Sự phát triển của công nghệ thông tin và các ứng dụng trên không gian mạng đã làm thay đổi bộ mặt của xã hội. Hiện Việt Nam được đánh giá là một trong 20 nước có tỉ lệ sử dụng Internet nhiều nhất trên thế giới với khoảng 68,7 triệu người dùng (chiếm 70,3% dân số). Khoảng 94% người dùng Việt Nam sử dụng Internet thường xuyên với thời gian sử dụng trung bình lên tới 6 giờ mỗi ngày[1]. Trước đây, với mỗi “lá thư tay” được gửi đi qua đường bưu chính phải mất vài ngày thì ngày nay con người có thể gửi cả nghìn trang văn bản trong vòng vài giây, cách xa hàng nghìn km qua mạng thông tin toàn cầu Internet. Do đặc thù của Internet là tốc độ truyền tải xoá nhoà ranh giới thời gian và không gian, nên những thông tin, quan điểm cá nhân “chẳng biết đúng sai”, “không rõ thật hay giả”, “chẳng biết từ đâu”… trên MXH có khả năng ảnh hưởng nhanh, sâu và rộng đến nhiều đối tượng. MXH đang ngày ngày len lỏi vào đời sống của nhân dân như một công cụ thiết thực để kết nối thông tin, giải trí, chia sẻ giá trị và kinh doanh. Đối với mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, Internet và MXH đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, chính vì vậy hằng ngày con người tương tác và tiếp nhận thông tin trên không gian ảo, từ đó dần dần hình thành nhận thức và từ đó hành vi tạo ra ảnh hưởng thực sự tới xã hội thật, không gian thật.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt đội danh dự. (Nguồn: TTXVN)
Thuật ngữ thông tin đối ngoại (TTĐN) được đề cập xuyên suốt trong các văn bản chỉ đạo của Đảng như Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13/6/1992 Ban Bí thư Khoá VII “Về đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại”; Chỉ thị số 10-CT/TTg ngày 26/4/2000 Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường quản lý và đẩy mạnh công tác TTĐN”; Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 10/9/2008 Ban Bí thư Khoá X về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác TTĐN trong tình hình mới”. Tuy nhiên, đến năm 2010, khái niệm về TTĐN mới được nêu tại Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý nhà nước về TTĐN. Theo đó, TTĐN là thông tin quảng bá hình ảnh quốc gia, đất nước, con người, lịch sử, văn hóa, dân tộc Việt Nam; thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước Việt Nam ra thế giới và thông tin về thế giới vào Việt Nam.
Dấu mốc quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về TTĐN là năm 2015, khi Bộ TTTT chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2015/NĐ-CP ngày 07/9/2015 về quản lý hoạt động TTĐN, đây là một “Nghị định không đầu”, là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao nhất cho tới nay trong quản lý hoạt động TTĐN nói riêng cũng như trong quản lý nhà nước về TTĐN nói chung, làm cơ sở triển khai thống nhất các hoạt động TTĐN trên phạm vi cả nước. Theo đó, “thông tin đối ngoại bao gồm thông tin chính thức về Việt Nam, thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam và thông tin tình hình thế giới vào Việt Nam” và hoạt động thông tin đối ngoại bao gồm cung cấp thông tin chính thức về Việt Nam, thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam, thông tin tình hình thế giới vào Việt Nam và thông tin giải thích, làm rõ.
Giám sát, phản ứng sự cố an toàn thông tin 24/7 của Viettel Security. (Ảnh: VGP)
Còn khái niệm không gian mạng và mạng xã hội là gì? Theo khoản 3, Điều 2 Luật An ninh mạng năm 2018, không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.
Theo Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, mạng xã hội (MXH) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác. Như vậy, có thể hiểu, MXH là một bộ phận của không gian mạng.
Bảo vệ Tổ quốc, chống lại sự xâm lược từ bên ngoài là chức năng đối ngoại quan trọng nhất của bất cứ nhà nước nào. Ở nước ta, dựng nước và giữ nước luôn luôn đi đôi với nhau, là một đặc trưng của lịch sử dân tộc ta. Vì vậy, đối với Nhà nước ta, vấn đề bảo vệ Tổ quốc luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Ngay từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của nhân dân ta được xác định là: chống giặc ngoại xâm, bảo tồn nền độc lập dân tộc. Vì vậy, trong Lời nói đầu của Hiến pháp năm 1946, Quốc hội đã xác định: “Nhiệm vụ của dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ”.
Tại Chương II của Hiến pháp năm 1946, có 4 nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam thì 2 nghĩa vụ là bảo vệ Tổ quốc và nghĩa vụ đi lính. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn tổng phản công, Nhà nước ta còn quy định thêm nghĩa vụ kháng chiến.
Sau khi hoà bình được lập lại ở miền Bắc, miền Nam còn tạm thời bị chiếm đóng, Nhà nước ta vẫn coi bảo vệ Tổ quốc là một trong những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Năm 1959, Quốc hội thông qua Hiến pháp trong đó có quy định:
“Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và cao quý nhất của công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Công dân có bổn phận làm nghĩa vụ quân sự để bảo vệ Tồ quốc” (Điều 42 Hiến pháp năm 1959).
Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, mặc dù đất nước đã được độc lập, thống nhất, bảo vệ Tổ quốc vẫn là một trong những nhiệm vụ chiến lược và được Quốc hội khoá VI dành ra một chương riêng (Chương IV) của Hiến pháp năm 1980 để quy định những vấn đề cơ bản nhất trong việc bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, từ Hiến pháp năm 1980 đến nay, Nhà nước và nhân dân ta đã có một nhận thức mới về bảo vệ Tổ quốc là: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quỷ của công dân” (Điều 45 Hiến pháp năm 2013).
Như vậy, bảo vệ Tổ quốc không chỉ là nghĩa vụ mang tính bắt buộc mà còn là quyền cơ bản của công dân mang tính tự giác. Nhận thức mới này bắt nguồn từ thực tiễn của xã hội Việt Nam: dựng nước và giữ nước; độc lập dân tộc và hạnh phúc của mỗi gia đình, cá nhân… luôn gắn liền với nhau.
Bộ Quốc phòng nghiệm thu đề tài “Nâng cao ý thức bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng trong Quân đội nhân dân Việt Nam”
Ngày nay, vấn đề bảo vệ Tổ quốc cũng là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh các thế lực thù địch tiếp tục chống phá, kích động bạo loạn, đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hoà bình”. Vì vậy, trong Hiến pháp năm 2013 vẫn có một chương (Chương IV) để quy định về “bảo vệ Tổ quốc”. Bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc gắn liền với nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, giữ vững an ninh quốc gia, Nhà nước ta chủ trương: “… củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhăn dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hoà bình ở khu vực và trên thế giới. Cơ quan, tổ chức, Công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ” (Điều 64 Hiến pháp năm 2013).
Như vậy, củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân là phương châm để bảo vệ Tổ quốc và an ninh quốc gia. Phương châm này bắt nguồn từ bản chất giai cấp của Nhà nước ta – Nhà nước của dân, do dân và vì dân, cũng như từ thực tế của hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Với tư tưởng chỉ đạo: lấy dân làm gốc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và an ninh quốc gia, Nhà nước ta xác định đó là sự nghiệp của toàn dân. Vì vậy, nhà nước phải phát huy được sức mạnh tổng họp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, từng bước tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh của đất nước, xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân, nâng cao chất lượng các lực lượng vũ trang nhân dân, ngăn ngừa và làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động gây mất ổn định chính trị, xã hội, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ngăn chặn và trừng trị có hiệu quả các loại tội phạm, bảo đảm tốt trật tự, an toàn xã hội. Để đảm bảo quốc phòng, an ninh, cần thiết phải: (1) kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam hiện nay là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; (2) kết hợp quốc phòng và an ninh với kinh tế; (3) gắn nhiệm vụ quốc phòng với nhiệm vụ an ninh; (4) phối hợp chặt chẽ hoạt động quốc phòng và an ninh với hoạt động đối ngoại; (5) củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia phải được coi là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, toàn quân và toàn dân; (6) tăng cường quản lý nhà nước về quốc phòng và an ninh; (7) tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội và công an, đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng và an ninh; (8) củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tàng lớp trí thức làm nền tảng; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong bảo vệ Tổ quốc và an ninh nhân dân.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia – dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Như vậy, mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ của quốc phòng, an ninh tiếp tục được Đảng ta khẳng định nhất quán, xuyên suốt, nhưng có sự bổ sung rõ hơn, toàn diện hơn cả về nội hàm và phạm vi bảo vệ. Điểm nhấn ở đây được văn kiện lần này chỉ rõ: Mục tiêu bảo vệ Tổ quốc không đơn thuần là để ứng phó với chiến tranh; mà vấn đề quan trọng và thiết yếu hơn là, tạo ra sức mạnh để giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, nhằm xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, tại bài viết này, khái niệm bảo vệ Tổ quốc được hiểu là xây dựng, phát triển đất nước, phản bác, chống lại các quan điểm sai trái của thế lực thù địch trên không gian mạng.
Hiện nay, với đặc điểm tình hình mới: (1) cạnh tranh về thông tin với sự tham gia của công nghệ hiện đại, nguy cơ về chiến tranh thông tin, tâm lý chiến; va chạm về lợi ích giữa các nước sẽ chuyển từ thực địa, vũ trang, pháp lý sang mặt trận thông tin, tuyên truyền – điển hình Tam chủng chiến pháp của Trung quốc đối với Biển Đông; (2) an ninh phi truyền thống, vấn đề dân chủ, nhân quyền tiếp tục xu thế áp đảo so với an ninh truyền thống. Bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện tại bao gồm cả tuân thủ tốt pháp luật quốc gia và quốc tế, thực hành tốt các chuẩn mực pháp lý và vận dụng, dẫn dắt, chủ động tham gia tạo lập luật chơi quốc tế; (3) Việt Nam ở vị trí địa chính trị quan trọng tiếp tục đặt trước các nguy cơ mà thông tin tuyên truyền nói chung và TTĐN nói riêng sẽ là mặt có nhiều cọ xát, buộc phải có nhiều nỗ lực hơn để bảo vệ Tổ quốc hiệu quả từ sớm, từ xa.
