Nguyễn Đình Chương, đại diện một xưởng đóng tàu Hạ Long, cảm thấy buồn khi những chiếc thuyền buồm gỗ chở khách dần ít đi.
Có niên đại từ thế kỷ thứ hai ở Trung Quốc, thuyền buồm nổi tiếng với khả năng di chuyển linh hoạt, ổn định, đặc biệt trong những vùng biển dễ xảy ra lốc xoáy. Ngày nay, thuyền buồm gắn động cơ vẫn được sử dụng để đánh bắt cá ở một số vùng của Trung Quốc, Nhật Bản hoặc để tham quan ở Hong Kong, Campuchia và Việt Nam.
Tại Việt Nam, sau một loạt vụ tai nạn chết người, trong đó có thảm kịch năm 2011 khiến 12 người thiệt mạng khi một chiếc thuyền gỗ bị gãy làm đôi, Sở Giao thông Quảng Ninh năm 2016 cho biết những tàu gỗ du lịch sẽ dần thay thế bằng tàu sắt an toàn hơn.
Để tìm hiểu thêm về những chiếc tàu gỗ có buồm đang ít dần tại Việt Nam, Ian Lloyd Neubauer, phóng viên của báo Nikkei Asia, Nhật Bản đã đến Hạ Long gặp Nguyễn Văn Cường, chủ một đội tàu nhỏ đang hoạt động trên vịnh.
Sau khi vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận Di sản Thế giới vào năm 1994, Nguyễn Văn Cường dùng toàn bộ tiền tiết kiệm để đóng Cat Ba Imperial, một con tàu dài 27 m với 4 cabin có phòng tắm riêng cùng hai cánh buồm dài 12 m.
Đến 2019, khi Việt Nam đón lượng khách quốc tế kỷ lục 18 triệu lượt, đội tàu của anh Cường cũng tăng gấp bốn. Bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng công việc của Cường dần phục hồi khi Việt Nam dự kiến hoàn thành mục tiêu đón 8 triệu lượt khách năm nay.
“Đội tàu của tôi được lấy cảm hứng từ những chiếc thuyền buồm nhỏ tôi đã đi đánh cá cùng ông nội khi còn bé – loại thuyền mà ngư dân ở vịnh Hạ Long vẫn sử dụng cho đến ngày nay”, Cường nói khi lái xe chở khách ra khỏi Bến Bèo, một bến cảng ở phía đông nam quần đảo Cát Bà.
Loại thuyền của Cường khác với thuyền buồm Trung Quốc với đáy phẳng vì “nước ở vịnh Hạ Long rất yên tĩnh”. Tàu hình chữ nhật để cung cấp cho du khách nhiều không gian trên boong hơn so với thuyền cong của Trung Quốc.
Thoạt nhìn, Cat Ba Imperial có những mẩu sơn đang bong tróc. Một số mảnh gỗ đã mục, nhiều vết rỉ sét trên lan can kim loại. Nhưng đổi lại, con thuyền thu hút du khách quốc tế nhờ cách trang trí đẹp mắt với đèn lồng thắp sáng boong vào ban đêm, đồ gỗ thủ công trang trí trên mái hiên, khung cửa sổ, cabin. Đầu mũi tàu là một cầu thang tròn bằng gỗ tếch dẫn lên đài quan sát, nơi du khách nằm trên ghế tắm nắng và ngắm nhìn di sản UNESCO. Cánh buồm đỏ thắm bay trong gió tạo nên một bức tranh tráng lệ, quyến rũ của thế giới cổ xưa, thu hút sự chú ý của mọi du khách ngồi trên một con tàu du lịch hiện đại đi ngang qua.
Ian cho rằng việc những chiếc thuyền buồm gỗ dần ít đi không chỉ hạn chế các lựa chọn của khách mà còn làm khung cảnh trên biển trở nên đơn điệu hơn vì không còn màu đỏ thắm của những cánh buồm.
“Thật buồn vì đây là những chiếc thuyền buồm gỗ cuối cùng ở Việt Nam”, Cường nói khi nhìn vào đội tàu của mình. Ông chủ đội tàu nói thêm những chiếc tàu không chỉ chở khách để kiếm tiền, mà “còn là một phần của lịch sử, văn hóa, một biểu tượng về chúng tôi”.
Ian đồng tình với quan điểm này. Anh từng đi thuyền gỗ ở Maldives, Indonesia, Tasmani (Australia) và New zealand. Nhưng Ian “chưa bao giờ thấy sự kết hợp giữa gỗ và nước nào ăn ảnh hơn du thuyền ở vịnh Hạ Long”.
Về những chiếc thuyền buồm gỗ bị chìm khiến khách thiệt mạng trên vịnh Hạ Long trước đây, Cường nói đó là những chiếc “có thiết kế tồi”, chủ tham lam nên cho xây thêm hai, ba tầng trên boong để có thêm cabin bất chấp việc tàu không chịu nổi trọng lượng.
Sau hai ngày lênh đênh trên biển, Ian ghé thăm Anh Hang, xưởng đóng tàu nơi Cat Ba Imperial bảo dưỡng hai lần mỗi năm, tại thành phố Hạ Long. “Gia đình tôi đóng thuyền đã sáu, bảy đời”, Nguyễn Đình Chương nói khi dẫn Ian đi tham quan nơi gia đình anh đóng tàu. Trên sân ngổn ngang những mẩu gỗ cũ, mảnh vụn kim loại, mùn cưa. Một nhóm công nhân đang dùng vòi áp suất cao để cạo hàu khỏi thuyền đánh cá.
Về lý do nhiều thuyền buồm gỗ ở vịnh Hạ Long mang tiếng xấu, ông Chương cho rằng “chúng là những chiếc thuyền du lịch rẻ tiền, không được bảo dưỡng thường xuyên. Những người làm việc trên đó không biết gì về thuyền buồm. Khi có sự cố, họ nhảy xuống biển cứu mình trước và bỏ mặc hành khách”, theo ông Chương.
“Thật buồn khi thấy những chiếc thuyền buồm ít đi vì chúng là một phần truyền thống của chúng tôi”, ông Chương cho biết.
Anh Minh (Theo Nikkei Asia)