Như chúng ta đã biết, sự gia tăng các nguồn thải từ lục địa, đặc biệt là theo các dòng chảy từ sông ra biển dẫn đến môi trường biển nhiều nơi đang có xu hướng suy giảm về chất lượng. Nhiều vùng cửa sông ven biển đã bị ô nhiễm do nước thải công nghiệp, đô thị. Tình trạng xả thải các chất thải chưa qua xử lý hay xử lý chưa đạt quy chuẩn diễn biến ngày càng phức tạp, gây thiệt hại về kinh tế, đời sống, sinh kế cộng đồng dân cư ven biển và những tổn hại khó lường đối với hệ sinh thái biển.
Môi trường biển đang bị ô nhiễm
Tình trạng ô nhiễm chất thải hữu cơ và các chất thải khác đã và đang diễn ra ở các tỉnh, thành ven biển, đặc biệt là vùng cửa sông chảy ra biển. Đối với các nguồn thải trên biển, nguồn thải từ hoạt động nuôi trồng thủy sản và hoạt động từ du lịch biển có mức độ tác động lớn nhất và là nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường cục bộ tại một số vùng ven biển. Bên cạnh đó, sự gia tăng chất thải nhựa đại dương những năm gần đây trở thành vấn đề toàn cầu và là áp lực lớn trong quản lý chất thải trên biển. Cùng với phát triển kinh tế biển, sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp, khai thác và nuôi trồng thủy sản, việc tập trung dân cư, quá trình đô thị hóa tại các vùng ven biển đã và đang tạo nhiều áp lực đến môi trường biển do sự gia tăng lượng nước thải, chất thải rắn cũng như nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên. Như vậy, có thể thấy lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom xử lý rất thấp, chưa kể lượng nước thải sinh hoạt nông thôn ven biển chưa được kiểm soát và các nguồn thải từ các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội đang là một trong những áp lực lớn với môi trường nước biển. Rác thải ra biển không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, còn ảnh hưởng đến hoạt động khai thác đánh bắt hải sản và ngành du lịch của tỉnh Bình Thuận.
Với 192 km chiều dài bờ biển, tỉnh Bình Thuận có lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế biển, trong đó có hoạt động khai thác hải sản. Mặc dù đã tăng cường công tác tuyên truyền cũng như tổ chức nhiều đợt ra quân thu gom rác thải, thế nhưng, hiện nay nhiều khu vực ven biển của tỉnh vẫn đang bị ô nhiễm môi trường bởi thói quen vứt rác bừa bãi của người dân. Mỗi khi tới mùa gió nam, rác thải từ ngoài khơi tấp vào ven bờ và khiến cho nhiều bãi biển đẹp, thơ mộng trở nên ô nhiễm. Ngoài ra, rác thải sinh hoạt tại các khu vực bờ biển, các khu dân cư ven biển chưa được thu gom triệt để dẫn tới tình trạng xả rác thải ra ven biển, ven sông. Bên cạnh đó vẫn còn các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, thủ công nằm xen kẽ trong khu dân cư ven biển có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường chưa được di dời hoặc chuyển đổi công nghệ mới. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh chưa đầu tư đúng mức các công trình xử lý nước thải, khí thải, chưa đảm bảo đúng quy chuẩn của Nhà nước…
Phê duyệt chiến lược bảo vệ môi trường biển và hải đảo
Để góp phần tạo diện mạo mới, nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân ven biển và hải đảo, các sở ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó còn tập trung xử lý các khu vực ô nhiễm môi trường, tăng cường thanh tra, kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường biển và hải đảo đối với các cơ sở kinh doanh ven biển cũng như xử lý, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, gây ô nhiễm môi trường biển và hải đảo. Ngày 3/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 48 của Chính phủ phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó sẽ phân vùng sử dụng không gian biển, từng bước khắc phục những mâu thuẫn, chồng chéo về lợi ích khai thác, sử dụng tài nguyên giữa các ngành, các cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và sinh kế của người dân, bảo đảm môi trường biển, các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo được bảo vệ hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Thực hiện các mục tiêu bảo đảm quốc phòng, an ninh, khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản và bảo tồn các di sản văn hóa biển. Hạn chế các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên bằng các công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, gây tổn hại đến tài nguyên, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học. Bên cạnh đó tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định quốc tế về phát triển bền vững của các ngành kinh tế biển… Bảo vệ môi trường biển và hải đảo, thực hiện định kỳ công tác điều tra, thống kê, phân loại, quan trắc và đánh giá các loại hình ô nhiễm, tình trạng ô nhiễm, nguồn gây ô nhiễm môi trường biển. Đẩy mạnh điều tra, đánh giá sức chịu tải môi trường, xác định cấp độ rủi ro ô nhiễm môi trường biển cho phát triển kinh tế biển…