nữa, tiếp tục rút khỏi khỏi các cam kết đa phương toàn cầu, nhưng lại đơn phương thể hiện sức mạnh và mở rộng lãnh thổ?

Liệu các đối tác của Mỹ ở khắp các châu lục có nhìn vào châu Âu và tự nhủ, đã đến lúc phải độc lập, tự chủ, đa dạng hoá đối tác, từ đó điều chỉnh các chiến lược an ninh, quốc phòng và đối ngoại của mình.

Phải chăng đây là lúc các cực mới nổi như Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Indonesia... phát huy vai trò định hình trật tự thế giới mới đa dạng đa sắc màu hơn?

Cuối cùng, Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an sẽ phải cải tổ ra sao khi mà các cường quốc không còn mặn mà với tổ chức này?

Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần tỉnh táo và nhận diện sớm, thấu đáo những chuyển biến lớn và rất lớn trong môi trường đối ngoại của đất nước thời gian tới.



Nguồn: https://baoquocte.vn/hoi-nghi-an-ninh-munich-2025-loi-canh-tinh-ve-mot-the-gioi-doi-khac-304971.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Nhân vật

Bộ phim gây chấn động thế giới công bố lịch chiếu tại Việt Nam
Rực rỡ cây lá đỏ ở Lâm Đồng, du khách hiếu kỳ đi trăm km tới check-in
Ngư dân Bình Định '5 thuyền 7 lưới' tấp nập khai thác ruốc biển
Báo nước ngoài hết lời khen 'vịnh Hạ Long trên cạn' ở Việt Nam

No videos available