Chuyên gia nhận định thảm họa cháy rừng ở Hawaii là hệ lụy của nhiều yếu tố vốn tồn tại từ lâu tại quần đảo này và đã có tiền lệ.
Sau khi gió từ một cơn bão khiến cháy rừng lan rộng ở quần đảo Hawaii, Mỹ, năm 2018, các nhà nghiên cứu đã lục lọi vô số tài liệu khoa học để tìm ra những thảm họa tương tự. Họ tìm thấy hai vụ.
Giờ đây, những đám cháy rừng bùng phát do ảnh hưởng bởi gió bão một lần nữa lại thiêu rụi các khu dân cư của bang này, khiến ít nhất 80 người thiệt mạng, thị trấn lịch sử Lahaina gần như bị phá hủy hoàn toàn.
Các nhà khoa học và nhà hoạt động chống cháy rừng cho biết hỏa hoạn ở Hawaii đã bị khuếch đại bởi nhiều yếu tố và nhiều thảm họa hơn nữa có thể xảy ra trong tương lai.
Elizabeth Pickett, đồng giám đốc Tổ chức Phản ứng Cháy rừng Hawaii, cho hay mặc dù các đám cháy trong tuần qua khiến nhiều người bất ngờ, đây không phải điều quá khó đoán. Dù có nhiều khu rừng nhiệt đới và thác nước, Hawaii là nơi thường xuyên nắng nóng và mức nhiệt đang ngày càng tăng lên.
“Chúng ta không thể điều chính mọi thứ nhưng thảm họa này là điều có thể đoán trước”, bà nói.
Đám cháy bắt đầu lan ra ở Maui, Oahu và Đảo Lớn của Hawaii từ hôm 8/8 khi Cơ Quan Khí tượng Quốc gia đưa ra cảnh báo đỏ. Phần lớn bang đã trải qua nhiều tháng hạn hán, đặc biệt là khu vực bao quanh thị trấn Lahaina.
Điều đó có nghĩa là chỉ cần một ngọn lửa nhỏ cũng có thể nhanh chóng khiến hỏa hoạn bùng lên trên thảm thực vật vốn đã khô héo vì nắng nóng. Và do gió, ngọn lửa lan về phía các cộng đồng dân cư.
Gió mạnh rất phổ biến ở Hawaii. Ngay cả trong thời tiết mùa hè điển hình, vận tốc gió có thể lên tới 65 km/h. Nhưng những cơn gió thổi qua các hòn đảo và thổi bùng lên những đám cháy trong tuần qua đặc biệt mạnh, khi gió giật lên tới hơn 130 km/h trên cả Đảo Lớn và Oahu, và đạt gần 108 km/h trên đảo Maui, theo dữ liệu từ Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia.
Một số quan chức Hawaii thừa nhận mức độ hỏa hoạn khiến họ bất ngờ. “Chúng tôi không lường trước được rằng một cơn bão không ảnh hưởng đến các hòn đảo của chúng tôi lại có thể gây ra những đám cháy rừng khủng khiếp như vậy”, Phó thống đốc bang Josh Green cho hay.
Những cơn gió được cho là sản phẩm của sự chênh lệch áp suất khí quyển giữa một khu vực có áp suất cao ở Bắc Thái Bình Dương và áp suất thấp ở tâm bão Dora, đã ở cách xa quần đảo Hawaii hàng trăm km về phía nam vào ngày 8/8.
Alison Nugent, nhà khí tượng học từ Đại học Hawaii, cho biết ngay cả khi không có ảnh hưởng từ bão Dora, tác động từ những cơn gió bình thường, vốn tương đối khô và thổi dọc theo các sườn núi của Hawaii, đã đủ để khiến ngọn lửa bùng lên dữ dội. Nhưng theo bà, bão Dora góp phần gia tăng cường độ gió.
Các kịch bản tương tự từng xảy ra trong hai ví dụ mà các nhà nghiên cứu tìm thấy. Năm 2007, một cơn bão nhiệt đới đã khiến những đám cháy đang âm ỉ ở Florida và Georgia bùng lên dữ dội. Một thập kỷ sau, hỏa hoạn khắp Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã giết hơn 30 người khi một cơn bão quét qua bờ biển hai quốc gia này.
