Miền núi Thanh Hóa là địa bàn cư trú lâu đời của hơn 1 triệu người, trong đó có hơn 60 vạn người là đồng bào Mông, Dao, Khơ Mú, Thái, Mường, Thổ sinh sống. Người Mông sống ở rẻo cao; người Khơ Mú, người Dao và người Thái sống ở rẻo giữa; người Mường và người Thổ sống ở miền đồi núi thấp.
Tiết mục múa bát của dân tộc Dao, thôn Bình Yên, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy).
Đồng bào các dân tộc miền núi tỉnh Thanh là chủ nhân của những giá trị văn hóa dân gian khá phong phú, đặc sắc. Trong kho tàng truyền thuyết, truyện cổ bắt gặp cây Thần như cây Si trong mo Đẻ đất đẻ nước của người Mường cành ngả ra tới đâu thành bản, thành làng tới đó. Mụ Dạ Dần, nữ thần sáng tạo, truyền nghề cho bản gần, mường xa. Hệ thống các nhân vật khổng lồ như: ông Thu Tha, bà Thu Thiên của người Mường; Ải Lậc Cậc, Khăm Panh… của người Thái lập nên những chiến công và kỳ tích phi thường, sáng tạo ra muôn vật, dạy cách trồng trọt, truyền nghề, đánh đuổi kẻ thù bảo vệ cuộc sống…
Đối mặt với thiên nhiên và môi trường sống khắc nghiệt, qua quá trình lao động, đồng bào đã đúc rút và tích lũy được nhiều kinh nghiệm sống. Những bài học đó đã được họ ghi nhớ và trao truyền bằng những câu tục ngữ, thành ngữ cô đọng: Đào giếng mà uống/ Vỡ ruộng mà ăn. Lời đồn xa chỉ nghe một nửa. Nói nhau đừng nói nặng/ Mắng nhau đừng mắng đau/ Đời còn có lúc thương nhau trở lại.
Vốn tri thức dân gian, kinh nghiệm trong sản xuất và ứng xử trong cuộc sống cũng được đồng bào các dân tộc rất coi trọng: Chớ làm rẫy ở bãi cỏ gianh/ Chớ làm nương nơi đá sỏi. Chân vấp đừng đổ tại đá/ Mà chỉ tại chân ta không nhấc cao. Nhổ nước bọt phải nhìn xuống sàn/ Ngồi xổm phải xem mép váy… Truyền dạy chữa trị các chứng bệnh bằng cây thuốc cỏ, cách phòng trị bệnh theo mùa.
Từ bao đời nay, đồng bào các dân tộc với khả năng sáng tạo và khiếu thẩm mỹ tinh tế đã làm nên nhiều sản phẩm thêu dệt đẹp và nổi tiếng. Đặc biệt những làng nghề như: bản Lặn, bản Ban, Năng Cát, bản Sáng… (dân tộc Thái); làng Lú Khoen, Cao Ngọc, Tran Hạ (dân tộc Mường); Hạ Sơn, Pù Nhi, Cẩm Bình (dân tộc Dao); Pù Toong, Pù Nhi, Pom Puôi (dân tộc Mông)… là những làng nghề với nhiều nghệ nhân thêu dệt rất tài tình. Từ nguyên liệu là tơ, đay, gai, phẩm nhuộm… sản vật tự nhiên từ núi rừng, qua bàn tay tài khéo của các bà, các chị, các em gái và nghệ nhân đã trở thành sản phẩm bền đẹp, có giá trị mỹ thuật cao. Những thổ cẩm thêu dệt trên váy áo của phụ nữ Mường, Thái, Mông, Dao và những tấm phá, gối, đệm, khăn, y phục của các cô dâu, chú rể trong ngày cưới, đặc biệt là bộ lễ phục của các ông Mo, bà Máy, trang phục của chủ lễ trong các lễ hội Pồn pôông, Tết nhảy, Kin chiêng boọc mạy; các cuộc tế lễ như cấp sắc, tết nhảy, làm vía,… với đủ mọi sắc màu và hoa văn tuyệt mỹ được kết tinh không chỉ bằng sự lao động bền bỉ, miệt mài, nhẫn nại mà còn thể hiện sự sáng tạo của tư duy và bàn tay tài khéo của đồng bào các dân tộc nơi miền non cao. Những sản phẩm này vừa phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt thường ngày và được du khách trong và ngoài nước ham thích, ưa chuộng.
Sông Mã, sông Chu không chỉ mang lại dòng nước mát lành và sa bồi tươi tốt cho những ruộng lúa, nương ngô mà trên dòng sông ấy đã ngân vang những câu ca thiết tha đằm thắm, chứa chan sâu nặng nghĩa tình về tình đất, tình người. Đồng bào các dân tộc thiểu số bao đời nay cư trú trên đôi bờ sông soi hình bóng núi có vốn tri thức văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc và phong phú như: Khặp (Thái); Xường rang, Bọ mẹng (Mường); Pả dung (Dao); hát Tơm (Khơ Mú); những làn điệu gầu Tào, gầu Plềnh… của các thế hệ đi trước truyền lại thành những áng dân ca trữ tình đặc sắc của người Mông… Hát giao duyên, dân ca nghi lễ, hát đối đáp, hát ru… là lời ca phản ánh điệu hồn của đồng bào miền núi với nhiều cung bậc tình cảm tinh tế, thiết tha mà đằm thắm.
