TP HCMBé Linh, 8 tuổi, đau bụng hai tháng, bác sĩ phát hiện các nang ruột bẩm sinh cấu tạo giống như đường ống tiêu hóa.
Trước đó, bé Linh, ngụ Gia Lai, được bác sĩ ở địa phương siêu âm ghi nhận bụng bất thường, chẩn đoán đầy hơi, chướng bụng. Bé uống thuốc hai tuần không khỏi, được gia đình đưa đến TP HCM khám.
Kết quả chụp CT tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy ổ bụng bé có nang kích thước 10x12x14 mm nằm ở ruột già (đại tràng), là dị tật ruột đôi bẩm sinh ở đường tiêu hóa, còn gọi là nang ruột đôi.
Ngày 1/2, BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, khoa Ngoại Nhi, cho biết dị tật ruột đôi có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào của đường tiêu hóa từ miệng đến hậu môn. Những nang này có cấu tạo bao gồm lớp biểu mô, cơ trơn, lớp cấu tạo giống đường ống tiêu hóa. Các nang bẩm sinh thường có chung nguồn máu nuôi với đoạn ruột bình thường.
Theo bác sĩ Trọng, tỷ lệ ruột đôi bẩm sinh được báo cáo khoảng 1/4.500, hơn 80% trường hợp xảy ra trước hai tuổi do đau bụng cấp tính hoặc tắc ruột. Vị trí phổ biến nhất là hồi tràng (chiếm 60%), trong khi khu trú ở đại tràng như trường hợp bé Linh được báo cáo khoảng 4-18%. Khoảng 1/3 số trẻ bị ruột đôi có kèm theo các dị tật bẩm sinh khác ở đường tiêu hóa hoặc đường tiết niệu. Đại tràng đôi thường liên quan đến bất thường của hệ thống sinh dục nhưng bé Linh không có bất thường ở bộ phận này.
Thông thường nếu phát hiện bệnh trễ, người bệnh có thể bị biến chứng gây xoắn ruột, lồng ruột, xuất huyết tái phát, nguy cơ hóa ác tính. Bác sĩ Trọng đánh giá bé Linh may mắn dù được phát hiện trễ, nhưng kích thước khối ruột đôi chỉ nhỏ bằng quả nhãn, chưa biến chứng.
Phương pháp điều trị dứt điểm là phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột cấu trúc bất thường và nối lại ruột.
Bé Linh được mổ nội soi cắt bỏ toàn bộ phần ruột dị dạng. Sau mổ, bé kiêng ăn hai ngày để đường tiêu hóa ổn định; xuất viện sau 5 ngày, ăn uống và sinh hoạt bình thường.
Bác sĩ Trọng cho biết đến nay vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác gây bệnh. Một số giả thuyết cho rằng do những bất thường về phát triển phôi thai tuần thứ 4 đến tuần thứ 8 của thai kỳ hình thành dị tật này.
Trường hợp bé Linh, người mẹ cho biết lúc mang thai được khám thai đầy đủ. Từ khi chào đời đến 8 tuổi, bé có vài lần được siêu âm bụng nhưng không phát hiện bất thường.
Bác sĩ Đỗ Trọng lý giải ruột đôi bẩm sinh có thể chẩn đoán trước sinh bằng siêu âm nhưng chỉ phát hiện được 20-30% trường hợp. Dị tật này thường được phát hiện trước khi trẻ hai tuổi có triệu chứng đau bụng, nôn, táo bón… Y văn ghi nhận một số trường hợp ở người trưởng thành khi có triệu chứng đau bụng hoặc phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe.
Dị tật ruột đôi bẩm sinh khó nhận biết, dấu hiệu cảnh báo cũng khác nhau tùy theo vị trí và kích thước dị dạng. Nếu xảy ra ở ngực thì trẻ có thể bị suy hô hấp; ở dạ dày, ruột gây đau bụng không rõ nguyên nhân, tắc ruột, xuất huyết đường tiêu hóa hoặc táo bón.
Bác sĩ Trọng khuyến cáo khi trẻ có biểu hiện đau bụng, bứt rứt, nôn, chậm lên cân, phụ huynh nên cho con đi khám sớm. Nhiều dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa như teo ruột bẩm sinh, thủng ruột, không hậu môn, tắc nghẽn ruột non và đại tràng… nguy hiểm cần được phát hiện sớm.
Tuệ Diễm
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |