Ths.BS Nguyễn Hy Quang, khoa Tai – Mũi – Họng, Bệnh viện E Hà Nội cho biết, khi trẻ bị đau tai, sốt cao, bố mẹ thường lo lắng cho đi khám sớm. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ không sốt hoặc sốt nhẹ thoáng qua 1 ngày, sau đó có hiện tượng ngạt mũi, chảy mũi trong thường không được thăm khám sớm, chỉ cho dùng siro giảm ho, long đờm.
Việc không cho trẻ đi khám để đánh giá tình trạng mũi họng sau 5 – 7 ngày uống siro ho tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho trẻ. Trẻ có thể mất cơ hội chữa triệt để mũi, thời gian dài phải phẫu thuật nạo VA.
Việc điều trị mũi ở giai đoạn sớm và giai đoạn muộn sau 2 tuần trở đi rất khác nhau. Ở giai đoạn sớm, khi dịch mũi mới là dịch nhầy trong, hoặc ít dịch nhầy đục, trẻ không cần dùng tới kháng sinh, có thể vượt qua với các loại siro ho, nhỏ mũi.
Khi đã có dịch mủ, ở giai đoạn đầu dịch mủ ít, việc điều trị nhanh chóng hơn, chỉ cần sử dụng kháng sinh liều thấp trong thời gian ngắn.
Ở giai đoạn muộn mũi nhiều dịch mủ, việc điều trị khó khăn, vất vả. Thời gian viêm mũi xoang càng dài, vi khuẩn càng tích tụ, phát triển sâu hơn vào các hốc xoang, niêm mạc mũi (xoang) bị viêm phù nề, thoái hóa gây cản trở sự dẫn lưu dịch.
Vi khuẩn được nhân lên nhiều, sẽ có cơ hội kết tập lại với nhau tạo thành lớp màng Biofilm, tác dụng ngăn cản kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn, khiến trẻ bị viêm mũi kéo dài hay tái phát.
“Khi trẻ bị chảy mũi, ho, việc đi khám sớm sẽ giúp giảm nguy cơ tạo Biofilm ở VA, giảm nguy cơ về sau phải phẫu thuật nạo VA do hay bị viêm”, bác sĩ Quang cho hay.
Viêm mũi nhiễm khuẩn ở trẻ em kéo dài quá 3 tháng được gọi là tình trạng mạn tính.
Khi trẻ bị viêm mũi nhiễm khuẩn mạn tính, dù được hút, rửa mũi thường xuyên vẫn ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Trẻ thường không có cảm giác thoải mái do mũi vẫn luôn ở trong tình trạng thông khí kém (dù chỉ đôi khi mới ngạt mũi).
Tuy nhiên nếu bị các đợt bội viêm, ngoài việc có thể dẫn tới viêm tai giữa, viêm amidan cấp mủ, viêm phế quản phổi, còn gặp những biến chứng cấp tính ít gặp dưới đây:
- Viêm phù nề mi mắt, viêm tấy, áp xe ổ mắt là các biến chứng thường gặp nhất.
- Viêm xoang sàng xuất ngoại vùng góc trong ổ mắt (gây rò mủ ra ngoài da) cũng là loại khá thường gặp ở trẻ em.
- Viêm màng não, áp xe não.
- Viêm tĩnh mạch xoang hang, nhiễm khuẩn huyết.
Bác sĩ Quang chia sẻ, dịch mủ thường quánh đặc hơn nên mắc kẹt ở trong các khe mũi (khe giữa, khe trên, khe dưới), bố mẹ khó hút ra nên tuyệt đối không được chủ quan dù con chỉ mới bị chảy dịch mũi trong.
Bố mẹ nên cho con đi khám khi dịch mũi đi kèm các triệu chứng sau:
– Con có dấu hiệu ấm sốt nhẹ (dù có thể chỉ sốt thoáng qua vào khoảng thời gian trong ngày, thường hay gặp buổi chiều – tối). Đây là dấu hiệu thể hiện mũi bắt đầu viêm mủ, hoặc có một nhiễm khuẩn khác ở tai giữa, amidan.
– Dịch mũi quánh hơn, chuyển sang màu trắng đục.
– Ho đờm với tiếng ho sâu, kiểu đờm đặc.
– Dễ ặm ọe, dễ nôn hơn, do dịch mủ quánh hơn chảy xuống họng gây kích thích.
– Thời gian chảy mũi trong kéo dài từ 5 ngày trở lên.