Một số vấn đề về không gian mạng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam:
Không gian mạng đã và đang mang lại nhiều giá trị tích cực cho sự phát triển của xã hội, tổ chức và cá nhân. Không gian mạng góp phần giúp con người tương tác đa chiều hơn, phản ánh sinh động, tức thời hơn với mọi mặt đời sống và các mối quan hệ xã hội. Chính điều này đã biến không gian mạng trở thành không gian xã hội mới, nơi con người có thể thực hiện các hành vi mang bản chất xã hội của mình, như giao tiếp, sáng tạo, lao động, sản xuất, tiêu dùng, học tập và vui chơi giải trí, không bị giới hạn bởi địa lý, ngôn ngữ, không gian và thời gian.
Tuy nhiên, do có tính mở, với đặc trưng tự do, đa dạng, bình đẳng, nhiều khi bị xóa nhòa ranh giới giữa thực và ảo, do vậy không gian mạng mang đến không ít thách thức đối với việc bảo vệ đất nước. Không gian mạng đồng thời chứa đựng nhiều thông tin giả mạo, sai sự thật, không được kiểm chứng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức. Tình trạng nhiễu loạn thông tin, tung tin đồn thất thiệt, giật gân nhằm thu hút sự chú ý trên không gian mạng ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng. Không gian mạng đã và đang trở thành công cụ lợi hại hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, chuyển hóa chính trị, khủng bố.
Hiện nay, thường xuyên có khoảng trên 3.000 trang blog, gần 500 trang fanpage của Facebook; trên 100 trang Youtube và gần 10.000 tài khoản Facebook đăng tải hàng trăm nghìn tin, bài có nội dung xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước; vu khống, bôi nhọ, xúc phạm các tổ chức, cá nhân các đồng chí lãnh đạo.
Để tuyên truyền những quan điểm sai trái, các thế lực thù địch ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn, phương thức khác nhau, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là đối tượng trẻ. Cụ thể nhận diện qua:
– Về mục tiêu: đả kích nền tảng tư tưởng của Đảng, vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, mục tiêu, con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
– Về nội dung: (i) tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, bôi nhọ chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; (ii) phát tán nhiều thông tin xấu độc trên không gian mạng về các vấn đề liên quan đến lý lịch, thân thế, sự nghiệp của lãnh tụ, lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước nhằm bôi nhọ danh dự, uy tín của lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; (iii) xuyên tạc, phủ nhận quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hiện nay, nhất là đường lối đổi mới của Đảng; (iv) phủ nhận những thành tựu đã đạt được trong các cuộc chiến tranh đã qua và trong công cuộc đổi mới, bóp méo thực tế những hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội, những sơ hở thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật hoặc những vụ việc phức tạp nảy sinh trong dân tộc, tôn giáo nhằm kích động, lôi kéo các tầng lớp nhân dân vào các hoạt động biểu tình, gây mất an ninh, chính trị trật tự an toàn xã hội; (v) tuyên truyền, kích động, lôi kéo, tập hợp dư luận, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
– Về hình thức và phương tiện: với sự phát triển của khoa học công nghệ, nền tảng MXH, các hình thức và phương tiện tuyên truyền, phát tán những thông tin xấu, độc, xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch ngày càng phong phú, đa dạng và tinh vi, trong đó chủ yếu qua các phương tiện như: (i) các đài phát thanh chương trình Việt ngữ, hàng trăm báo, tạp chí, nhà xuất bản tiếng Việt; (ii) hàng nghìn website giả danh; (iii) blog, nền tảng MXH; (iv) livestream (tường thuật trực tuyến) hoặc thông qua các dịch vụ hội thoại (chat), trao đổi trực tuyến, diễn đàn trên mạng (forum). Hội thoại trực tuyến bao gồm cả hội thoại dùng chữ (text), dùng lời (voice), dùng hình ảnh (video); (v) email…
– Thời điểm: lợi dụng các sự kiện chính trị – xã hội “nhạy cảm” như: việc bắt, xử lý số cán bộ cao cấp về tội tham nhũng; xét xử số đối tượng chống đối vi phạm pháp luật, hoặc trước và sau các kỳ Đại hội các cấp.
– Đối tượng hướng đến: hoạt động tuyên truyền chống phá của các thế lực phản động chủ yếu là hướng đến trí thức, văn nghệ sĩ; cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ hưu trí, cán bộ, đảng viên có biểu hiện bất mãn, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa; thế hệ trẻ, nhất là học sinh, sinh viên; người lao động… hoặc móc nối, lôi kéo các đối tượng cơ hội chính trị có cả cán bộ đương chức, có tướng lĩnh đã nghỉ hưu và thành phần chống đối trong trí thức, văn nghệ sĩ tăng cường chống Đảng, cổ xúy cho “dân chủ tư sản”, “xã hội dân sự”, “xã hội dân chủ”…
(còn nữa)
Tác giả:
Đinh Tiến Dũng – Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TTTT
Mai Thị Thu Lan – Chuyên viên Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TTTT