Nugent cho biết hoàn toàn có lý do khi các nhà khoa học lo lắng về việc những cơn bão trong tương lai, dù hiếm khi đổ bộ trực tiếp vào Hawaii mà chỉ lướt qua, vẫn có nguy cơ gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho quần đảo.
Mặc dù không có mối liên hệ rõ ràng giữa biến đổi khí hậu do con người và hạn hán ở Hawaii, xu hướng chung đang diễn ra trong khu vực là lượng mưa giảm và số ngày khô hạn liên tiếp tăng.
Ian Morrison, nhà nghiên cứu khí tượng ở Honolulu, Hawaii, cho biết mùa mưa năm nay mang đến lượng mưa dưới mức trung bình, đồng nghĩa thời tiết trở nên khô hạn bất thường khi bước vào mùa hè.
Một yếu tố làm tăng nguy cơ hỏa hoạn tại Hawaii là sự phát triển của các loại cỏ dễ cháy phi bản địa. Giống như đa phần những nơi khác thuộc quần đảo, thảm thực vật bản địa của Maui đã bị thay thế bằng các đồn điền trồng đường, dứa và chăn thả gia súc. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, hoạt động nông nghiệp có chiều hướng suy giảm đáng kể.
Nghiên cứu của Nugent cho thấy trước khi bão Lane đổ bộ vào năm 2018, 60% diện tích đất vốn được sử dụng để trồng trọt và chăn nuôi gia súc tại Hawaii đã bị bỏ hoang. Chúng sau đó mọc lên các loại cỏ dễ cháy như cỏ sả lá nhỏ hay cỏ lau, vốn được đưa đến các hòn đảo để che phủ những đồng cỏ trợ trụi và làm cây cảnh.
Cả hai loài đều thích nghi để phát triển mạnh sau hỏa hoạn, tạo ra nhiều nguyên liệu hơn cho những đám cháy tiếp theo và lấn át đà phát triển của những thực vật bản địa.
“Nó giống như ném một tấn cỏ dại vào sân sau nhà bạn rồi trồng xen kẽ vào đó vài loại cây thực sự mỏng manh”, Lisa Ellsworth, phó giáo sư tại Đại học bang Oregon, người đã nghiên cứu về các loại cỏ xâm lấn ở Hawaii, cho hay. “Đó là một chu kỳ tạo ra nhiều loại cỏ xâm lấn hơn và nhiều đám cháy rừng hơn”.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy những vùng đất cỏ và cây bụi dễ cháy phi bản địa chiếm hơn 85% diện tích bị thiêu rụi trong các đám cháy rừng do bão Lane gây ra vào năm 2018. Cơ quan ứng phó hỏa hoạn địa phương ước tính những khu vực như vậy hiện bao phủ khoảng 1/4 diện tích Hawaii.
Thảm thực vật này thường chạy dọc theo các khu vực đông dân cư có nhiều bất động sản giá trị. Vậy nên, theo Pickett, chính quyền cần đầu tư đáng kể và áp dụng những chính sách mới để các cộng đồng như vậy có thể ứng phó kịp thời trước những rủi ro hỏa hoạn mà họ gặp phải.
Ngoài thiệt hại về vật chất và sinh mạng, ảnh hưởng từ các đám cháy rừng còn phá hoại cảnh quan của Hawaii về lâu dài.
Không giống như khu vực phía tây Mỹ, nơi những đám cháy vừa phải có thể cải thiện sức khỏe của rừng (quay vòng các chất dinh dưỡng cần thiết cho thực vật), hệ sinh thái của Hawaii không có khả năng thích nghi để cùng tồn tại với cháy rừng, Melissa Chimera, điều phối viên từ tổ chức hoạt động ngăn cháy rừng Pacific Fire Exchange, đánh giá.
Hệ thực vật bản địa bị đốt cháy không mọc lại mà bị thay thế bằng các loài thực vật xâm lấn. Một trận hỏa hoạn vào năm 2007 từng thiêu rụi gần như toàn bộ cây dâm bụt vàng, loài hoa đặc trưng của bang Hawaii, trên đảo Oahu.
Mặt khác những cơn mưa còn có thể cuốn trôi những tàn tích hỏa hoạn vào đại dương, làm san hô chết ngạt và hủy hoại chất lượng nước.
“Đối với hệ sinh thái của khu vực, lửa không có bất kỳ tác dụng nào”, Chimera nói. “Hoàn toàn không có”.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)