Cùng với các làn điệu dân ca, những chủ nhân ở miền non cao cũng sáng tạo nên những vũ điệu dân gian không kém phần phong phú và đặc sắc. Đồng bào Thái có múa quạt, múa nón, nhảy sạp, múa kiếm, trò diễn Kin chiêng boọc mạy, múa Cá Sa. Đồng bào Mường có múa Pồn pôông. Người Dao có múa săn ba ba, lễ cấp sắc, múa chuông, múa bát,… Người Mông có múa ô, múa khèn… Những loại hình hát múa dân gian của đồng bào các dân tộc chính là cơ sở để hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu của dân tộc.
Về âm nhạc, đồng bào Mường có cồng chiêng, đàn đỉnh. Tộc người Thái có trống chiêng, Khua luống (Khua luống với 12 điệu luống như: Loong ton khộch (luống đón khách) vui tươi, rạo rực; điệu Loong pạt, Loong xoỏng, Loong xảm, Loong pạc xạc: mừng được mùa, đập lúa đêm trăng). Cùng với luống khua rộn rã, tiếng gõ Boong bu, tiếng cồng chiêng diễn tả đi săn, hái lượm, bắt cá, bẫy chim, thú…, người Mông có kèn lá, kèn môi, khèn. Người Mông cũng lưu truyền cách biểu diễn kèn lá trong những lúc lên nương, đi chợ, thăm nhà nhau… Bất cứ ở đâu hay lúc nào, chàng trai, cô gái Mông đều có lá cây để trình tấu kèn lá. Họ bày cho nhau cách thổi, cách chọn lá, cách vuốt lá cho mềm. Ông bà truyền cho con cháu, con cháu truyền cho bầu bạn. Đồng bào còn sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ dây, gõ, hơi… với muôn sắc màu và cung bậc tình cảm phong phú.
Về tín ngưỡng, với quan niệm vạn vật hữu linh, đồng bào có các nghi lễ thờ đá, thờ cây, thờ nguồn nước, thần núi, thờ mẫu, tri ân và tôn thờ những người có công với dân, với nước như: Nàng Han, Khằm Ban, Tư Mã Hai Đào, Lê Lai, Lê Phúc Thành, Hà Công Thái…
Sống trong môi trường tự nhiên và các sản phẩm do núi rừng mang lại, qua chế biến của đồng bào đã làm nên văn hóa ẩm thực mang hương vị núi rừng phong phú và đặc sắc. Thưởng thức các món ăn thường ngày của đồng bào với: cơm đồ, cơm lam, canh đắng, canh uôi, canh lóng, ca nướng, lợn thui… Miền núi Thanh Hóa còn có các sản vật ẩm thực nổi tiếng như: quýt vòi (Bá Thước, Ngọc Lặc); măng nứa, măng mai (Lang Chánh, Quan Sơn); mía Kim Tân (Thạch Thành) mềm, ngọt, giòn và mát; vịt Trạc Nhật, Cổ Lũng, cá lăng (Quan Hóa, Cẩm Thủy); quế Thường Xuân; chè Tán Ma (Quan Hóa); nếp hương cau, nếp cái hoa vàng… là những sản phẩm từ xa xưa đến nay nổi tiếng và được mọi người rất yêu thích. Đồng bào Thái các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước… có loại rượu cần được ủ kỹ trong chĩnh, vò được làm từ lá cây rừng trộn với gạo nếp, sắn, ngô… Uống rượu cần với lời khặp tâm tình, tiếng khèn bè xao xuyến, vừa uống rượu, vừa uống tình nồng đã trở thành văn hóa rượu cần làm mềm lòng du khách. Văn hóa ẩm thực của đồng bào miền núi tỉnh Thanh đã và đang góp phần làm cho cuộc sống giàu thêm dư vị, hương sắc gắn với phát triển văn hóa – du lịch được du khách trong nước và quốc tế yêu thích.
Mỗi làng bản ở miền núi tỉnh Thanh đều gắn với một địa danh lịch sử. Với hàng trăm di tích và danh lam thắng cảnh, ở đó không chỉ chứa đựng những giá trị văn hóa vật thể quý giá và đặc sắc, mà chính ở các di tích này còn ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu như: thần tích, huyền thoại, tục ngữ, ca dao, lễ tục, lễ hội, văn hóa ẩm thực, các nghi lễ, tục kiêng khem, tri thức dân gian, y học với những cây thuốc cỏ… gắn với địa bàn, môi trường sống và nhân vật thờ phụng,… trầm tích lịch sử, văn hóa, tô đẹp cho truyền thống dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc.
Những giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào miền núi tỉnh Thanh được tích hợp từ hàng nghìn năm, góp phần hình thành phẩm chất tốt đẹp của con người xứ Thanh nói chung, đồng bào miền núi nói riêng: anh dũng, quật cường, vượt lên gian khó để chiến thắng thiên tai, địch họa; giàu lòng nhân ái, vì nghĩa lớn, vì lợi ích và sự trường tồn của cộng đồng. Những giá trị văn hóa đó cần được bảo tồn và phát huy, góp phần xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu.
Bài và ảnh: Hoàng Minh Tường