- Quán cơm đặc biệt cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại Huế
- TP.HCM: Tìm người từng đến 2 quán cơm liên quan đến bệnh nhân Covid-19
- Quán cơm giá 2.000 đồng/suất đầu tiên ở Bình Định
- Tiền Giang trao 203 suất học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Được người dẫn đường, chúng tôi đi theo đường tổ 13, ấp 1, xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, qua 2 khúc cua khoảng gần 400m mới đến được bếp ăn mang tên tổ “Bát cháo nghĩa tình”. Đây là nơi mà gần 6 năm qua, đều đặn vào sáng thứ 4, thứ 6 hàng tuần cung cấp từ 250- 300 suất ăn sáng cho bệnh nhân và người nhà ở Bệnh viện Quân Y 120.
Tổ “Bát cháo nghĩa tình” thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam và Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ phía Nam. Trước khi gia nhập Hội, tổ là tập hợp của các chị, các em thuộc ấp 1 xã Đạo Thạnh góp sức, góp tiền, góp nông sản nhà trồng được để nấu suất ăn chay phát cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ở cổng sau Bệnh viện Quân Y 120.
Sau thời gian hoạt động tự phát tại nhà các chị hơn 2 năm, Tổ đã có “cơ ngơi” riêng là căn nhà cấp 4 mà phần đất là do gia đình một thành viên nhượng lại với giá ưu đãi. Tiền cất nhà, mua sắm vật dụng cụ nhà bếp do nhóm chung sức góp vào. Dưới sự bảo trợ của 2 hội, tổ đã hoạt động ngày càng quy củ hơn.
Tấm lòng dành cho bệnh nhân nghèo
Đến hẹn lại lên, cứ trước 4 giờ sáng, các thành viên của nhóm tập trung tại địa điểm quen thuộc, rồi cùng nhau làm công việc thầm lặng, chứa đầy tình yêu thương. Mỗi người một việc, người nấu, người vô những phần thức ăn vào hộp, người chuyên chở… để có được những suất cơm ấm nóng, kịp chuyển đến tay các bệnh nhân lúc 6 giờ sáng.
Để chuẩn bị cho buổi phát phần ăn, tổ đã đi chợ, sơ chế từ chiều hôm trước. Hễ có tổ chức, cá nhân nào muốn tặng thức ăn các chị cũng báo rõ ngày tổ chức nấu để không phải dự trữ thức ăn nhiều ngày làm giảm phẩm chất.
Chị Trần Thị Tuyết Mai bếp trưởng “với phương châm, không để người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đơn độc trong cuộc chiến chống lại bệnh tật, chúng tôi kết hợp với Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi cùng Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ khu vực phía Nam tổ chức nấu những ‘Bữa cơm nghĩa tình’. Những suất ăn miễn phí không lớn nhưng ấm áp tình người, phần nào giúp bệnh nhân vơi đi gánh nặng cơm áo”.
Chị Ngô Thị Nga chia sẻ, nhóm chúng tôi tự bảo ban nhau, sắp xếp công việc nhà để đến với bếp. Để có những suất cơm ngon, đảm bảo dinh dưỡng, mỗi suất ăn đều được lên thực đơn, chế biến với quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi người trong tổ chúng tôi có một hoàn cảnh, điều kiện cuộc sống khác nhau. Không ít chị cũng lo công việc gia đình, cuộc sống riêng. Tuy nhiên, với tâm niệm sẻ chia khó khăn cùng bệnh nhân nghèo, ngọn lửa của thiện tâm, tổ vẫn duy trì bếp đỏ lửa 2 ngày trong tuần gần 6 năm qua.
Ấm lòng những phần ăn sáng
Bếp trưởng phụ trách chung là chị Trần Thị Tuyết Mai. Ở cái tuổi ngoài 60 chị Mai vẫn nhanh nhẹn trong các hoạt động: lên thực đơn trong tuần, nấu ăn, gọi người giúp chuyển thức ăn để phát.
Mang tên là tổ “Bát cháo nghĩa tình” nhưng bếp nấu đủ các món ăn sáng như: cơm, bánh canh, cháo, bánh mì…Tổ có 12 thành viên chính thức được cấp thẻ của Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ phía Nam nhưng số thành viên tình nguyện đã lên đến 27 người. Mỗi lần tổ cung cấp 250 – 300 phần ăn được luân phiên thay đổi gồm: cháo, cơm, bánh mì, bánh canh. Mỗi suất trị giá 20 – 25 nghìn đồng.
Nguồn kinh phí được thành viên tự đóng góp hoặc kêu gọi, vận động từ các nhà hảo tâm. Có người tài trợ tiền mặt, có người góp gạo, góp thực phẩm. Các hoạt động đều công khai minh bạch, những khoản vận động, đóng góp cũng như chi tiêu cho hoạt động này.
Còn chị em ở ấp 1 xã Đạo Thạnh thì sang phụ khâu sơ chế, nấu. Phần chuyên chở được các chị “tận dụng” nam thanh niên là con, cháu…nhằm tiết kiệm chi phí.
Đúng 6 giờ sáng, những suất ăn được đóng gói gọn gàng. Tại cổng sau bệnh viện Quân y 120 có đông người chờ đợi để nhận, những suất cơm ấm nóng, đủ dinh dưỡng chỉ phát trong 15-20 phút là hết.
Cầm trên tay phần cơm còn nóng hổi, chị Lê Thị Mỹ Linh chăm sóc người nhà bị bệnh ở đây cho biết, chị rất cảm ơn nhóm cùng nhà hảo tâm, những người tình nguyện đã giúp chị có phần ăn sáng thật ngon, giúp chị đỡ phần kinh phí khi nuôi bệnh nhiều ngày ở đây.
Ân cần trao tận tay bệnh nhân, người nhà bệnh nhân những hộp cơm nóng hổi, các thành viên cho biết: “Chúng tôi hiểu và đồng cảm với những người dân bị đau ốm phải nằm viện. Mỗi suất cơm trị giá không lớn nhưng đã đem đến cho người bệnh đang điều trị tại đây món quà tình cảm vô cùng lớn. Đó hơn hết là sự sẻ chia, nguồn động viên tinh thần, giúp cho họ có thêm sự lạc quan, niềm tin vào cuộc sống, vững vàng hơn trên con đường chiến đấu với bệnh tật”.
6 năm hoạt động có hơn 150 ngàn suất ăn sáng được trao tặng. Những suất ăn sáng ấy không chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ một phần giá trị vật chất, sự sẻ chia, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn mà còn mang đậm giá trị truyền thống “lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái” tốt đẹp của dân tộc ta. Ngoài nấu ăn, tổ còn tổ chức những chương trình thiện nguyện tặng quà, nấu ăn cho một số nơi