(VTC News) – Carlos Yulo giúp thể thao Philippines ghi dấu ấn lịch sử ở Olympic khi trở thành vận động viên Đông Nam Á đầu tiên giành 2 huy chương vàng cá nhân tại Thế vận hội.
Philippines không có huy chương vàng Olympic nào trước năm 2020. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, đoàn thể thao không nằm trong top 3 của 2 kỳ SEA Games gần nhất lại có tới 3 lần được hát Quốc ca trên bục trao giải của Thế vận hội trong vòng 3 năm qua. Riêng tại Paris 2024, Philippines có 2 huy chương vàng trong 2 ngày – chiến tích được tạo nên bởi Carlos Yulo.
Làm thế nào để Phiippines kiếm ra được một nhà vô địch Olympic mà Đông Nam Á chưa từng có như Carlos Yulo?
Sang Nhật Bản khổ luyện
Carlos Yulo sinh ra ở Philippines vào năm 2000 và bắt đầu tập luyện thể dục dụng cụ vào năm 7 tuổi. Không xuất thân từ gia đình giàu có, Yulo sớm tiếp cận với thể dục dụng cụ – môn thể thao ở Philippines trước đây được cho là chỉ giành cho những gia đình có điều kiện tốt – khi học tiểu học.
Theo Manila Times, chủ tịch Hiệp hội Thể dục dụng cụ Philippines lúc bấy giờ là Sotero Tejada đã thúc đẩy việc đưa môn thể thao này vào các trường học vì cho rằng rằng thể dục dụng cụ dành cho tất cả mọi người bất kể địa vị trong cuộc sống.
Bước ngặt của Carlos Yulo là khi anh được HLV Nhật Bản, Munehiro Kugimiya phát hiện tài năng. Tờ Asahi của Nhật Bản viết: “Khi Yulo bắt đầu theo môn thể dục dụng cụ ở quê hương Philippines, các VĐV thể dục dụng cụ nam ở đây rất hiếm và điều kiện tập luyện vô cùng khắc nghiệt. Họ không chỉ thiếu thiết bị cần thiết mà sàn tập cũng không tốt.
Các VĐV phải luyện tập hàng ngày trong một phòng tập thậm chí không có điều hòa. Năm 2013, khi đang lớn lên trong một môi trường khó khăn, Yulo gặp Munehiro Kugimiya, một huấn luyện viên người Nhật phụ trách huấn luyện đội tuyển quốc gia Philippines ở Manila. Ông Kugimiya đánh giá cao tài năng và sự nỗ lực của Yulo”.
“Yulo chắc chắn có đôi chân khỏe hơn so với những VĐV khác, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng nhất là cậu ấy có thể luyện tập. Tôi có cảm giác rằng Yulo có thể tập luyện đều đặn. Những đứa trẻ có một mức độ khả năng nhất định có thể làm mọi thứ nhanh chóng. Do vậy chúng thường khó tập trung vào một việc trong thời gian dài, nhưng trong trường hợp của Yulo thì khác”, HLV Kugimiya cho biết.
Năm 2016, HLV Kugimiya đưa Yulo sang Nhật Bản tập luyện. Trên thực tế, Yulo nhận lời mời của Liên đoàn Olympic Nhật Bản sang đào tạo tại đây theo chương trình học bổng. Mẹ của Yulo lúc đầu phản đối việc anh sang Nhật Bản nhưng cuối cùng bà đã khóc và chấp thuận mong muốn của con trai.
Lúc đầu Yulo sống khép kín ở Nhật Bản do ít quen biết. “Cuộc sống ở Nhật rất khó thích nghi. Lúc đầu đến trường, tôi chỉ ngồi đó một mình vì không hiểu ngôn ngữ”, Yulo cho biết. Sau gần 1 năm, Yulo đã không thể tập trung vào việc tập luyện do cảm thấy nhớ nhà.
“Yulo không hề tập trung. Ngay cả khi đến phòng tập, Yulo cũng không luyện tập, chỉ ngồi đó nhìn chằm chằm. Tôi nghĩ cậu bé nhớ nhà. Ngay cả khi em ấy kiệt sức và khóc, cũng không có ai để nói chuyện. Chắc hẳn rất khó khăn khi Yulo không có lựa chọn nào khác ngoài việc tập thể dục dụng cụ,” HLV Kugimiya chia sẻ. Ông đã đưa ra quyết định là mua vé máy bay trở về Philippines cho VĐV.
