TP HCMNgoài vai trò là một trong bốn bệnh viện nhi lớn nhất cả nước, Nhi Đồng 2 hướng đến trở thành trung tâm ghép tạng hàng đầu.
Hiện TP HCM có ba bệnh viện chuyên khoa nhi là Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Nhi Đồng Thành phố. Bên cạnh việc đảm bảo điều trị cho các bệnh nhi, ba bệnh viện này đều được giao nhiệm vụ phát triển thế mạnh chuyên sâu của mình. Trong đó, Nhi Đồng 2 được ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP HCM, giao trách nhiệm trở thành trung tâm ghép tạng hàng đầu Việt Nam.
“Mỗi bệnh viện đều được giao nhiệm vụ, riêng với Bệnh viện Nhi Đồng 2, sứ mệnh được giao đó là trở thành trung tâm ghép tạng số một cả nước”, ông Đức nói, tại Lễ kỷ niệm 45 năm hình thành và phát triển Bệnh viện Nhi Đồng 2, ngày 31/5.
Bệnh viện Nhi Đồng 2 là đơn vị nhi khoa duy nhất tại khu vực phía Nam triển khai ghép gan, thận và ghép tế bào gốc cho trẻ em từ năm 2004. Trung tâm ghép tạng của bệnh viện vừa khởi công vào năm 2022, dự kiến hoàn thành vào năm 2025. Bên cạnh đội ngũ nhân viên y tế có trình độ khoa học kỹ thuật cao, trang thiết bị hiện đại, nơi này cũng phát triển được nhiều chuyên khoa như ghép tạng, chữa ung bướu, phẫu thuật thần kinh.
Năm 1988, bệnh viện đã phẫu thuật tách dính cặp song sinh Việt – Đức, là ca mổ tách dính đầu tiên ở Việt Nam, được ghi nhận vào sách kỷ lục Guinness thế giới.
Từ tháng 10/2022, việc ghép tạng tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã chậm lại do không có phòng mổ (đề án ghép tạng chưa được thông qua), nguồn tạng cho trẻ em khan hiếm, đại dịch Covid-19 làm gián đoạn công tác hỗ trợ của quốc tế. Thời điểm này, ở phía Nam tạm thời không còn trung tâm nào ghép tạng cho trẻ nhỏ. Do đó, nhiều gia đình đưa con ra Hà Nội để ghép, còn phụ huynh khác không có điều kiện đành đưa trẻ về nhà.
Theo đề án, bệnh viện sẽ xây dựng thêm hai phòng mổ đạt chuẩn dành riêng cho phẫu thuật ghép tạng. Dự kiến cuối tháng này, Sở Y tế TP HCM sẽ thẩm định, sau đó đề án được gửi đến Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế.
Nếu đề án được thông qua vào tháng 6, đơn vị này sẽ chủ động lấy tạng cho từ người lớn và ghép cho trẻ em, không còn phụ thuộc vào đơn vị khác. Khi đó, bệnh viện có thể ghép cho ba bệnh nhi một tháng thay vì chỉ được một ca như trước đó.
Ngoài ra, theo giáo sư Trần Đông A, phụ trách chương trình thành lập Trung tâm ghép tạng Bệnh viện Nhi đồng 2, nơi này đã gửi các bác sĩ đi nước ngoài học về kỹ thuật ghép tạng. Trong đó, bệnh viện chú trọng nâng cao ghép gan trẻ em với người cho sống, là kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng.
Mỹ Ý