Bệnh nhân ở Hàn Quốc bày tỏ nỗi thất vọng và tức giận khi gặp khó khăn trong khám chữa bệnh khi gần 9.000 bác sĩ nội trú xin nghỉ việc trong hai ngày.
8.816 bác sĩ nội trú, chiếm hơn 70% số bác sĩ trẻ ở Hàn Quốc, đã nộp đơn xin nghỉ việc tập thể trong hai ngày qua nhằm phản đối việc chính phủ đưa ra chương trình cải cách đào tạo ngành y, kêu gọi tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y thêm 2.000 người từ năm 2025.
Hơn 7.800 bác sĩ nội trú không đến bệnh viện ngày 21/2, bất chấp lệnh gọi trở lại làm việc của chính phủ. Họ quyết định xin nghỉ việc hàng loạt do lo ngại kế hoạch tăng số lượng sinh viên trường y sẽ tác động tới chất lượng dịch vụ y tế, cũng như ảnh hưởng đến thu nhập và địa vị xã hội của họ.
Các nguồn tin y tế cho biết việc bác sĩ nội trú đồng loạt nghỉ việc đang làm dấy lên lo ngại về “khoảng trống dịch vụ y tế”, khi các phòng phẫu thuật tại 5 bệnh viện đa khoa lớn nhất ở Seoul bị giảm tới 50% công suất.
Các ca phẫu thuật bị giảm một nửa tại Bệnh viện Severance ở trung tâm Seoul. Bệnh viện St. Mary, Trung tâm Y tế Asan ở nam và đông Seoul đều giảm 30% năng lực phẫu thuật.
Bệnh nhân Kim, 38 tuổi, bị ung thư đường mật, hôm 21/2 rời khỏi Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul (SNUH) để nhập viện khác theo khuyến nghị của bác sĩ.
“Tình trạng của tôi cần được chăm sóc y tế tăng cường vì tôi bị sốt cao, nhưng hôm qua tôi đã được khuyến nghị chuyển đến bệnh viện khác”, Kim, người đã trải qua ca phẫu thuật ung thư tại SNUH, cho biết. “Nhiều bệnh nhân cho biết ca phẫu thuật của họ đã bị hủy. Nếu là họ, tôi sẽ rất suy sụp vì chỉ cần điều trị chậm trễ một chút thôi cũng có thể ảnh hưởng lớn đến diễn tiến bệnh ung thư”.
Một y tá tại bệnh viện nhi thuộc SNUH đã thông báo cho bệnh nhân và phụ huynh rằng hiện tất cả dịch vụ đều không khả dụng nếu không có bác sĩ và các ca phẫu thuật cũng như hoạt động khác sẽ chỉ được thực hiện muộn nhất vào tháng 8 nếu làn sóng nghỉ việc hiện tại của các bác sĩ nội trú tiếp diễn.
Tại bệnh viện Severance, bà mẹ người Ba Lan Kasia và con gái 11 tuổi Aniela phải chờ gần một giờ để đặt lịch hẹn tái khám cánh tay bị gãy của cô bé, do dịch vụ của bệnh viện bị đình trệ.
“Con tôi bị gãy tay ba tuần trước và hôm nay chúng tôi đến tái khám. Tôi đã đọc tin tức về cuộc đình công của các bác sĩ, nhưng không nghĩ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề như vậy”, người mẹ nói.
Một cô gái ngoài 20 tuổi bày tỏ phẫn nộ về việc các dịch vụ y tế bị trì hoãn nghiêm trọng, trong lúc xếp hàng chờ tại phòng cấp cứu bệnh viện Severance vì vết mổ của em gái cô bị hở.
Lee Jong-soo, bệnh nhân gan 56 tuổi, chỉ trích hành động của các bác sĩ nội trú. “Họ đang hành động sai. Họ không thể dùng việc này để giữ đặc quyền cho mình vào thời điểm mà chỉ tiêu tuyển sinh trường y đã không thay đổi trong thời gian dài. Hành động của họ ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh nhân và cộng đồng”, ông nói.
Uhm Hye-seop, 62 tuổi, người đi cùng bố chồng đến điều trị ung thư tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, sốt ruột chờ đợi khi nhìn chằm chằm vào bảng hiển thị thông báo thứ tự bệnh nhân vào khám.
“Chúng tôi đã phải quen với tình trạng chờ đợi khi điều trị y tế”, Uhm nói, trong khi liên tục kiểm tra xem tên bố chồng bà đã xuất hiện trong danh sách khám hay chưa. “Tôi chắc chắn tất cả bệnh nhân đều cảm thấy như vậy. Chúng tôi nghĩ cần có nhiều bác sĩ hơn”.
Huyền Lê (Theo Yonhap)