Những năm qua, tỉnh An Giang đã thực hiện tốt các chương trình, chính sách liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá đặc trưng của đồng bào Khmer.
Đặc biệt, việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) đã hỗ trợ nguồn lực quan trọng và tiếp thêm động lực cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào gắn với phát triển du lịch.
Lễ cưới của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở xã Núi Tô (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) diễn ra rộn ràng, giảm bớt những hủ tục so trước đây. (Ảnh: Phương Nghi) |
Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
Vào những dịp Tết Chol Chnam Thmay, Sen Dolta, lễ nhập hạ, xuất hạ… có thể thấy những khung cảnh rộn ràng, thu hút nhiều du khách tham gia trải nghiệm… Thời gian qua, ngoài các lễ hội truyền thống được tổ chức trong cộng đồng, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh còn tổ chức nhiều ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch để tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào DTTS Khmer. Nhiều nghệ nhân, nhà sư được tạo điều kiện và hỗ trợ nguồn lực để truyền dạy đàn ngũ âm, dạy chữ viết, đàn Chà Pay, dệt thổ cẩm, làm gốm, múa Dì Kê… cho thế hệ trẻ.
Hòa thượng Chau Ty, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Soài So Tôm Nóp (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), chia sẻ sự phấn khởi, xúc động trước việc chính quyền các cấp đã rất quan tâm, tạo điều kiện để cộng đồng người Khmer bảo tồn, phát huy dòng nhạc dân tộc thông qua những lời hát, điệu múa uyển chuyển, những vở tuồng Dù kê ẩn chứa bao tự tình và các nghi thức cúng tế dịp lễ, tết, trong những bộ trang phục truyền thống vô cùng rực rỡ.
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, An Giang được phân bổ cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch là 8,170 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách trung ương là 7,427 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương là 0,743 tỷ đồng. |
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang Nguyễn Khánh Hiệp cho biết: Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc truyền thống của các DTTS; nâng cao nhận thức và lòng tự hào, ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các DTTS trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng. Bên cạnh đó, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản tiêu biểu dân tộc thiểu số; tái hiện di sản Nghệ thuật trình diễn Dù Kê đồng bào Khmer; bảo tồn, phục dựng Nghi lễ ăn mừng nhà mới của đồng bào Chăm; xây dựng câu lạc bộ văn hóa dân gian trình diễn Dù Kê của đồng bào dân tộc Khmer…
“Trong quá trình bảo tồn giá các trị văn hóa, những Người có uy tín, có kỹ năng biểu diễn nghệ thuật dân gian là đội ngũ nghệ nhân trao truyền bí quyết, kiến thức thực hành các di sản văn hóa phi vật thể nói chung và dân ca, dân vũ, dân nhạc tham gia hoạt động truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ trong nhà trường, cộng đồng”, ông Hiệp nói.
Chị Chau Ngọc Dịu bên sản phẩm đường thốt nốt Palmania đạt chứng nhận OCOP 4 sao. (Ảnh: Phương Nghi) |
Khai thác tiềm năng để phát triển du lịch
Thời gian qua ở làng Chăm Đa Phước (huyện An Phú, tỉnh An Giang) sau khi được hỗ trợ tham gia các mô hình du lịch cộng đồng, cuộc sống của người Chăm được nâng lên rõ rệt. Ông Ysa, người dân làng Chăm Đa Phước chia sẻ: “Trước đây, các sản phẩm dệt thổ cẩm, xà rông, khăn, áo, đồ thủ công truyền thống chủ yếu phục vụ cho cộng đồng Chăm thì nay trở thành sản phẩm du lịch, được du khách ưa chuộng. Tương tự, các món ăn truyền thống của người Chăm An Giang như tung lò mò (lạp xưởng bò), cà ri cơm nị, bánh bò nướng (bánh “nămparăng”)… trở thành đặc sản phục vụ du khách.
Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa truyền thống chẳng những giúp đồng bào DTTS Chăm có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn giúp bà con nơi đây mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp. Có không ít người Chăm đã vươn lên thành đạt”.
Một điển hình về sản phẩm OCOP của đồng bào dân tộc Khmer huyện miền núi Tri Tôn là đường thốt nốt sệt Palmania của chị Chau Ngọc Dịu, Giám đốc Công ty cổ phần Palmania (thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu độc quyền, sản phẩm OCOP đạt 4 sao và được đề xuất sản phẩm OCOP quốc gia 5 sao.
Chị Chau Ngọc Dịu nói: “Palmania là đam mê, cũng là khát khao, đồng thời là nguyện vọng của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi. Palmania 100% tự nhiên, không dùng chất phụ gia, vì không sử dụng phương pháp tách mật nên khi làm thành dạng bột sản phẩm vẫn giữ được hương thơm, vị ngon đặc trưng của thốt nốt và các khoáng chất có trong mật thốt nốt sệt truyền thống”.
Nhờ chất lượng, sản phẩm được thị trường ngoài nước tìm đến. “Hiện sản phẩm mật thốt nốt Palmania được phân phối tại 14 tỉnh, thành phố, với hơn 50 điểm bán trên cả nước và công ty đang xúc tiến sản phẩm tại thị trường châu Âu”, Giám đốc Chau Ngọc Dịu chia sẻ.
Khi đến với làng Chăm Châu Phong, du khách sẽ trải nghiệm các làng nghề lâu đời, thưởng thức các món ăn truyền thống. Đây chính là hướng đi mà cô gái Chăm Hứa Thị Rokya ở ấp Phũm Xoài, xã Châu Phong (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) khi tốt nghiệp đại học và có cuộc sống ổn định ở TP. Hồ Chí Minh đã lựa chọn khi quyết định trở về quê khởi nghiệp với nghề truyền thống của gia đình.
Nghĩ đây là sản phẩm tiềm năng, lại được nhiều người ưa chuộng, chị quyết tâm “đem chuông đi đánh xứ người”, dọc xuôi từ Nam ra Bắc, miễn có cơ hội quảng bá sản phẩm là chị không ngần ngại tham gia. Thời gian qua, mỗi lần khách đến làng Chăm, Rokyah sẽ đồng hành suốt chương trình, vừa hướng dẫn du khách trải nghiệm, thưởng thức tung lò mò, vừa giới thiệu về lịch sử hình thành món ăn gắn với tập quán sinh hoạt, những giá trị đặc trưng về văn hóa, đời sống của cộng đồng dân tộc Chăm.
Thông qua hình thức phát triển du lịch cộng đồng, không chỉ góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà còn giúp người dân ở địa phương có thêm được nguồn thu nhập từ việc giới thiệu, bán những sản phẩm.
Quy trình chế biến tung lò mò của gia đình cô gái Chăm Hứa Thị Rokya. (Ảnh: Phương Nghi) |
Hứa Thị Rokyah bày tỏ: “Tôi rất tâm huyết với mô hình du lịch cộng đồng này, tuy nhiên vừa khởi phát không bao lâu thì phải tạm gián đoạn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Đến cuối năm 2022, tôi bắt đầu khởi động lại, cũng đã có nhiều đoàn khách đến tham quan trải nghiệm tại cơ sở Anas”.
Chị rất vui khi “du khách rất hứng thú và rất tập trung nghe mình nói về văn hóa truyền thống Chăm cũng như câu chuyện về sản phẩm, mọi người cũng đặt rất nhiều câu hỏi liên quan về sản phẩm, về văn hóa truyền thống, vì càng trao đổi lại muốn được nghe giới thiệu nhiều hơn”.
Việc quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số bằng những việc làm cụ thể, sát với nhu cầu thực tế, đã, đang và sẽ góp phần tạo nên sức lan tỏa, trong việc bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số ở An Giang.
Nguồn: https://baoquocte.vn/bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-hoa-cac-dan-toc-thieu-so-gan-voi-phat-trien-du-lich-279476.html