“Tôi nghĩ sẽ thật xấu hổ nếu để Yulo suy sụp nên tôi đã mua cho em ấy 1 vé máy bay (về Philippines). Tôi nghĩ rằng tốt nhất nên Yulo ấy trở về nhà”, huấn luyện viên Kugimiya nói.
Ngay trước khi Yulo rời đi, cả hai đã đi ăn ramen lần cuối. Lúc đó, Yulo đã đưa ra một tuyên bố bất ngờ rằng sẽ ở lại Nhật Bản. Sau đó, Yulo bắt đầu tập luyện nghiêm túc như một người khác. Và thành công bắt đầu đến với VĐV của Philippines.
Ở giải vô địch thể dục dụng cụ thế giới 2018, Yulo giành huy chương đồng trong trận chung kết biểu diễn trên sàn. Chiếc HCĐ này mở đầu cho những thành công sau này của Yulo. Yulo rất biết ơn HLV Kugimiya và nói: “Thầy ấy luôn ở bên tôi mỗi ngày, như một người cha. Tôi rất biết ơn vì HLV Kugimiya đã làm mọi thứ cho tôi”.
Không có HLV chính thức vẫn giành HCV Olympic
Khá đen đủi cho Yulo khi 5 tháng trước Olympic, anh không có HLV hướng dẫn. Vào tháng 10/2023, Yulo và huấn luyện viên Munehiro Kugimiya chia tay. Lý do là Yulo muốn rời Nhật Bản để về Philippines sống gần với bạn gái Chloe San Jose.
HLV luyện viên tiếp theo của Yulo, Tomoharu Sano, đã dính chấn thương khiến ông không thể rời khỏi Tokyo. Ngay sau đó, Carlos Yulo nhận được lời mời tập luyện tại phòng tập của VĐV Olympic Lee Jun-ho ở Hàn Quốc và sau đó là trung tâm thể dục dụng cụ của Anh.
Mặc dù không có huấn luyện viên chính thức, Yulo đã được hỗ trợ bởi cựu huấn luyện viên thể dục dụng cụ Aldrin Castaneda và nhà trị liệu thể thao Tiến sĩ Hazel Calawod.
Yulo cho biết 2 người này đã giúp tạo ra sự cân bằng hoàn hảo giữa việc mài giũa kỹ thuật và điều hòa cơ thể của anh, đồng thời dạy anh cách điều chỉnh cảm xúc tốt hơn – điều dường như đã bị thiếu khi Yulo tập luyện ở Tokyo.
“Khi không đạt được kết quả như mong muốn, tôi thường thất vọng và tức giận. Tôi sẽ không nói chuyện với bất cứ ai. Nhưng các HLV của tôi đã dạy tôi cách giao tiếp tốt hơn. Họ đã điều chỉnh tâm trạng và cảm xúc của tôi trong quá trình luyện tập. Đó là sự trợ giúp to lớn cho tôi khi tham dự Thế vận hội 2024”, Yulo phát biểu.
Với 2 tấm HCV Olympic, Carlos Yulo trở thành VĐV nam của Philippines đầu tiên giành nhiều HCV nhất trong 1 kỳ Thế vận hội. Với tấm HCV đầu tiên giành được hôm 3/8 ở nội dung kết biểu diễn trên sàn, Yulo đi vào lịch sử thể thao Philippines với tư cách nam VĐV đầu tiên nước này đoạt HCV ở Olympic. Đó cũng là huy chương vàng đầu tiên ở môn thể dục dụng cụ của Philippines ở Olympic 2024.
Năm 2019, tờ Manila Times viết rằng Yulo chứng minh rằng người nghèo cũng có thể theo đuổi thể dục dụng cụ, môn thể thao được coi như chỉ giành cho những người giàu có. Tại Paris 2024, Yulo cho biết anh hy vọng HCV lịch sử của mình sẽ mở ra cơ hội cho trẻ em Philippines theo đuổi môn thể dục dụng cụ. “Hy vọng thể dục dụng cụ ở Philippines sẽ phát triển”, Yulo nói.
Vtcnews.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/tay-dua-nguyen-thi-that-bat-khoc-khi-thay-co-viet-nam-tai-olympic-2024-20240805230948918.htm