Cũng như nhiều cơ quan báo Đảng trong cả nước, Báo Thanh Hóa bước vào kỷ nguyên số với thách thức phát triển song hành cả tờ báo in truyền thống lẫn báo điện tử theo xu thế hiện đại. Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, sống còn, Báo Thanh Hóa đã từng bước tiếp cận, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ.
Để thích ứng với môi trường truyền thông mới trên nền tòa soạn báo in có bề dày hơn 60 năm, Báo Thanh Hóa xác định chỉ có con đường “tòa soạn hội tụ” mới đáp ứng yêu cầu phát triển hài hòa. Vậy nên, Ban Biên tập đã từng bước thay đổi quy trình, chuyển đổi từ mô hình tòa soạn truyền thống sang tòa soạn điện tử, mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện, và đã đem lại hiệu quả rõ rệt.
Những việc làm của Báo Thanh Hóa trong cuộc đua chuyển đổi số hết sức khẩn trương nhưng cũng hết sức thận trọng, với quan điểm phải lấy bạn đọc làm trung tâm của công cuộc chuyển đổi, mọi hoạt động chuyển đổi số đều phải hướng đến sự hài lòng của bạn đọc.
Để giúp phóng viên có thể tác nghiệp “3 trong 1” (báo điện tử, báo in, video clip) chỉ với chiếc điện thoại smartphone, tòa soạn đã mời các chuyên gia hàng đầu về truyền thông đa phương tiện từ các cơ quan báo chí, trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí ở Trung ương về “cầm tay chỉ việc” để tạo ra những nhà báo biết làm chủ công nghệ. Cùng với đó, báo đã xây dựng hệ thống quản trị nội dung (CMS) khoa học, xây dựng giao diện Báo Thanh Hóa điện tử tương thích với tất cả các thiết bị di động thông minh.
Trong giao ban tòa soạn hội tụ hằng ngày, Ban Biên tập đã chỉ ra những hạn chế trong cách tổ chức sản xuất các ấn phẩm; đánh giá phân tích số báo trong ngày, những vấn đề gì bạn đọc quan tâm, cái gì đưa báo in, cái gì cần đưa lên ấn phẩm điện tử, để tổ chức thực hiện các chuyên đề, các tuyến bài phù hợp cho từng ấn phẩm.
Từ việc bạn đọc phải chờ đến ngày hôm sau mới được đọc tin tức của ngày hôm trước, đến nay bạn đọc có thể tiếp cận tin tức ngay trong ngày, trong đó một số sự kiện được Báo Thanh Hóa cập nhật trực tiếp theo diễn biến dưới hình thức tin tức đa phương tiện (gồm chữ viết, ảnh, video, khối đồ họa). Từ chỗ bạn đọc chỉ có thể đọc báo, thì nay có thể xem, nghe Báo Thanh Hóa.
Trong môi trường truyền thông hội tụ, phóng viên Báo Thanh Hóa được thỏa sức sáng tạo những sản phẩm truyền thông mới, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung như: E-Magazine, Longform, Infographics, Podcast…. Chỉ cần phóng viên có ý tưởng và say mê sáng tạo, cả tòa soạn sẽ đứng bên hỗ trợ.
Hiện nay, Báo Thanh Hóa có 5 ấn phẩm, gồm 3 ấn phẩm báo in và 2 ấn phẩm báo điện tử, cụ thể là: Hằng ngày; hằng tháng; cuối tuần; điện tử và Chuyên trang Văn hóa và Đời sống điện tử. Cùng với đổi mới nội dung trên các ấn phẩm, Báo Thanh Hóa đã mở ra nhiều kênh tiếp nhận và quảng bá nội dung đến bạn đọc, nhất là thông qua mạng xã hội, hiện Báo Thanh Hóa đang quản lý 4 kênh quảng bá trên nền tảng mạng xã hội là Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok.
Theo ông Nguyễn Việt Ba – Tổng Biên tập Báo Thanh Hóa chia sẻ, quan điểm của báo trong chặng đường sắp tới là tiếp tục có những đột phá, tiếp cận về công nghệ, đưa các ấn phẩm và các kênh quảng bá do báo quản lý trở thành kênh thông tin nhanh, định hướng sớm các nguồn tin. Đồng thời, sẽ mở thêm các chuyên mục mới như: Review OCOP – Đặc sản xứ Thanh; WOW! Thanh Hoá… Để làm tốt những yêu cầu đó, bên cạnh sự ủng hộ của tỉnh, của bạn đọc, sự nỗ lực của cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Thanh Hóa, không thể thiếu yếu tố quan trọng đó là: Chuyển đổi số.
Có thể thấy, báo chí đang phải đối mặt với những yêu cầu đổi mới nên dù ở nền tảng công nghệ nào, kỹ thuật làm báo phát triển đến đâu thì giá trị cốt lõi mà Báo Thanh Hóa đã đạt được vẫn luôn mang đến cho bạn đọc những sản phẩm trung thực nhất, chính xác nhất, chất lượng nhất, kịp thời nhất và đa dạng nhất.
Hà Anh