Bại não gây đa tàn tật do tổn thương não trong giai đoạn trẻ phát triển, các triệu chứng bệnh thay đổi theo tuổi và sự phát triển của não.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Lê Minh Lan Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM).
Bại não là gì?
– Thuật ngữ này chỉ một nhóm tình trạng bệnh lý gây nên bởi tình trạng tổn thương não bộ không tiến triển theo thời gian.
– Bại não gây nên bởi các nguyên nhân trước sinh, trong và sau sinh cho đến dưới 5 tuổi.
– Bại não gây tình trạng đa tàn tật về vận động, tinh thần, giác quan và hành vi…
Nguyên nhân
– Thời kỳ tiền sản:
+ Sinh non.
+ Cân nặng nhẹ hơn bình thường.
+ Nhiễm trùng bào thai.
+ Mẹ mang bầu lạm dụng thuốc.
+ Mẹ bầu ảnh hưởng từ các hoạt động va chạm mạnh dẫn đến chấn thương.
+ Thai thiếu oxy.
+ Mẹ bầu bị tiền sản giật.
– Thời kỳ mới sinh:
+ Thời gian chuyển dạ dài.
+ Sang chấn sản khoa.
+ Rối loạn nhịp tim.
+ Thai thiếu oxy não.
+ Vỡ ối sớm hơn dự kiến.
– Thời kỳ sau sinh:
+ Trẻ bị xuất huyết não, vàng da.
+ Trẻ sau sinh có dấu hiệu co giật, thiếu oxy não, chấn thương vùng đầu…
Dấu hiệu phát hiện sớm trẻ bại não
– Khi sinh ra không khóc ngay hoặc khóc yếu.
– Sau khi sinh thường mềm nhão, không vận động.
– Đầu rũ xuống, không ngẩng lên được.
– Chậm phát triển các kỹ năng vận động, chậm biết giữ đầu cổ, lẫy, ngồi, bò…
– Mất thăng bằng hoặc thiếu phối hợp cơ, có khiếm khuyết về sử dụng bàn tay trong cầm nắm và thực hiện các hoạt động.
– Khó bế ẵm, tắm rửa, thay quần áo cho trẻ vì người trẻ cứng đờ.
– Không nhận biết mẹ hoặc những người thân.
– Chậm kỹ năng giao tiếp sớm, chậm phát triển về ngôn ngữ.
– Không quay đầu đáp ứng với âm thanh, đồ chơi có màu sắc, không nhìn vào mặt mẹ, người thân.
– Không biết hóng chuyện, biểu lộ tình cảm, không thể hiện nét mặt, không dùng mắt để thể hiện vui thích.
– Phản xạ quá mức.
– Mút, bú khó khăn, hay sặc sữa.
– Run, cử động không tự chủ.
– Hay chảy dãi, khò khè, tăng tiết dịch mũi họng, có vấn đề với ruột.
– Có rối loạn cảm giác nông như nóng, lạnh, đau.
– Co giật, bất tỉnh, sùi bọt mép.
– Các biểu hiện khác: lác mắt, sụp mi, giảm, mất khả năng nhìn, nghe kém, méo miệng…
Chẩn đoán
– Đến nay chưa có phương pháp chẩn đoán chính xác tình trạng bại não.
– Quá trình bại não thường được theo dõi trong thời gian dài để xác định.
– Một số phương pháp chẩn đoán tình trạng bại não:
+ Chụp CT.
+ Điện não đồ (electroencephalogram).
+ Điện não địa hình đồ (BEAM).
+ Điện cơ đồ.
+ Sơ đồ trở kháng máu não (REG).
Điều trị
– Bại não không thể chữa khỏi.
– Điều trị sẽ được tiến hành nhằm giảm nhẹ phù hợp các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Phòng ngừa
– Hầu hết trường hợp bại não không thể phòng ngừa, song mẹ bầu có thể chủ động giảm thiểu rủi ro.
– Nếu đang mang thai hoặc dự định có thai, phải hiện các bước sau để giữ sức khỏe và giảm thiểu các biến chứng thai kỳ:
+ Tiêm phòng đầy đủ.
+ Đảm bảo sức khỏe khi chuẩn bị mang thai.
+ Thường xuyên đi khám thai sớm trước khi sinh.
– Phòng ngừa chấn thương đầu bằng cách sử dụng các thiết bị, đồ bảo hộ an toàn cho trẻ như mũ bảo hiểm khi cho trẻ ngồi xe máy, ghế ngồi ôtô riêng, mũ bảo hiểm xe đạp, thanh vịn an toàn trên giường.
– Giám sát thường xuyên khi trẻ chơi những trò chơi vận động mạnh hoặc nơi tiềm ẩn nguy cơ không an toàn.
Mỹ Ý