MỹSau khi cháy rừng tàn phá thị trấn Lahaina, một số đầu bếp nổi tiếng nhất của Hawaii đã giúp sức bằng việc mình am hiểu nhất.
“Chúng tôi biết ẩm thực chính là thuốc chữa bệnh”, Sheldon Simeo, đầu bếp ở Maui được coi là đại sứ ẩm thực Hawaii, nói khi đang bận rộn trong căn bếp ở Kahului, nấu hàng nghìn suất ăn mỗi ngày. “Đối với những nạn nhân cháy rừng, mang tới cho họ bữa ăn nóng hổi thay vì đồ hộp sẽ giúp họ kết nối với Hawaii”.
“Tôi hy vọng đây là khởi đầu của việc chữa lành”, Simeo bày tỏ.
Lahaina, thị trấn du lịch lịch sử có khoảng 12.000 người sinh sống ở bờ tây đảo Maui thuộc Hawaii, bị thiêu rụi trong trận cháy rừng dữ dội bắt đầu từ tuần trước, với ít nhất 106 người chết và hàng nghìn người mất nhà cửa. Giới chức nhận định số người chết sẽ tiếp tục tăng trong khi công tác rà soát đánh giá thiệt hại chưa hoàn tất.
Hơn 1.400 người mất nhà cửa đang ở nơi trú ẩn tạm thời, cùng người thân hoặc qua đêm trên ôtô. Trong khi ngày càng nhiều người chỉ trích phản ứng chậm chạp của chính quyền, người dân Hawaii đã phát động sáng kiến riêng để đối phó thảm kịch.
Nhà bếp của trường học nấu ăn tại Đại học Hawaii ở Kahului, cách Lahaina khoảng 50 km về phía bắc, rộn ràng tiếng xào nấu. Tình nguyện viên xúc đồ ăn vào thùng đựng, sau đó để vào thùng giữ nhiệt.
Simeon và những đầu bếp nổi tiếng khác như Lee Anne Wong, thí sinh chương trình Top Chef có nhà hàng bị thiêu rụi trong cháy rừng, đang chia nhau làm việc ba ca để nấu nướng phục vụ người mất nhà cửa và những người vẫn ở lại Lahaina.
“Một số đầu bếp cũng mất nhà cửa trong cháy rừng. Vậy mà họ đang ở đây cùng chúng tôi để nấu nướng phục vụ cộng đồng, cho chúng ta thấy tinh thần ‘aloha'” là gì”, Simeon nói, nhắc đến câu nói cửa miệng của người Hawaii để chào hỏi, biểu đạt tình yêu thương, hòa bình và hữu nghị.
Đội ngũ đầu bếp và hàng chục tình nguyện viên chuẩn bị và nấu nướng khoảng 9.000 suất ăn mỗi ngày.
“Cả đời tôi làm việc trong nhà hàng lớn nhưng chưa từng thấy khối lượng thực phẩm khổng lồ như thế này”, đầu bếp Taylor Ponter nói.
“Nông dân nuôi lợn mang tới 1.800 kg thịt. Có 900 kg cá hồi chuyển từ Alaska. Mọi người đang chuyển hàng trăm kg dưa hấu địa phương tới đây. Thực sự là rất nhiều thực phẩm”, anh nói khi đang nghỉ ngơi giữa một ngày làm việc căng thẳng.
Thực đơn dựa theo thực phẩm có sẵn nhưng cũng chú trọng tính đa dạng. Bữa trưa ngày chủ nhật là món cari Thái Lan với cá nục heo cờ địa phương, bữa tối là mì ống và pho mai cùng sốt thịt bò băm.
“Chuẩn bị 7.000 – 9.000 suất mỗi ngày là khối lượng công việc lớn, chúng tôi phải sáng tạo với những nguyên liệu mình có”, Simeon nói.
Các nhóm tình nguyện nhận đồ ăn, chuyển tới những nơi trú ẩn và thị trấn Laihaina mà vẫn nóng sốt. Vừa làm xong bữa trưa các đầu bếp đã bắt tay chuẩn bị bữa tối.
Nhiều tình nguyện viên tới giúp để các đầu bếp có thời gian nghỉ ngơi giữa ca làm việc dài. Ponte không phàn nàn. “Chúng tôi chỉ mệt thôi. Những người khác không những mệt mà còn đói và không có nhà ở”, anh nói. “Làm đầu bếp là không bao giờ có giấc ngủ thật sự”.
Hồng Hạnh (Theo AFP)