Tăng tiết mồ hôi kèm theo mùi bất thường khiến người bệnh bối rối, mất tự tin, giảm chất lượng cuộc sống và nhiều hệ lụy khác.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Tạ Quốc Hưng và bác sĩ Lê Vi Anh, khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM.
Định nghĩa
Theo trang tin của Quỹ Giáo dục & Nghiên cứu y khoa Mayo Mỹ (MCO), tiết mồ hôi quá nhiều (Excessive sweating, hay hyperhidrosis) là mồ hôi ra nhiều hơn mong đợi trong khi nhiệt độ xung quanh hay mức độ hoạt động thể chất bình thường, người bệnh cũng không căng thẳng.
Tiết mồ hôi quá nhiều ảnh hưởng đến một số khu vực nhất định, như lòng bàn tay, lòng bàn chân, nách hoặc mặt… Tăng tiết mồ hôi có liên quan đến mùi bất thường (mùi mồ hôi của cơ thể).
Ai có nguy cơ bị tăng tiết mồ hôi?
– Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi và giới tính.
– Tuy nhiên, bệnh thường phổ biến ở tuổi dậy thì.
Nguyên nhân
– Tăng tiết mồ hôi là cơ chế tự làm mát của cơ thể. Hệ thống thần kinh tự động kích hoạt các tuyến mồ hôi khi nhiệt độ cơ thể tăng lên.
– Tăng tiết mồ hôi cũng xảy ra khi căng thẳng hay lo lắng, đặc biệt là ở lòng bàn tay. Khi mắc bệnh, các dây thần kinh chịu trách nhiệm điều khiển các tuyến mồ hôi hoạt động quá mức, dẫn đến tình trạng ra quá nhiều mồ hôi.
– Nguyên nhân khác có thể là di truyền hay mắc các bệnh như viêm khớp, căng thẳng thần kinh, chấn thương tủy sống, rối loạn hệ máu.
– Do sử dụng một số loại thuốc chữa bệnh, như thuốc trị đái tháo đường.
Triệu chứng
– Triệu chứng điển hình là tiết mồ hôi quá nhiều ở chân, tay và nách hoặc cả ba.
– Đôi khi các phần khác trên cơ thể cũng bị ảnh hưởng.
– Áo, vớ và giày có thể bị biến màu.
Chẩn đoán
– Chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh và kiểm tra thể chất.
– Các xét nghiệm máu có thể được thực hiện để loại trừ trường hợp bệnh có triệu chứng tương tự như tăng cường giáp.
Điều trị
Tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh và nhu cầu của bệnh nhân, bác sĩ đưa hướng điều trị phù hợp như:
– Sử dụng chất chống mồ hôi tại chỗ.
– Tiêm botox.
– Dùng thuốc nội khoa, thảo dược, thuốc ức chế thần kinh ngăn chặn các dây thần kinh kích hoạt tuyến mồ hôi.
– Thuốc chống trầm cảm cũng có thể làm giảm tiết mồ hôi, giúp giảm lo lắng.
– Những biện pháp trên không đạt hiệu quả, bác sĩ sẽ phẫu thuật nội soi đốt hạch giao cảm cho bệnh nhân. Tuy nhiên, phương pháp này để lại nhiều tác dụng phụ như sẹo, nhiễm trùng, tăng tiết mồ hôi nhiều vĩnh viễn ở các vùng khác trên cơ thể, chảy máu, tổn thương thần kinh, nên cần cân nhắc.
Phòng tránh
– Tránh những chất khử mùi và thuốc chống mồ hôi.
– Uống nhiều nước, mặc quần áo bằng cotton để thấm mồ hôi.
– Thay đồ và vớ thường xuyên, không mặc quần áo bằng sợi nylon hoặc sợi tổng hợp.
– Tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày.
– Quản lý stress, cần giữ cho tinh thần luôn thoải mái, tăng cường giao tiếp, xóa bỏ những mặc cảm cá nhân.
– Hạn chế thức ăn cay (hành tây, ớt, tỏi, rượu…).
– Tránh thực phẩm nhiều dầu và chất béo, thực phẩm có chứa nhiều caffein.
– Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ và nhiều vitamin sẽ giúp kiểm soát lượng mồ hôi.
Mỹ Ý