Nhiều người nói béo phì là do di truyền, điều này đúng hay sai? (Trung, 32 tuổi, TP HCM)
Trả lời:
Thực tế, bệnh béo phì có yếu tố di truyền. Nhiều nghiên cứu cho thấy người có bố mẹ hoặc anh chị em bị béo phì thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường. Tuy nhiên, việc di truyền chỉ là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến béo phì và không phải nguyên nhân duy nhất.
Ngoài yếu tố di truyền, béo phì còn có nhiều yếu tố khác tác động đến sự phát triển của bệnh. Cụ thể, ăn nhiều chất béo, đường và muối, nhiều calo và ít chất xơ có thể dẫn đến tăng cân và béo phì. Các chế độ ăn kiêng không cân bằng hoặc thiếu dinh dưỡng cũng có thể gây bệnh.
Ngoài ra, thiếu hoạt động thể chất, mắc một số bệnh như tiểu đường, gan, tim mạch, các rối loạn nội tiết tố hoặc stress, trầm cảm, lo âu cũng dẫn đến tăng cân, béo phì.
Do đó, để ngăn ngừa béo phì và giữ gìn sức khỏe của cả gia đình, cần cung cấp cho các thành viên chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng gồm nhiều rau, trái cây, các loại thực phẩm giàu chất xơ và thấp calo.
Khuyến khích cả gia đình tham gia các hoạt động vận động thể chất đều đặn, thực hiện các biện pháp giảm stress. Hạn chế sử dụng các thực phẩm có chất béo và đường cao, tăng cường sử dụng các loại thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng.
Với những người đang bị béo phì, cần nhờ đến sự tham vấn của chuyên gia dinh dưỡng để tối ưu phác đồ giảm cân. Nếu cần, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật cho những người có chỉ số BMI (béo phì) cao.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108