(CLO) Một mảng đại dương cổ đại bên dưới Iraq đang dần tách ra, kéo bề mặt Trái đất xuống và định hình lại cảnh quan, cho thấy sự thay đổi địa chất vẫn tiếp diễn trong khu vực.
Một mảng đại dương cổ đại bên dưới Iraq ngày nay đang dần tách ra theo chiều ngang, theo một nghiên cứu mới. Vết rách ngầm khổng lồ này, kéo dài từ đông nam Thổ Nhĩ Kỳ đến tây bắc Iran, đang ảnh hưởng đến sự chuyển động của bề mặt Trái đất, dần định hình lại cảnh quan khu vực.
Trong hàng triệu năm, khi các mảng lục địa Ả Rập và Á-Âu trôi về phía nhau, đáy biển cổ đại bị kẹt giữa chúng - được gọi là mảng đại dương Neotethys - đã dần bị đẩy sâu vào lòng đất. Khi hai mảng cuối cùng va chạm, các cạnh của chúng nhô lên và uốn cong, tạo thành Dãy núi Zagros.
Tuy nhiên, quá trình này vẫn chưa kết thúc. Các nhà nghiên cứu cho biết, dãy núi Zagros tại khu vực Kurdistan của Iraq vẫn tiếp tục biến đổi trong 20 triệu năm qua. Sức nặng của dãy núi khiến bề mặt Trái đất uốn cong, tạo ra các vùng trũng tích tụ trầm tích, điển hình là vùng Lưỡng Hà. Nhưng họ nhận thấy rằng ở khu vực đông nam, vùng trũng sâu 3-4 km chứa nhiều trầm tích hơn dự kiến.
Phát hiện này cho thấy, ngoài tác động từ khối lượng của Dãy núi Zagros, mảng đại dương chìm bên dưới cũng đang kéo bề mặt Trái đất xuống. "Mặc dù địa hình khu vực phía tây bắc Zagros không quá cao, nhưng lượng trầm tích tích tụ lại nhiều bất thường. Điều này cho thấy vùng trũng lớn hơn mức có thể chỉ do tải trọng của dãy núi", Tiến sĩ Renas Koshnaw, tác giả chính của nghiên cứu và nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Göttingen, cho biết.
Koshnaw giải thích thêm rằng, ở phía Thổ Nhĩ Kỳ, vùng trũng chứa trầm tích trở nên nông hơn, có thể do phiến đá bên dưới đã bị vỡ, làm giảm lực kéo xuống.
Các nhà khoa học tin rằng mảng đại dương Neotethys đang tiếp tục chìm vào lớp phủ Trái đất - lớp đá dày nằm giữa lớp vỏ và lõi. Nghiên cứu này giúp hiểu rõ hơn về cách các quá trình biến đổi bên trong Trái đất ảnh hưởng đến địa hình bề mặt.
"Mất rất nhiều thời gian, nhưng không có gì trên Trái đất là bất biến", Tiến sĩ Koshnaw nhận định. Một trong những thay đổi địa chất mạnh mẽ nhất hiện nay có thể thấy ở Hệ thống Đới tách giãn Đông Phi (EARS), một trong những đới tách giãn lớn nhất thế giới. Trong vòng 5-10 triệu năm tới, một phần Đông Phi có thể tách khỏi lục địa, hình thành một đại dương mới giữa các khối đất liền bị chia cắt.
Hà Trang (theo IFL Science)
Nguồn: https://www.congluan.vn/mot-day-bien-co-dai-duoi-trung-dong-dang-dan-tach-khoi-cac-mang-luc-dia-post332596.html
Bình luận (0)